A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ

Bài 2: Hình thành, bổ sung, tăng cường “Thế trận”

Tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy Quân khu 4 về thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Để hiện thực hóa chủ trương này, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 đã phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 6 tỉnh trên địa bàn xác định lộ trình: Hình thành, bổ sung, tăng cường “Thế trận”.

* Bài 1: "Chống độc" cho quân nhân tại ngũ

Hình thành “Thế trận”

Thực tiễn trên địa bàn Quân khu 4, trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW, vai trò của quân nhân xuất ngũ được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, chưa có sự chú trọng tập trung vào phát huy vai trò của quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương. Nên, tuy đây là lực lượng đông đảo, được bổ sung hằng năm, nhưng số lượng tham gia các hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều; cá biệt có một số quân nhân sau khi xuất ngũ, bị các thế lực phản động, thù địch kích động, mua chuộc, lôi kéo, tiếp tay chống phá…

Ký kết biên bản phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng năm 2023 giữa Quân khu 4 và 6 tỉnh trên địa bàn.

 

Từ năm 2019 (sau khi có Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị), hằng năm, ngoài việc tổ chức Hội nghị Đảng ủy Quân khu (với sự tham gia của Bí thư Tỉnh ủy 6 tỉnh trên địa bàn) ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 tổ chức các buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo 6 tỉnh, phối hợp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Đây là cách làm mới, nhằm tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, trong đó, chú trọng phối hợp lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các đợt sơ, tổng kết hoạt động của “Lực lượng 47” và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân khu và các đơn vị, đều mời đại diện cấp ủy, chính quyền, Tuyên giáo địa phương, Công an, Biên phòng, Bộ Tư lệnh 86 tham dự. Nhờ đó, đã kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh.

Đại biểu Lữ đoàn 1, Bộ Tư lệnh 86 phát biểu ý kiển tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 08/1/2016 của Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội (2016-2021) của Quân khu 4​​​​. 

 

Theo các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Từ những Hội nghị này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng, trong đó chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của quân nhân xuất ngũ, hình thành và tạo lập “Thế trận” rộng khắp trên “mặt trận” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân khu xây dựng, bồi dưỡng cho mỗi quân nhân tại ngũ là con em của địa phương, đáp ứng tiêu chí “Nhận diện đúng, trúng, thông tin kịp thời, đấu tranh hiệu quả”. Cấp ủy, chính quyền 6 tỉnh xây dựng nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh; thành lập lực lượng chuyên gia ở các cấp; đồng thời hình thành quy tụ, duy trì thường xuyên hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ đảng viên và Nhân dân, coi trọng phát huy vai trò của lực lượng quân nhân xuất ngũ.

Thực hiện chủ trương tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ, ngay từ năm 2019, Quân khu 4 đã tổ chức duy trì thường xuyên, hiệu quả việc “chống độc” cho quân nhân tại ngũ (như bài viết kỳ 1 đã đề cập). Qua đó, đã bồi dưỡng cho hơn 5.000 quân nhân nhập ngũ năm 2019 về cách thức, phương pháp đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cơ sở để các địa phương hình thành “Thế trận” vào cuối năm 2020 - ngay sau khi số quân nhân này xuất ngũ.

Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa bồi dưỡng kiến thức "chống độc" và kỹ năng đấu tranh trên không gian mạng cho đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ.

 

Đồng chí Hoàng Khánh Hùng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Trên cơ sở quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên và Quân khu, để hoạt động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng có hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 35, “Lực lượng 47” từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo “Lực lượng 47” kết nối với lực lượng của các cơ quan, đơn vị bạn cùng tham gia; Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố giữ tốt mối liên hệ với các quân nhân xuất ngũ, mời tham gia vào các tổ, nhóm đấu tranh, tạo nên lực lượng hùng hậu để hoạt động. Nhờ đó, Thừa Thiên Huế đã thành lập được nhiều trang nhóm khác nhau, hoạt động rất tích cực với sự tham gia của hàng chục ngàn người, trong đó, quân nhân xuất ngũ chiếm số lượng không nhỏ, như: Trang LS&TĐ, Đường C.T.Đ; Nhóm Sông H.N.N, Truy Q.P.Đ thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, tuyên truyền; đặc biệt, bóc gỡ thành công nhiều trang, nhóm phản động, như: “Sự thật Đảng Cộng sản” (83.400 thành viên), “Thanh niên Công giáo” (298.986 thành viên).

Đồng chí Hoàng Khánh Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị Quân khu 4 sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 08/1/2016 của Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội (2016-2021). 

 

Không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tạo tập “Thế trận” đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được các địa phương trên địa bàn, cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4 thực hiện có hiệu quả. Ngoài động viên cán bộ, nhân viên tích cực tham gia, huy động đông đảo lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn; các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và thiết lập ngay mạng lưới đối với các đối tượng là hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ. Như ở Sư đoàn 324, trước khi xuất ngũ, đơn vị đã tổ chức cho quân nhân cập nhật thông tin tài khoản facebook, zalo; thành lập các tổ, nhóm kết nối với trang fanpage, facebook, zalo của Nhóm chuyên gia và “Lực lượng 47”. Nhờ được bồi dưỡng “chống độc” tốt trong thời gian tại ngũ, số chiến sĩ này đã trở thành những “chiến sĩ” tiên phong, lan tỏa các bài viết tuyên truyền, đấu tranh trên trang “NB” và nhóm kín “Ngôi N.C” của Sư đoàn lên các trang mạng xã hội.

Ban CHQS xã Phú Phong (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) huy động đông đảo dân quân và quân nhân xuất ngũ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. (ảnh CTV).

 

Mỗi năm, Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) đào tạo nghề cho hơn 1.000 bộ đội và công an xuất ngũ. Nhà trường đã thiết lập hệ thống cổng thông tin điện tử, trang fanpage kết nối chặt chẽ từ Trường đến các khoa; huy động học viên, nòng cốt là bộ đội, công an xuất ngũ tham gia đấu tranh bằng hình thức đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết, hình ảnh trên trang Nhà trường. Trung tá Hồ X.T, phụ trách công tác tuyên truyền, đấu tranh của Nhà trường cho hay: “Quá trình đào tạo nghề kết hợp thông qua hoạt động của tổ chức quần chúng, sinh hoạt, quán triệt của các Khoa, Nhà trường đã huy động đông đảo lực lượng là các học viên là quân nhân xuất ngũ tham gia đấu tranh, tuyên truyền, tạo hiệu quả trong lan tỏa thông tin, hình ảnh đẹp; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch”.

Cán bộ Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) tư vấn học nghề cho bộ đội xuất ngũ. (ảnh CTV).

 

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, nhờ được giáo dục, rèn luyện và trang bị kiến thức “chống độc” trong môi trường quân ngũ, nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương, đã trở thành tấm gương sáng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân. Điển hình trong số đó là anh Giàng A Chống, ở bản Ón (xã Tam Chung, huyện Mường Lát). Trước đây, xã Tam Chung là “điểm nóng” về truyền đạo trái phép; các thế lực phản động, thù địch thường xuyên móc nối tuyên truyền, mua chuộc, lôi kéo đồng bào H'Mông tham gia tà đạo, di dịch cư tự do. Trước tình hình đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 và Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyển chọn một số thanh niên dân tộc H'Mông nhập ngũ, bồi dưỡng kết nạp Đảng, trong đó có anh Giàng A Chống. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đảng viên Giàng A Chống trở về với bản làng, anh đã phát huy tốt những kiến thức được trang bị trong quân ngũ, tích cực vận động bà con dân bản làm ăn phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; giúp đỡ, kèm cặp nhiều quần chúng ưu tú trong bản đứng vào hàng ngũ của Đảng, cùng với họ trở thành hạt nhân trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, giúp bà con nhận rõ âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch, không tham gia tà đạo, di dịch cư tự do.

Đảng viên Giàng A Chống tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong bản kỹ thuật chăm sóc cây ngô lai phát triển kinh tế gia đình. (ảnh CTV).

 

Bổ sung, tăng cường “Thế trận”

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân khu 4 và Tỉnh ủy 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: “Mỗi quân nhân xuất ngũ là một chiến sĩ; mỗi tổ, nhóm là một pháo đài trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, từ năm 2020, sau khi hình thành “Thế trận” đấu tranh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực bổ sung, tăng cường “Thế trận”.

Tổ tuyên truyền, đấu tranh Ban CHQS huyện Tương Dương (Nghệ An) họp triển khai nhiệm vụ. (ảnh Hồ Việt).

 

Tương Dương là huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Thái, H'Mông, Khơ Mú...; là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Đại, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tương Dương thì thời gian qua, Ban CHQS huyện chỉ đạo Ban CHQS các xã, thị trấn phát huy rất hiệu quả vai trò của dân quân tự vệ, dự bị động viên và quân nhân xuất ngũ trong đấu tranh, tuyên truyền. Cách thức hoạt động là thành lập “Nhóm thông tin”, “Tổ tuyên truyền, đấu tranh” tại Ban CHQS các xã, thị trấn; đầu tư hệ thống máy tính, điện thoại thông minh cho các tổ, nhóm hoạt động. Tìm hiểu thực tế cho thấy, cách làm ở các địa phương đều hướng tới mở rộng lực lượng quân nhân xuất ngũ; lấy Đảng viên là quân nhân xuất ngũ làm nòng cốt để hình thành các tổ, nhóm đấu tranh, tuyên truyền. Lớp quân nhân xuất ngũ sau bồi dưỡng lớp xuất ngũ trước; liên kết, tập hợp quân nhân xuất ngũ đi làm ăn xa, cung cấp thông tin, duy trì hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó, hình thành nhiều tổ quân nhân xuất ngũ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở các vùng đặc thù, vùng dân tộc, tôn giáo, vùng trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch…. Trong “Thế trận” đó, Ban Chính trị của Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố giữ vai trò là cơ quan trung tâm, tiếp nhận, xử lý thông tin, định hướng, tổ chức đấu tranh.  

Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam, ban ngành đoàn thể xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gặp mặt, tặng quà thanh niên lên đường nhập ngũ và đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. (ảnh Mai Hiền).

 

Cùng với đó, việc tập hợp quân nhân xuất ngũ vào lực lượng bằng cách quyết liệt tạo việc làm tại chỗ đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Khi quân nhân xuất ngũ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện về việc làm; có chính sách hỗ trợ quân nhân vay vốn phát triển kinh tế; ưu tiên tuyển dụng quân nhân xuất ngũ vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty. Chính sách này tỏ ra hiệu quả trong việc tập hợp, quy tụ quân nhân xuất ngũ trong “Thế trận” phát triển kinh tế kết hợp tuyên truyền, đấu tranh. Như Ban CHQS huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), hằng năm, có hàng chục quân nhân xuất ngũ được bố trí việc làm tại địa phương, bổ sung vào “Thế trận” đấu tranh. Ban CHQS phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) tập hợp quân nhân xuất ngũ vào làm việc tại Tổ hợp sản xuất gạch táp lô, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia sinh hoạt, tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân và đấu tranh với các thế lực thù địch.

Tổ hợp sản xuất gạch táp lô của các đảng viên và quân nhân xuất ngũ Ban CHQS phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An. 

 

Năm 2023, sau 2 năm rèn luyện, phấn đấu tại Trung đoàn 841 (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh), anh Lương N.S ở phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xuất ngũ trở về quê nhà. Được cấp ủy, chính quyền địa phương đón tiếp chu đáo; anh còn được nhận vào làm việc tại công ty ở Khu kinh tế Vũng Áng. Anh vui mừng cho biết: “Quân đội là một trường học lớn, đã trang bị cho tôi kiến thức, bản lĩnh, ý chí vững vàng. Nay trở về, được quan tâm và công ty cũ tiếp tục bố trí việc làm nên tôi rất phấn khởi, tự hào. Tôi sẵn sàng mang kiến thức, kỹ năng “chống độc” được trang bị, tham gia đấu tranh, góp phần vào công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước”.

Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng "chống độc" cho cán bộ, chiến sĩ  luôn được Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tích cực thực hiện.

 

Hằng năm, trên địa bàn Quân khu 4 có hơn 10.000 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Theo đánh giá của chính quyền và cơ quan quân sự các cấp, hầu hết quân nhân sau khi tốt nghiệp “trường học lớn” từ môi trường Quân đội trở về đều có lập trường, tư tưởng vững vàng và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những người đã được trang bị trình độ về lý luận, kiến thức quân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức kỷ luật nghiêm, có thể tham gia nhiều công việc ở cơ sở, rất cần thiết cho công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương trong tình hình mới.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài 3: Đa dạng hình thức, tích cực đấu tranh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội