Kỳ 3. Xây chắc “thế trận” đấu tranh
Lợi dụng những hạn chế trong tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiếu số để chống phá của các thế lực thù địch đang ngày càng tinh vi, thâm độc, trực diện và quyết liệt hơn. Để vô hiệu hóa âm mưu này cần tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Trước hết, phải tiếp tục xây dựng “thế trận” chủ động tiến công, tiêu diệt các mầm mống khi còn đang trứng nước với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc đến mọi người dân. Phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh địa phương bằng tiếng dân tộc; thiết kế các tờ rơi, áp phích, tranh minh họa dễ hiểu, trực quan sinh động lôi cuốn đồng bào theo dõi, nắm thông tin chính thống... Điều này không chỉ giúp người dân hiểu rõ về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn giúp tăng cường lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, qua đó giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội.
Thông qua các buổi họp thôn, bản, cấp ủy, chính quyền đối thoại trực tiếp để giải đáp thắc mắc, giúp bà con hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải thích cho đồng bào nhận diện các chiêu trò của thế lực thù địch như kích động biểu tình, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ. Chia sẻ những câu chuyện thực tế về hậu quả của việc nghe theo các luận điệu xấu, tránh để bà con bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Các câu chuyện này cần được truyền tải một cách sinh động, cụ thể để bà con có thể nhận thức rõ ràng và cảnh giác hơn với các âm mưu của thế lực thù địch.
Nhân tố quan trọng nhất để tạo lập “thế trận” là phải xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, gần gũi với đồng bào. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành mà còn tạo niềm tin vững chắc trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, cần bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương để thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có đủ năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh. Phân công cán bộ bám sát cơ sở, trực tiếp xuống thôn, bản để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tránh để các thế lực xấu lợi dụng sự thiếu thông tin để kích động.
Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo "lá chắn" trước các âm mưu chống phá. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các dân tộc khác; thông qua các hoạt động cộng đồng để mỗi người dân cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong khối đại đoàn kết. Khuyến khích các chương trình kết nghĩa giữa các thôn, bản để tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các dân tộc và tạo cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế; đồng thời góp phần xóa bỏ sự khác biệt, tăng cường sự đoàn kết.
Phát huy vai trò của đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định an ninh chính trị và phát triển cộng đồng. Những người này không chỉ am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán, nguyện vọng của đồng bào mà còn có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, từ đó dễ dàng tiếp cận và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả. Theo đó, cấp ủy, chính quyền định kỳ tổ chức các buổi tập huấn, gặp mặt, tọa đàm với già làng, trưởng bản, người có uy tín. Thông qua đó, chính quyền có thể nhận được phản hồi từ đồng bào để điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp, không để các thế lực xấu lợi dụng sự thiếu thông tin để kích động. Đồng thời, tôn vinh và khen thưởng kịp thời những cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ an ninh, giữ gìn sự đoàn kết và ổn định trong cộng đồng, để tạo động lực của họ tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào.
Kết hợp chặt chẽ giữa địa phương, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng và có lập trường vững vàng trước những thông tin sai lệch. Đồng thời, phát huy vai trò của thanh thiếu niên trong việc giữ gìn đoàn kết, phát triển quê hương; hướng dẫn, khuyến khích thanh niên tham gia vào các hoạt động xây dựng địa phương, tránh xa những lời lôi kéo của các thế lực xấu. Hỗ trợ các chương trình vay vốn, khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số để họ có cơ hội phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.
Một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn các âm mưu lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế để cải thiện điều kiện sống của đồng bào. Hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào phát triển sản xuất; khuyến khích các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho đồng bào tiêu thụ sản phẩm và phát triển kinh tế. Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, khuyến khích đồng bào bảo tồn và phát triển nghề truyền thống để vừa tạo sinh kế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số phải được triển khai đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực, tham nhũng làm mất lòng tin của người dân. Kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, khiếu nại của đồng bào để hạn chế tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng kích động, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, ổn định chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn biên giới; nhất là lực lượng công an xã, dân quân tự vệ trong bảo vệ an ninh trật tự. Tổ chức tuần tra, kiểm soát nắm chắc tình hình địa bàn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bị lôi kéo, kích động. Thành lập các tổ tự quản tại thôn, bản gồm những người có uy tín trong cộng đồng, chịu trách nhiệm giám sát và báo cáo kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, để bảo vệ an ninh cộng đồng. Định kỳ tổ chức các cuộc họp tổ tự quản để chia sẻ thông tin, nâng cao ý thức phòng ngừa trước các âm mưu kích động, chia rẽ; hướng dẫn đồng bào cách nhận diện các đối tượng xấu; khuyến khích bà con tố giác những hành vi nghi vấn.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong phát triển kinh tế, sử dụng mạng xã hội; tạo ra một thế trận đấu tranh rộng khắp trên không gian mạng, xây dựng các nhóm cộng đồng trực tuyến để hỗ trợ chia sẻ thông tin chính thống, phòng chống tin giả, nâng cao nhận thức về việc sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả; lan tỏa bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình an ninh chính trị, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để tuyên truyền các luận điệu sai trái. Nhất là ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng tôn giáo, dân tộc để gây mất ổn định. Các đối tượng xấu có thể lợi dụng những sự kiện tôn giáo, lễ hội hoặc các dịp quan trọng trong cộng đồng dân tộc thiểu số để tuyên truyền các thông tin sai lệch, do đó cần có sự kiểm soát thông tin và tình hình tại các khu vực nhạy cảm. Phối hợp với các chức sắc, chức việc tôn giáo để tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường điều tra, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là cơ sở tiền đề để phát triển đất nước, phù hợp với thực tiễn thời đại, thế giới, đất nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi cấp mọi ngành vào cuộc một cách quyết liệt, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; cùng với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình vùng biên giới sẽ tạo lập một “thế trận” vững chắc, tạo thành “lá chắn thép”; đồng thời chủ động tiến công trước các luận điệu chống phá chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân nơi biên giới là sự chuẩn bị, tiến hành đấu tranh từ sớm, từ xa, ngăn chặn vô hiệu hóa các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững “tường thành” - niềm tin của đồng bào vào Đảng, chính quyền, bảo vệ vùng biên của Tổ quốc luôn vững chắc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
ĐỨC CHINH – HOÀNG TRUNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận