Mái ấm của những mảnh đời
Những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNDC) tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành điểm tựa cả về vật chất và tinh thần, giúp các hội viên là nạn nhân da cam khó khăn có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống, qua đó giúp họ xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi về thăm gia đình ông Dương Văn Quyết ở xóm 6, xã Đan Trường (Nghi Xuân). Dù ông và con trai bị nhiễm chất độc da cam cùng với vết thương chiến tranh hành hạ, nhưng ông Quyết không chịu đầu hàng số phận mà vươn lên làm thoát nghèo từ vốn vay của Hội.
Bằng nguồn vốn vay ban đầu của Hội NNDC huyện và vốn vay ngân hàng, ông Quyết đã đầu tư xây dựng 1.000m2 đất vườn thành khu vườn mẫu để trồng hoa, cây ăn quả, rau màu theo tiêu chí nông thôn mới và đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt mỗi năm xuất 2 lứa 150 con.
Điều đặc biệt là anh Dương Văn Đồng - con trai ông Quyết dù bị bệnh ung thư vòm họng, người bệnh tật, gầy yếu vì nhiễm chất độc da cam, nhưng anh vẫn không cam chịu số phận mà đã xin đi học nghề sửa chữa điện tử và về tự mở cửa hiệu sửa chữa điện tử, kiêm thêm nghề chụp ảnh, phô tô, in ấn tài liệu văn phòng ngay tại nhà.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Quyết phấn khởi nói: “Được Hội NNDC huyện và tỉnh hỗ trợ cho vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nên gia đình tôi từng bước vươn lên thoát nghèo, con tôi được học nghề và có việc làm ổn định. Chúng tôi biết ơn nhiều lắm!”.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Trung Thịnh, xã Sơn Trung (Hương Sơn), chúng tôi không khỏi khâm phục nghị lực vượt khó của anh. Bố đẻ bị nhiễm chất độc da cam đã mất, bản thân anh Chiến cùng anh trai và em gái cũng bị di chứng da cam nên thường xuyên đau ốm. “Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn bởi tài sản trong nhà cứ ra đi theo những lần điều trị bệnh. Được tiếp cận các nguồn vốn vay, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi 5 con hươu, 3 con bò và đàn gia cầm hàng trăm con tạo nguồn thu cải thiện cuộc sống” - Anh Chiến chia sẻ.
Được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 20.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam; trong đó có trên 7.000 người đã được công nhận và hưởng chế độ; trên 1.000 người cần được học nghề, tạo việc làm; gần 1.500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là khó khăn về nhà ở. Với chức năng là “bệ đỡ” của những hội viên da cam, để bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động, Hội NNDC tỉnh đã vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp, ủng hộ xây dựng với nguồn quỹ trên 47 tỷ đồng.
Đến nay, Hội đã hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa 425 “Nhà tình thương”, tổng trị giá hơn 27,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho 332 gia đình nạn nhân khó khăn phát triển kinh tế với hơn 1,8 tỷ đồng; nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, tìm việc làm cho 896 người; hỗ trợ trên 2 nghìn đối tượng bị thiệt hại vì thiên tai, sự cố môi trường và ảnh hưởng của dịch COVID-19 số tiền hơn 1,5 tỷ đồng...
Điểm nhấn trong việc tạo điều kiện giúp nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh được điều trị bệnh, phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm, Hội đã vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ để xây dựng khu Trung tâm nuôi dưỡng bán trú tại huyện Cẩm Xuyên. Trung tâm có diện tích 1.300m2 gồm 28 phòng với một nhà ăn, nhà bếp và khu khuôn viên khang trang; hệ thống phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, tẩy độc, học nghề, chữa bệnh, ăn, nghỉ, sinh hoạt được trang bị đầy đủ. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tổ chức 12 đợt tiếp nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 300 lượt nạn nhân.
"Dù những nạn nhân da cam vẫn phải đối mặt với khó khăn, bệnh tật, nhưng họ luôn có điểm tựa vững chắc trong “mái nhà chung” của Hội NNDC. Hội đã liên kết, tập hợp hội viên, tạo điều kiện giúp nhau tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo, giúp họ xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần, có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống” - Chủ tịch Hội NNDC tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hệ khẳng định.
Bài, ảnh: XUÂN LIỆU
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận