A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021))

Lời hẹn ước không thành trước ngày đại thắng

Bố tôi là Trần Thoại, mẹ tôi là Hồ Thị Trâm, bố mẹ lấy nhau năm 1969, ngày đó Bác Hồ mới mất nên bố mẹ không làm đám cưới. Hai năm sau, mẹ sinh chị tôi. Khi đó bố đang dạy ở trường Đại học sư phạm Hà Nội. Nhưng vì thương vợ con, thương cha, mẹ cùng các em đang vất vả ở quê nhà, bố từ giã Thủ đô, xin chuyển công tác về dạy trường cấp 3 Hà Tĩnh, với mong muốn được gần nhà để có điều kiện giúp đỡ gia đình.

Năm 1972 - thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khẩn trương, ác liệt, nhu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Trong một chuyến về Hương Sơn (Hà Tĩnh) thăm ông, bà nội, ông nội kể với bố về tình hình chiến sự miền Nam, ông nói: "Nếu con cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước thì đó là một vinh dự cho bản thân con và gia đình ta". Sau cuộc nói chuyện với ông, bố trở về nhà (thành phố Vinh, Nghệ An) và nói với mẹ: "Bộ đội ta hy sinh quá nhiều, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cần tăng cường lực lượng chiến đấu cho các chiến trường, anh sẽ nhập ngũ, xung phong vào miền Nam tham gia chiến đấu em nhé!". Sau khi làm xong công tác tư tưởng cho mẹ, bố bỏ lại bảng đen, phấn trắng, xếp bút nghiên, cùng hai học trò xung phong nhập ngũ.

Liệt sỹ Trần Thoại chụp ảnh cùng vợ Hồ Thị Trâm thời còn trẻ.

Ba thầy trò được biên chế vào một đơn vị pháo binh. Qua lời kể của mẹ tôi được biết, mùa thu 1972, đơn vị bố được vinh dự tham gia trận đánh lừng danh lịch sử, kéo dài 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, bên con sông Thạch Hãn huyền thoại. Đánh nhau liên miên mấy năm liền, rồi đến mùa hè năm 1974, bố được đơn vị giao nhiệm vụ ra Bắc công tác ít ngày. Tranh thủ qua nhà thăm gia đình, ôm chị tôi vào lòng, bố nói: "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bố sẽ lại trở về bên con". Chị tôi mới hơn ba tuổi, đôi mắt tròn xoe nhìn bố chẳng hiểu chuyện gì". Đêm đó, bố thì thầm vào tai mẹ: "Có thể miền Nam vài năm nữa mới giải phóng được, em ở nhà sinh con, tùy theo giới tính mà đặt cho con một cái tên có ý nghĩa". Mẹ nghẹn ngào: "Mẹ con em chờ anh chiến thắng trở về rồi dành anh đặt tên cho con". Bố lại bảo: "Chiến tranh khốc liệt như này, hy sinh là điều khó tránh khỏi, nếu anh không trở về nữa thì em hãy tái giá tìm cho mình một hạnh phúc riêng, em nhé!. Mẹ khóc nấc lên: "Em sẽ chờ ngày anh trở về, hai năm, năm năm hoặc một trăm năm nữa cũng không sao, miễn anh đừng phụ lòng mong mỏi của mẹ con em mà thất hứa".

Bà Hồ Thị Trâm chụp ảnh cùng anh Trần Xuân Sum khi anh 6 tháng tuổi.

Sau khi trở lại Quảng Trị, đơn vị bố được lệnh xẻ dọc Trường sơn, kéo pháo tiến vào miền Nam. Không quân ngụy vẫn oanh tạc mạnh dọc tuyến đường huyết mạch này. Vừa đi vừa đánh nhau, hơn nửa năm, vượt qua bao nhiêu đèo núi, nhích từng centimet thì cuối cùng đơn vị bố cũng vào được chiến trường chính - Sài Gòn. 5 giờ 30 phút ngày 09/4/1975, đơn vị bố được vinh dự bắn quả đạn pháo đầu tiên vào trận địa địch, mở màn cho trận đánh Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông Sài Gòn.

Vì là chốt chặn cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn nên địch cầm cự ác liệt, hai bên đánh nhau nhiều ngày, đêm không nghỉ. Ngày 26/4/1975, địch phát hiện vị trí đơn vị bố đóng quân, chúng dùng nhiều máy bay ném bom vào trận địa; tiếng pháo nổ vang rền, lửa đỏ góc trời; trận này quân và dân ta bắn rơi nhiều máy bay địch; tuy nhiên, nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị bố đã anh dũng hy sinh trên mâm pháo, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.

Nghĩa là, chỉ còn 4 ngày nữa thôi là giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, kết thúc chiến tranh. Đoàn quân chính nghĩa chiến thắng sẽ vinh quang trở về trong danh dự, được đồng bào cả nước vẫy cờ hoa chào đón. Thế nhưng, bố và hai học trò đã mãi mãi nằm xuống trên chiến trường miền Nam ruột thịt.

Ngày 26/4/2021 là giỗ lần thứ 46 của bố, cũng là chừng ấy năm mẹ tôi vẫn một lòng thủy chung son sắt chờ chồng, dù lời hẹn ước của bố trở về bên gia đình sau ngày đại thắng không thực hiện được. Mẹ đặt tên tôi là Trần Xuân Sum (tức mùa Xuân sum họp).

Anh Trần Xuân Sum (chính giữa phía sau) chụp ảnh cùng mẹ Hồ Thị Trâm (ngồi giữa), chị gái và vợ con.

 

Hoàng Thái ghi theo lời kể của anh TRẦN XUÂN SUM (con trai thứ hai liệt sỹ Trần Thoại), khối 14, phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An)


Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội