A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiêu trò "lộng giả thành chân", lợi dụng văn học để xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử

Thời gian qua, dưới đủ thứ "nhân danh" này nọ, một số người có tư tưởng cơ hội chính trị, bất mãn, cực đoan đã có những thái độ, hành vi “Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử” và “hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng”. Đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra.

Sự nghiệp đổi mới (từ 1986) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã tạo những bước đi vững chắc, thành tựu lớn lao của đất nước trong 35 năm qua. Đó là một hiện thực khách quan, một sự thật đáng lạc quan ở tầm vĩ mô không thể phủ nhận. Nhưng trong quá trình phát triển thông thường của sự vật không tránh khỏi những khúc quanh, khó khăn vướng mắc cần đấu tranh, khắc phục, tháo gỡ trên tinh thần cầu thị vì sự tiến bộ chung của toàn xã hội. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của sự nghiệp đổi mới, xét về phương diện văn hóa, là giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc đồng thời với mở cửa tiếp thu tinh hoa nhân loại tiến bộ, hòa nhập nhưng không hòa tan. Mặt khác, cần nhận thức quy luật sự vật trong quá trình phát triển luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập (giữa bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, phản động và phát triển, nhân văn, tiến bộ, cách mạng). Những giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng dân tộc có truyền thống hàng nghìn năm cần phải được bảo vệ, tôn vinh bằng nỗ lực của toàn dân.

Thử hình dung khi một xã hội không có, không còn những chuẩn mực văn hóa thì sẽ đi tới đâu? Không khó hình dung, nó sẽ đi vào bế tắc, rối loạn nhân tâm. Chính vào thời khắc đất nước đang vượt muôn trùng khó khăn thử thách, chuyển mình vươn lên mạnh mẽ thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và quần chúng, trong đó có các nhà văn “bỗng nhiên” mất phương hướng. Họ quay lại tìm cách quyết liệt giải thiêng các giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành tâm thức cộng đồng. Có người thậm chí đặt vấn đề rốt ráo (qua ngôn ngữ và hình tượng văn học) giải thiêng ý nghĩa của những thực thể Việt thiêng liêng-“đồng bào” (những người cùng một giống nòi dân tộc cùng trong một đất nước, được xem có quan hệ gắn bó như ruột thịt; là nhân dân nói chung); “đồng chí” (những người có cùng chí hướng chính trị). Trong đại dịch Covid-19, trong thiên tai khủng khiếp tàn phá thời gian qua diễn ra trên đất nước này, nếu không có tình nghĩa đồng bào cố kết, không có tinh thần tương thân tương ái, chung lưng đấu cật, không có tấm lòng nhường cơm sẻ áo, không có truyền thống "lá lành đùm lá rách" (lá rách ít đùm lá rách nhiều) thì có biết bao nhiêu cảnh ngộ, thân phận con người sẽ lâm vào thế bĩ cực mà không tìm thấy thái lai. Vậy mà khi tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương thí điểm dạy môn Nữ công gia chánh ở một trường THPT để rút kinh nghiệm, có thể đưa vào dạy đại trà hay không, ngay lập tức một cây bút nữ người Việt ở hải ngoại viết trên blog cá nhân (8-3-2021), với giọng chì chiết và đay nghiến đồng bào cùng giới mình: “Càng nghèo khó lạc hậu, càng thủ cựu tăm tối, càng cần phụ nữ đảm đang”. Chưa hết, ý đồ giải thiêng còn được nâng lên ở mức độ “vĩ mô”-hạ bệ thần tượng (không có vĩ nhân, không có đỉnh cao nào chói lọi), “nhổ nước bọt vào lịch sử”, coi quá khứ là một thứ “bóng đè” hắc ám, đặng gây nên nỗi khiếp đảm cho các thế hệ sinh sau đẻ muộn, non gan yếu vía vốn không thích, không muốn vướng bận các hệ lụy của quá khứ. Đánh mất quá khứ là đánh mất ký ức lương thiện-một giá trị tinh thần quan trọng quyết định sức sống, sự trường tồn của một dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 tích cực đọc sách.

Nhân viết về bệnh nhân danh đang lây lan với tốc độ chóng mặt, người viết nhớ lại những vần thơ lửa cháy của nhà thơ Tố Hữu: “Nhân danh ai?/ Bay mang những B.52/ Những na-pan, hơi độc/ Từ tòa Bạch ốc/ Từ đảo Guy-am/ Đến Việt Nam/ Để ám sát hòa bình và tự do dân tộc/ Để đốt những nhà thương, trường học./ Giết những con người chỉ biết yêu thương/ Giết những trẻ em chỉ biết đi trường/ Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá/ Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa!/ Nhân danh ai?/ Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài/ [...]/Nhân danh ai? Bay đưa ta đến những rừng dày/ Những hố chông, những đồng lầy kháng chiến/ Những làng phố đã trở nên những pháo đài ẩn hiện/ Những ngày đêm đất chuyển trời rung...” (Ê-Mi-Ly, con...,Tố Hữu toàn tập, tập I; Nxb Văn học, 2009, tr. 377-378). Chúng tôi đón trước rằng, sẽ không ít người kém thiện chí bỗng nhiên đồng thanh kêu lên thống thiết: “Xưa rồi...Diễm ơi!”. Nhưng, không “ôn cố” làm sao “tri tân”.

Nhân danh hiện nay đang trở thành một thứ “mode” trong tay một bộ phận không nhỏ dùng để trục lợi (chính trị, kinh tế, tiếng tăm). Trước hết, họ “nhân danh con người”. Câu “Trong con người có cả ác quỷ và thánh thần” được triệt để khai thác ở vế đầu. Dưới khẩu hiệu “tất cả vì con người”, một số người viết văn đào sâu vào bản năng gốc, tụng ca thân xác, kích thích bản năng, nổi loạn, phá phách. Việc tái bản một số tác phẩm trong quá khứ không có lợi cho việc di dưỡng tư tưởng, tình cảm trong sáng của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi học trò. Họ nhân danh tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất lòng người hay vì mục đích nào khác, tất cả đã phơi bày dưới thanh thiên bạch nhật. Phải chăng chúng ta đang ở một cực đoan khác?

Nhưng nhân danh “sự thật” với yêu cầu có vẻ chính đáng-viết là quyền “nhúng bút vào sự thật”, hiện đang là một cách “tự sướng” của một số người cầm bút viết văn. Nhân dân, thiết nghĩ, đã chịu quá nhiều gian khổ, hy sinh trong chiến tranh khốc liệt và dai dẳng, đã chịu nhiều tổn hại do thiên tai, dịch bệnh và các tai họa ngoài ý muốn chụp lên đầu, nên không cần nhà văn phải “đổ thêm dầu vào lửa”. Những vết thương đã lên da non, đã lành lặn dần theo thời gian không cần thiết “xới” lên; những bùn lầy, rác rưởi cũ, không cần “phục chế” nó, như thế chỉ càng tăng thêm nỗi bi ai, khốn cùng cho kiếp người. Người viết văn không nên, không thể, không được quyền tự tiện xưng danh là “người chữa trị các nỗi đau” cho đồng bào mình. Tuyên ngôn “chết cho sự thật” đôi khi bị một số người lợi dụng trong khi viết. Tiếp cận sự thật khi viết văn là cả một vấn đề không đơn giản (Sự thật nào? Sự thật có lợi cho ai? Sự thật tiến tới chân lý hay sự thật thỏa mãn ý đồ cá nhân?). Những tác phẩm văn học viết về các biến cố lịch sử trong quá khứ (tại đó, trong một bối cảnh cụ thể, chúng ta có thể mắc sai lầm không tránh khỏi) gần đây lại được xới lên, tô vẽ lâm ly thống thiết như một cách giành kiếm “phiếu tín nhiệm” cho người viết văn. Nên nhớ, nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã vào anh đại bác.

Còn một thứ nhân danh khác-núp bóng khoa học, núp bóng hiện đại hóa văn học nghệ thuật khi cổ súy quá mức nồng nhiệt cho các “chủ nghĩa” nhập cảnh đang mọc lên nhan nhản như nấm gặp mưa. Thật ra là “cũ người mới ta”, không phải chủ thể không đủ trình độ nhận thức, nhưng vì một mục đích không vô tư (kiểu “nâng đỡ không trong sáng”). Nhân danh hiện đại hóa, không ít người cổ vũ cho “cái khác”, “cái lạ”, trong khi những “cái” đó khó lòng có thể tiến tới trở thành cái mới (dẫu cho đôi khi trong bản thân cái mới bao hàm một phân lượng nhỏ cái lạ) trong toàn bộ ý nghĩa chân chính của khái niệm then chốt này trong sáng tạo nghệ thuật với thiên chức bảo vệ các giá trị chân-thiện-mỹ. Tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật không phải không có những nguyên tắc và giới hạn của nó, không thể có cái gọi là “vô bờ bến”.

Lộng giả thành chân là một chiêu thức, kỹ xảo không mới nhưng được sử dụng triệt để trong tay những người thiếu thiện chí nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật. Bài học “điều sai sự thật nói mãi có thể thành sự thật” được họ vận dụng khá tinh vi, triệt để, quyết liệt. Trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 963 (tháng 4-2021) giới thiệu chùm truyện rất ngắn (vi hình tiểu thuyết) của nhà văn Trung Quốc hiện đại Phùng Ký Tài. Chắc chắn độc giả sẽ đặc biệt chú ý và thích thú đọc truyện Mắt Xanh. Truyện kể về một người thẩm định tranh giả có tay nghề thiện nghệ, tên gọi Mắt Xanh. Một bận ông ta mua được một bức tranh cổ quý với giá không hề rẻ (mười tám lạng vàng). Ông ta âm ỉ tự sướng. Nhưng ông ta không hề biết mình bị gài bẫy bởi người bán bức tranh đó cho chân tay liên tục tung tin, đó là tranh giả, tranh thật vẫn ở trong tay của chủ nhân bí ẩn. Mắt Xanh lúc đầu tự tin như bàn thạch, nhưng rốt cuộc lung lay, phải bỏ công phu truy tìm bức tranh thật để mua với giá cắt cổ (gấp 4 lần giá mua bức tranh đầu), sung sướng vì tìm ra bảo vật. Nhưng kết cục là, bức tranh mua lần sau chính là tranh giả. Rõ là "Chết cũng hiểu rõ vì sao”. Một kết thúc không có hậu. Một bài học nghệ thuật sâu sắc thông qua một hình thức nghệ thuật giản dị.

Dân gian đúc kết “Nói phải củ cải cũng nghe”. Trong sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay, cảm thức về sự thật là một vấn đề đặt ra khá bức thiết. Nhưng nhận chân sự thật không thể ngay tức thì, đơn giản, phiến diện bởi lịch sử hiện đại đã chỉ ra rằng, có những sự thật cần đến gần nửa thế kỷ mới được giải mã, điều đó cần đến sự trung thực của người viết văn. Một vĩ nhân đã nói: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Đại văn hào Nga thế kỷ XIX Lep Tôn-xtôi đã viết: “Nhân vật mà tôi yêu quý nhất khi đặt bút viết luôn luôn là sự thật”.

Hiện nay cả nước đang đoàn kết chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, toàn dân đang đem hết sức mình chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bộn bề bao nhiêu công việc vì một ngày trọng đại của đất nước, trong khi đó một số người thiếu thiện chí đã bằng nhiều chiêu thức (xuyên tạc vai trò của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phủ nhận vai lãnh đạo của Đảng trong bầu cử, tẩy chay bầu cử,...) đã cố tình phá ngang. Nhưng tất cả những hành vi ấy đã nhanh chóng trở nên khôi hài, lạc lõng. Không một lực lượng phi nghĩa nào có thể ngăn được bánh xe của lịch sử và con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với vấn nạn giả (hàng giả, danh giả, tin giả, bằng cấp giả, sách giả, học giả, đạo đức giả,...), nên lẽ thường khao khát sự thật luôn luôn là chính đáng, song khó khăn trường kỳ khi chiếm lĩnh, làm chủ nó. Con người chân chính nói chung, nhà văn nói riêng cần hướng đến sự thật đích thực như cách loài hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội