A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Tạo lập "thế trận", giữ vững "tường thành" nơi biên giới

Kỳ 2: Lợi dụng đồng bào - Âm mưu đen tối

Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, đồng bào dân tộc thiếu số trở thành đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền.

Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, một số trang mạng, báo chí phản động đã đăng tải nhiều bài viết, cố tình cắt ghép thông tin, xuyên tạc bản chất của chủ trương này. Các đối tượng xấu lợi dụng quá trình sáp nhập để tuyên truyền rằng “sáp nhập, tinh giảm biên chế, tinh gọn tổ chức cũng chỉ vì lợi ích nhóm”; là “chính sách sai lầm”…, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng bịa đặt, sáp nhập sẽ làm giảm quyền tự chủ của địa phương, khiến chính quyền xa dân hơn. Việc cắt giảm biên chế chúng xuyên tạc thành việc “loại bỏ cán bộ địa phương”, gây hoang mang, mất đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân. Bà Hồ Thị Châu, người đồng bào Pa cô, thôn A Sáp, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, thành phố Huế cho biết: “Theo dõi các trang mạng xã hội chúng tôi thấy có bài viết rằng: “Sau khi sáp nhập, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không còn được ưu tiên trong chính sách an sinh”, hoặc “Nhà nước sáp nhập để hợp thức hóa việc lấy đất của người dân giao cho doanh nghiệp lớn. Chúng tôi rất lo lắng... Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang tổ chức các buổi tuyên truyền, giải thích rõ ràng về chủ trương này, bà con trong thôn đã hiểu rằng đây là chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện đời sống nhân dân, chứ không ảnh hưởng tiêu cực như các luận điệu xuyên tạc”.

Trên các trang mạng có nhiều bài viết xuyên tạc, chống phá chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước ta.

 

  Một số phần tử phản động còn xuyên tạc rằng sáp nhập sẽ khiến một số dân tộc bị thiệt thòi, bị “đồng hóa” hoặc bị đối xử không công bằng. Chúng cố tình bóp méo bản chất của chủ trương này, lợi dụng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ giữa các nhóm dân tộc để tạo tâm lý xa lánh, kỳ thị lẫn nhau, phá hoại sự đoàn kết trong cộng đồng. Chúng kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kêu gọi thành lập vùng tự trị dân tộc dưới vỏ bọc “bảo vệ bản sắc văn hóa” hoặc “đòi quyền lợi cho đồng bào thiểu số”. Những luận điệu này không chỉ đi ngược lại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Một số đối tượng tuyên truyền rằng: “Sau khi sáp nhập, người dân tộc thiểu số sẽ không được giữ những phong tục, tập quán văn hóa riêng của mình”.

Như chúng ta đã biết, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc, xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng. Quan điểm của Đảng ta luôn chỉ rõ bình đẳng giữa các dân tộc là nội dung cốt lõi của chính sách dân tộc. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều có địa vị pháp lý ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội; các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng, giữ gìn, bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau phát triển... Minh chứng rõ nét là các chương trình bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số vẫn đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, thể hiện sự tôn trọng và khẳng định quyền giữ gìn bản sắc riêng của từng dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Ngày 4/2/2025 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn II (2026-2030) sẽ tập trung vào những vấn đề thiết yếu, như hạ tầng, sinh kế, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình tập trung vào 5 vấn đề thiết yếu, gồm: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc thiếu số; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, dân tộc thiếu số ít người; tuyên truyền, truyền thông và kiểm tra giám sát việc thực hiện...”. Rõ ràng sáp nhập đơn vị hành chính cũng vì mục tiêu chung của đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, chứ không phải như những thông tin mà các thế lực thù địch bịa đặt, xuyên tạc, đăng tải.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn II (2026-2030) sẽ tập trung vào những vấn đề thiết yếu, như hạ tầng, sinh kế, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Cùng với đó, một số phần tử kích động người dân phản đối việc quy hoạch lại đất đai bằng cách tung tin thất thiệt như: “Người dân ở vùng sáp nhập bị bỏ rơi, không ai lo cho cuộc sống của họ”; “Nhà thờ, chùa, điểm sinh hoạt cộng đồng sẽ bị phá bỏ sau sáp nhập”. Các tổ chức tôn giáo cực đoan tuyên truyền rằng sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Một số phần tử xấu tổ chức các buổi rao giảng, hội nhóm kín để kêu gọi người dân chống đối, không hợp tác với chính quyền. Lợi dụng các điểm nóng về tôn giáo để kích động bạo loạn, tụ tập đông người phản đối chính sách của Nhà nước. Một số đối tượng tung tin như: “Sau khi sáp nhập, các cơ sở thờ tự sẽ bị đóng cửa”, “Nhà nước cấm tổ chức lễ hội tôn giáo”, từ đó kích động tín đồ gây mất niềm tin, phản đối chính quyền.

Rõ ràng đây là thông tin bịa đặt, chúng lợi dụng sự thiếu thông tin và hiểu biết của một bộ phận dân cư để gieo rắc sự hoài nghi, dẫn đến sự chia rẽ, làm suy yếu niềm tin của người dân vào chính quyền, gây mất ổn định trong xã hội. Như chúng ta đã biết, những quan điểm cơ bản về tôn giáo nêu trong các văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng đều khẳng định, các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

Các thế lực thù địch luôn lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam chúng ta với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gây hoang mang dư luận.

 

Không những vậy, các thế lực thù địch còn tung tin rằng sau khi sáp nhập, nhiều chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ hộ nghèo, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ bị cắt giảm; “sau khi sáp nhập chính quyền mới không quan tâm đến người nghèo,…”; “Cán bộ cấp cao chỉ ưu tiên người Kinh, không còn chỗ đứng cho người dân tộc”; kích động người dân không tin vào chính quyền mới, không tham gia các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương.

Đây là hành vi rất thâm độc, các thế lực thù địch vừa bịa đặt, xuyên tạc gieo rắc những thông tin sai trái, vừa kích động người đồng bào. Từ trước đến nay, các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến sự công bằng, bảo vệ quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận những cơ hội phát triển bình đẳng. Một chủ trương lớn sau khi có chủ trương tinh gọn bộ máy đã được thông qua đó là “từ năm học 2025-2026 học sinh mầm non đến Trung học phổ thông không phải đóng học phí”. Đặc biệt, chiều ngày 10/3/2025 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo đã nêu rõ, đến nay, cả nước đã hỗ trợ 121.638 trên tổng số 223.164 căn nhà (đạt tỷ lệ hơn 54%); trong đó hơn 65 nghìn căn đã khánh thành; hơn 56 nghìn căn đã được khởi công mới; từ nay cuối năm phải hoàn thành hơn 101 nghìn căn trong thời gian rất gấp, bình quân cả nước phải xóa 459 căn mỗi ngày, mỗi địa phương phải xóa 8 căn một ngày để hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo... Điều này chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo, chăm lo cải thiện điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Và phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” đã, đang và tiếp tục triển khai thực hiện. Các chính sách này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giúp họ ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển.  

Có thể khẳng định rằng, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc; lợi dụng lòng tin của đồng bào vùng cao để tuyên truyền kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, giảm uy tín của Đảng với quy mô, tần suất ngày càng lớn, tinh vi, xảo quyệt. Cùng với đó, một nhân tố xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo lắng của chính người dân vùng cao, nếu không có biện pháp tuyên truyền, định hướng kịp thời, các thế lực thù địch có thể bị lợi dụng để kích động gây mất ổn định chính trị… Chính vì vậy, việc tuyên truyền, nhận diện, cảnh giác, xây dựng thế trận, "bức tường thành" vững chắc ở vùng biên giới, chủ động tiến công, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch là nội dung cấp thiết, quan trọng hiện nay.

ĐỨC CHINH - HOÀNG TRUNG

    Kỳ 3: Xây chắc "thế trận" đấu tranh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội