A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Nắm chắc thời cơ, tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công

Sau khi đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, kế hoạch tiến công Sài Gòn – Gia Định đã nhanh chóng được phê duyệt từ ngày 22/4/1975.

Chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị

Những chiến thắng liên tiếp của chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ (đặc biệt là chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh) mở toang “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn của quân và dân ta, đã làm cho giới lãnh đạo Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vô cùng hoảng sợ.

Đại sứ Mỹ Martin tại Sài Gòn phải khẩn cấp báo cáo với Tổng thống Mỹ G.Pho: “Các đơn vị quân Bắc Việt Nam đang cùng một lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn... Có khả năng bao vây và cô lập thành phố này trong một hay hai tuần nữa. Chính phủ (Việt Nam Cộng hòa) có thể tăng viện một hoặc hai mặt trận bằng cách rút lực lượng từ khu vực Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, nhưng cũng không thể làm gì hơn là sự kéo dài thêm sự tồn tại của Sài Gòn khoảng một tuần bởi vì quân Bắc Việt có khả năng hầu như lập tức, loại trừ những lực lượng tăng cường này”.

Đối với Mỹ, lúc này, việc cấp bách là bảo đảm an toàn cho người Mỹ rút khỏi Sài Gòn và ráo riết tìm giải pháp hòng dựng lên một chính phủ có khả năng "thương lượng" với đối phương.

Trước áp lực của tình hình và sức ép của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu buộc phải miễn cưỡng chấp nhận từ chức để được an toàn ra nước ngoài, sống lưu vong trước khi bị lật đổ.

Ngay sau khi lên làm Tổng thống, Trần Văn Hương được Mỹ ủng hộ, đã ra lệnh "Chống cộng đến giọt máu cuối cùng", yêu cầu Bộ tổng tham mưu quân Sài Gòn lập tức chấn chỉnh, khôi phục lực lượng, điều chỉnh thế bố trí, giữa các địa bàn còn lại của Quân khu 3 và Quân khu 4.

Nắm bắt kịp thời toàn bộ diễn biến của tình hình chiến trường trong nước, trong khu vực có liên quan, trong bức điện gửi cho Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị chỉ rõ: "Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị".

Cuối tháng 3-1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

 

Tạo ưu thế cả về sức mạnh quân sự và chính trị

Căn cứ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và diễn biến mới về hình thái địch, ta trên chiến trường Nam Bộ (đặc biệt là chiến trường miền Đông Nam Bộ), ngày 22/4/1975, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã họp thông qua và phê duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định. Nắm chắc lực lượng và thế trận phòng thủ của địch ở thành phố có diện tích gần 120 km2, dân số trên 3 triệu người, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế đầu não của chế độ Sài Gòn, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định rõ tư tưởng chỉ đạo: Phải chuẩn bị chu đáo, phải đánh chắc thắng; chú trọng những trận đánh quan trọng ở vòng ngoài, vùng ven, không cho địch co cụm về Sài Gòn, tạo và thúc đẩy sự tan rã lớn và nhanh. Tổ chức các mũi thọc sâu có đầy đủ sức mạnh để đột kích thật nhanh, đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu để nhanh chóng “đánh ngã” địch. Tiến công quân sự phải đi trước một bước và phải giữ vai trò quyết định. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đột kích liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng. Coi trọng công tác bảo đảm vật chất, bảo đảm cơ động, bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm dẫn đường... Phải giữ bí mật về thời gian, về lực lượng, về triển khai khu vực tập kết và công tác chuẩn bị chiến trường. Tăng cường và đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch.

Với quyết tâm giành thắng lợi trọn vẹn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tập trung chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng toàn bộ các quân đoàn chủ lực cơ động 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), gồm 15 sư đoàn, 5 trung đoàn, lữ đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn binh chủng kỹ thuật (pháo mặt đất, pháo phòng không, công binh); 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 trung đoàn, lữ đoàn đặc công; 4 trung đoàn thông tin; 1 trung đoàn tên lửa; một số đơn vị không quân, hải quân; 2 sư đoàn ô tô vận tải. Lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực chiến dịch có 2 trung đoàn, nhiều tiểu đoàn, đại đội tỉnh, thành đội, huyện đội; 6 trung đoàn đặc công, 60 tổ biệt động; toàn bộ lực lượng chính trị, binh vận... thuộc Quân khu 7 và thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tổng cộng lực lượng tham gia chiến đấu là 270.000 người (trong đó 250.000 bộ đội chủ lực, 20.000 bộ đội địa phương) và 180.000 lực lượng hậu cần chiến dịch.

Hầu hết các binh đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa lập nên những chiến thắng lẫy lừng ở Tây Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Xuân Lộc. Những đơn vị đặc công, biệt động thành, những đội công tác vũ trang bí mật rất thông thuộc địa bàn, nắm chắc mục tiêu, đã vào trong nội đô để phát động và tổ chức các lực lượng nổi dậy phối hợp với các đơn vị chủ lực từ ngoài vào.

Như vậy, so với tình hình địch trong Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, ta đã tạo được sức mạnh quân sự, chính trị ưu thế hơn hẳn đối phương cả về số lượng và chất lượng.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội