Ray rứt nỗi đau da cam
Nghệ An là tỉnh có số nạn nhân chất độc da cam/dioxin (gọi tắt là nạn nhân) lớn nhất trong cả nước; theo thống kê, 21 huyện, thành phố đều có nạn nhân với hơn 30.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Hầu hết các nạn nhân tuổi cao, sức yếu, con, cháu bị dị tật, mắc các bệnh về tâm thần, mất sức lao động, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Việc chăm lo đời sống của các nạn nhân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống đang là nỗi ray rứt của cấp ủy, chính quyền, trong đó, có Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp.
Ông Đặng Đình Quân trú tại thôn 12, xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) có vợ cùng 3 đứa con trai đều bị nhiễm chất độc da cam. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, chứng kiến hai mái đầu bạc cặm cụi, chăm bẵm đút từng thìa cơm, cốc nước cho những đứa con khờ dại chúng tôi quả thật không cầm được lòng. Tâm sự với chúng tôi, ông nói: "Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào tiền chế độ da cam. Được sự cưu mang của bà con lối xóm, thi thoảng có các nhà hào tâm tặng quà nên cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng chúng tôi lo lắm! Vài năm nữa vợ chồng tôi già yếu, thêm 3 đứa con tật nguyền, làm thế nào để vượt qua đây".
Nước mắt chúng tôi đã nhiều lần rơi khi lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời đầy bi đát của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong lòng bỗng dấy lên nỗi lo khi nghe họ kể về nỗi sợ của mình. Theo Ông Phan Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (HNNCĐDC) huyện Yên Thành cho biết, ở huyện có nhiều trường hợp cả nhà cùng bị nhiễm chất độc da cam, con cháu sinh ra tật nguyền. Trăn trở lớn nhất của ông và Hội là con của họ sẽ sống sao khi bố, mẹ chết đi. Vì vậy, ông đề xuất xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, nhằm san sẻ gánh nặng về tinh thần và vật chất cho gia đình các nạn nhân.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay có nhiều nạn nhân từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học nhưng không còn lưu giữ được các loại giấy tờ chứng minh địa bàn hoạt động. Các nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 (đời cháu) chưa được hưởng chế độ như Thanh Chương có 35 cháu, Yên Thành 62 cháu, Đô Lương 98 cháu, thành phố Vinh hơn 100 cháu…
Gia đình anh Đoàn Thanh Bình trú xóm 1, xã Hưng Chính (thành phố Vinh) là một trong nhiều trường hợp như thế. Cả 3 thế hệ trong gia đình anh đều bị nhiễm chất độc hóa học. Bố anh là nạn nhân trực tiếp (đã chết); đến đời anh bị di chứng da cam, người nổi đầy u, nhọt. Đau lòng hơn khi 3 đứa con của anh cũng bị phơi nhiễm, phát triển không bình thường. Anh cho biết: "Vợ tôi đau buồn sinh bệnh rồi chết mấy năm nay; mẹ quá tủi cực nằm liệt giường sau một cơn bạo bệnh. Gia đình chỉ cơm cháo qua ngày bằng tiền chế độ da cam của tôi. Chỉ mong sao Nhà nước sớm có chính sách giải quyết chế độ da cam cho các con tôi".
Đó là một trong số những mảnh đời da cam bất hạnh, bởi bao nhiêu số phận là bấy nhiêu nỗi buồn, xót xa. Họ đang gồng gánh nỗi đau thầm lặng, nỗ lực mưu sinh. Theo thống kê, tỉnh Nghệ An hiện có 4 gia đình có 5 nạn nhân, 19 gia đình có 4 nạn nhân, 1024 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 264 hộ nhà cửa xuống cấp, dột nát cần sửa chữa.
Từ năm 2013 đến nay, HNNCĐDC tỉnh đã phối hợp giám định y khoa cho 2.780 người có hồ sơ và kết luận 1833 người đủ điều kiện hưởng chế độ. Tính đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh Nghệ An có 14.923 nạn nhân đã được hưởng chế độ chất độc da cam, trong đó 9.657 người trực tiếp, 5.266 người là con đẻ, số còn lại chưa được hưởng. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã vận động ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin 13,4 tỷ đồng. Xây và sửa hàng trăm căn nhà; hỗ trợ dụng cụ, phương tiện; khám, cấp thuốc chữa bệnh, trợ giúp phát triển kinh tế… số tiền hàng tỷ đồng.
"Số người nhiễm chất độc da cam lớn nên nhu cầu nuôi dưỡng tập trung và đào tạo nghề là rất cần thiết. Nạn nhân cũng rất cần hỗ trợ về phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc, phẫu thuật chỉnh hình, vốn sản xuất, giống chăn nuôi… để hòa nhập cuộc sống. Có gia đình 3 đến 5 nạn nhân, không có người chăm sóc, phải nhờ vào họ hàng, bà con lối xóm. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước có chế độ chính sách cho người nuôi dưỡng; đồng thời mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, sự đóng góp, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để chăm lo tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin", ông Đinh Viết Hồng, Chủ tịch HNNCĐDC tỉnh Nghệ An nói.
Bài, ảnh: HOÀNG THÁI
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận