A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vạch trần luận điệu xuyên tạc và cái gọi là "cuộc khảo sát" nhân ngày 30-4

Trong lịch sử dân tộc, ngày 30-4-1975 là một cột mốc vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng đến nay, sau 45 năm vẫn có không ít tổ chức phản động, phần tử cực đoan, bất mãn chính trị vẫn cố tình xuyên tạc ngày toàn thắng 30-4, kích động lòng hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết… Luận điệu cũ mòn ấy vẫn cần phải được vạch trần, đấu tranh.

Luận điệu cũ mòn và “cuộc khảo sát” có tính... phiếm chỉ

Không phải đến năm nay mà mỗi dịp Đảng, Nhà nước và quân dân ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên một số diễn đàn, đài báo, mạng internet lại rộ lên những thông tin ngược dòng lịch sử, phủ nhận chiến thắng vĩ đại của ngày 30-4, xuyên tạc thành tựu của đất nước trong công cuộc xây dựng, đổi mới. Chúng lặp lại những câu từ sáo rỗng như “30-4 là ngày quốc hận”, đánh tráo bản chất của cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”. Chúng còn xuyên tạc khi gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến tranh mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ”...

Tháng 3-2020 vừa qua, trên trang tiếng Việt của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng bài của Phạm Phú Khải nhan đề: “Người trẻ nghĩ gì về 30-4”. Với chiêu trò “thực hiện cuộc khảo sát”, tác giả này đặt ra các câu hỏi để “phỏng vấn”, dạng như: “30-4 có ý nghĩa gì với bạn không?”, hay: “Những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua?” hoặc: “Giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay? Theo bạn thì có nhiều người trẻ Việt Nam muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?” …

Theo như tác giả bài viết này, “cho đến nay đã có 75 người trẻ tham dự, đa số là các nhà hoạt động hoặc có sự quan tâm đến tình hình đất nước”. Đáng chú ý là, danh tính “75 người trẻ” đó chỉ mang tính… phiếm chỉ, như: “Bạn Trần Đông, Biển Ngọc” hoặc “Trương Thị Hà, Nhất Tâm”… Vì vậy, nội dung “trả lời phỏng vấn” cũng có tính chất “quăng chài”, tùy tiện mà không ai có thể kiểm chứng nguồn thông tin đó là của bạn trẻ hay của chính… tác giả Phạm Phú Khải. Với cái nhìn sai lệch, bài viết xuyên tạc bản chất cuộc chiến, coi đó là “ngày cho kẻ chiến thắng điên cuồng”, “chẳng khác gì ngày quốc hận” và “là ngày đen tối cho thế hệ trẻ nhưng cũng là ngày để suy nghĩ về tuổi trẻ, trách nhiệm và danh dự”. Mượn danh bạn trẻ, bài viết đưa ra “khuyến nghị”: “Như vậy, 30-4 là ngày chúng ta nên tưởng niệm về thời kỳ đất nước chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang”…

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.  Ảnh tư liệu/toquoc.vn.

Ánh sáng thông tin chính nghĩa của sự thật và lịch sử

Có thể thấy, nội dung của luận điệu trong bài viết này cũng không khác nhiều so với những giọng điệu cũ mòn trước đây. Có chăng, họ mượn danh nghĩa “cuộc khảo sát” nhằm vào các bạn trẻ cho có vẻ khách quan để chuyển tải những thông tin xuyên tạc, phủ nhận chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta, đồng thời kích động tư tưởng chống đối chế độ và công cuộc xây dựng đất nước. Thủ đoạn ấy không thể đánh lừa được dư luận, bóng tối thông tin đó nhất định bị vạch trần và lên án.

Khi nhìn về các sự kiện lịch sử nói chung, về chiến thắng 30-4-1975 nói riêng, cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, không được thiên kiến hoặc lồng động cơ chính trị để tô hồng hay bôi đen sự thật lịch sử. Những luận điệu xuyên tạc như đã nói ở phần trên, dù có núp dưới danh nghĩa hoặc chiêu trò nào cũng không thể phủ nhận được bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” hai miền hay “chiến tranh mang tính ý thức hệ” như luận điệu xuyên tạc lịch sử.

Để có được ngày toàn thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn với hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống; hàng vạn làng mạc, thành phố bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến đến nay vẫn còn phải tiếp tục khắc phục. Nhưng qua cuộc chiến, Việt Nam một lần nữa lại chứng tỏ trước lịch sử và thế giới về một đất nước kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (Hồ Chí Minh). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng còn xuất phát và thể hiện ở khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, như Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Ngay như nhiều chính khách, tướng lĩnh của đối phương cũng thừa nhận sai lầm trong cuộc chiến của họ tại Việt Nam. Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người được xem là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995 đã thẳng thắn thừa nhận 11 sai lầm mà Hoa Kỳ đã phạm phải trong cuộc chiến tranh này. Đáng chú ý, ông thừa nhận có những sai lầm sau: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”. Và: “... Chúng ta không chịu nhận thức về cái gì là lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”, “Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn một dân tộc khác theo hình ảnh của chúng ta…”. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”.

Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần dân tộc quật cường, một mốc son chói lọi trong trang sử oanh liệt chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước và là niềm tự hào to lớn của những người Việt Nam yêu nước, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Thắng lợi ấy, không chỉ chúng ta mà ngay cả nhiều người từ phía bên kia cũng đã thừa nhận. Cho nên những tiếng nói cho rằng 30-4 là ngày “quốc hận”, “đen tối”, ngày “chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang” trở nên lạc lõng, với thái độ hằn học và ý đồ cố tình xuyên tạc lịch sử, thực tiễn.

Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Riêng năm 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (6,6 -6,8%), là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2011 GDP tăng hơn 7%...

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Lịch sử đã sang một trang mới kể từ ngày 30-4-1975. Nhà báo người Đức Borries Gallasch là phóng viên nước ngoài có mặt ở Dinh Độc Lập trong buổi trưa lịch sử đó đã thuật lại sự kiện này trong cuốn Ho-Chi-Minh Stadt: Die Stunde Null (Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số không). Khi Gallasch tiến vào đến giữa sảnh của dinh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người đi từ dưới hầm lên. Dương Văn Minh nói với Gallasch: “Thật tốt cho anh khi có mặt ở đây. Anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn”...

Hai mươi năm sau, khi quay trở lại Việt Nam, ông Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đã phát biểu trước báo chí: “Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề nhận thấy sự hận thù nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không thể tranh cãi”…

Một sự kiện lịch sử, một đất nước với tiền đồ xán lạn được chính đối phương thừa nhận. Và, sự thật ấy đang hiển hiện từng ngày về những đổi thay, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới những tháng qua thì sự ưu việt của chế độ, tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam tiếp tục được chứng minh và lan tỏa.

Những kẻ nhân danh “dân chủ”, tiếng nói của “giới trẻ”, núp dưới các chiêu trò “khảo sát”, “phỏng vấn” và tự cho cái quyền đưa ra “khuyến nghị”, thực chất là xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Đó là luận điệu thể hiện sự vong ân, xúc phạm xương máu của cha ông, chắc chắn bị lên án và thất bại trước ánh sáng thông tin chính nghĩa của sự thật và lịch sử.

Theo Sự kiện và Nhân chứng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội