A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
“Lá thư của mẹ tiếp thêm động lực cho anh em tôi”

“Lá thư của mẹ tiếp thêm động lực cho anh em tôi”

   Đó là tâm sự của Đại tá Nguyễn Đức Thuận, nguyên Trưởng ban Sử, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 khi nhắc đến thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhớ lại những ngày tháng đó, bác Thuận như sống lại từng giờ, từng phút ở chiến trường dù đã gần 40 năm trôi qua. Nhấp ngụm nước trà, bác chậm rãi kể với tôi.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Vũ khí đạn, bác được điều động về làm Trợ lý Quân khí của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 529, Sư đoàn 311, Quân đoàn 26 đóng quân tại Cột mốc 119 thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Trong một lần vận chuyển vũ khí, đạn dược lên cho các đơn vị chiến đấu ở tuyến trước, giữa những làn lưới đạn, chiếc xe bị phi pháo của địch bắn trúng, lật nhào khiến lái xe hy sinh, bác cùng 3 đồng đội khác bị thương.

Những ngày tháng điều trị ở bệnh xá là khoảng thời gian bác Thuận cảm thấy chán nản, u buồn nhất bởi vết thương hành hạ cũng như nỗi đau mất đồng đội và không biết bản thân mình còn có thể tiếp tục chiến đấu, công tác được nữa không trong thời gian tới. Đúng thời điểm đó thì anh trai của bác Thuận từ chiến trường Tây Nam được điều chuyển ra cùng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hai anh em sau bao năm xa cách gặp lại nhau trong mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào xúc động. Song xúc động hơn cả là lá thư của người mẹ già gửi từ quê nhà cùng món quà là chiếc khăn len do bà đan gửi ra. Kể đến đây, giọng Đại tá Nguyễn Đức Thuận như nghẹn lại.

Đại tá Nguyễn Đức Thuận theo dõi báo chí viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

 

Bác bùi ngùi kể: “Mẹ bác không biết chữ phải nhờ người hàng xóm viết hộ. Bà đã trải qua 2 cuộc chiến tranh mới được sống trong hòa bình một thời gian thì 2 đứa con trai lại tiếp tục chiến đấu để bảo vệ 2 tuyến biên giới của Tổ quốc. Dù vậy, trong thư mẹ vẫn động viên 2 anh em bác dù khó khăn, gian khổ đến nhường nào thi 2 con vẫn luôn phải nỗ lực, cố gắng cùng đồng đội chiến đấu để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc. Lá thư của mẹ chính là động lực to lớn để 2 anh em bác tiếp tục vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ…”.

Dù gần 40 năm trôi qua, lá thư người mẹ già gửi năm xưa nay đã thất lạc, nhưng từng câu, từng chữ trong đó vẫn như luôn in đậm trong tâm trí 2 anh em bác Thuận. Trong thư, mẹ nhắn rằng, ở quê nhà bố mẹ và các em đều mạnh khỏe, nghe tin con bị thương nhưng mẹ tin con trai mẹ sẽ kiên cường vượt qua để có đủ sức khỏe cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu vì con trai mẹ giờ đã trở thành một sĩ quan trong Quân đội. Mẹ biết trời miền Bắc lạnh hơn so với quê nhà nên mẹ đan vội chiếc khăn để gửi ra chiến trường cho các con. Cuối thư người mẹ già của còn gửi lời hỏi thăm, động viên các đồng đội của 2 con kiên cường, đoàn kết, dũng cảm để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc...

Lá thư của người mẹ già gửi từ quê nhà là nguồn động lực lớn lao giúp 2 anh em bác Thuận không chỉ vượt qua những lần bị thương, tiếp tục trở lại chiến trường cùng đồng đội chiến đấu đến ngày địch rút hoàn toàn khỏi tuyến biên giới mà còn là lời nhắc nhở, động viên để trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này dù trên cương vị nào, khó khăn đến đâu 2 anh em bác Thuận cũng luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân, Quân đội giao phó.

Bài, ảnh: ĐỨC CƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội