A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Chiến tranh đã lùi xa hơn 46 năm, nhưng chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam nước ta trong 10 năm (1961-1971), đã và đang gây ra hậu quả thảm khốc chưa từng có trong lịch sử loài người.

Theo thống kê của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít các chất độc hóa học (CĐHH), trong đó có khoảng 60% là chất độc da cam, có chứa 336kg dioxin. Dioxin là chất cực độc, chỉ cần 10mg pha trong nước có thể giết chết cả triệu con người. CĐHH đã làm cho hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Toàn quốc đã có hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam và người có công với cách mạng huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa (tháng 1/2021). 

Qua điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4; 22% số gia đình nạn nhân chất độc da cam có từ 3 nạn nhân trở lên, trong đó hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao; khoảng 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Các nạn nhân chất độc da cam thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Đặc biệt, hậu quả chất độc da cam/dioxin làm cho nhiều người bị đa dị tật, dị tật nặng, như: Chậm phát triển trí tuệ, câm, điếc, hội chứng down, lác mắt, động kinh, sứt môi, hở vòm ếch, teo cơ, liệt, dị dạng các chi...

Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái và đặc biệt là đối với sức khoẻ con người, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ nói riêng. Để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư...), tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách lâu dài cũng như trước mắt, giúp người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam (tháng 5/2021).

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị di chứng da cam đã từng bước được hoàn thiện cả về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9,2 triệu người, trong đó có gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được công nhận; đồng thời đã tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nhiều nạn nhân chất độc da cam. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, con đẻ của họ và người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam được quy định ngày càng đầy đủ, như trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông… Hằng năm, ngân sách nhà nước dành hơn 30.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ; hơn 17.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Tuy nhiên, thực tế chính sách còn chưa bao quát hết được những đối tượng khác thuộc diện nạn nhân chất độc da cam như: Cán bộ, quân nhân hoạt động sau ngày 30/4/1975, được giao thực hiện nhiệm vụ ở các vùng “nóng” về chất độc da cam, vùng tồn lưu dioxin cao, nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh ra những đứa con dị tật; Người dân sinh sống trong khu vực bị rải CĐHH và có công đùm bọc, che chở cán bộ, bộ đội trong kháng chiến; Thế hệ thứ 3, thứ 4 của các nạn nhân hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Xuất phát từ tình hình trên, thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan người bị nhiễm CĐHH, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước, chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.

Cần tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật nói chung và người bị nhiễm chất độc da cam, tạo sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Chỉ đạo địa phương, phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam, tiếp tục rà soát các đối tượng nạn nhân CĐHH chưa được hưởng chính sách, hoặc đã được hưởng nhưng chưa đúng, để thực hiện đúng và đủ cho họ. Thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn số lượng khá lớn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được hưởng chế độ chính sách người có công. Nếu thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có quy định để tháo gỡ những bất cập trong xem xét, công nhận nạn nhân CĐHH được hưởng chính sách đúng đối tượng, thì sẽ giải quyết triệt để được những bất cập, thiệt thòi hiện nay đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội