A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trồng gừng trong bao, hiệu quả kinh tế cao

Đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin, những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 luôn tích cực nghiên cứu, đưa những mô hình có hiệu quả kinh tế cao đến với bà con trong Khu Kinh tế - Quốc phòng A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, mô hình trồng gừng trong bao được xem là mô hình mới với nhiều triển vọng nâng cao thu nhập, tạo sản phẩm kết nối thị trường, tạo sinh kế ổn định cho bà con.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 thực hiện thí điểm mô hình trồng gừng trong bao để nhân rộng trong Nhân dân.

 

Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân trong vùng dự án (thuộc 4 xã: Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn, Hương Phong) ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn dựa vào trồng trọt, chủ yếu là lúa, sắn, khoai với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 đã chuyển đổi cây trồng, từ trồng sắn, khoai sang trồng gừng trong bao. Đây là mô hình mới, kỹ thuật đơn giản, dễ chăm sóc, năng suất cao hơn nhiều so với trồng theo luống thông thường.

Được biết, trước khi đưa mô hình này nhân rộng trong Nhân dân, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 đã chỉ đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật và 6 đội xây dựng cơ sở tận dụng các khu đất, đầu tư ngân sách mua giống, vật tu trồng thí điểm 30 nghìn bao gừng và hỗ trợ giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật cho trên 50 hộ dân thực hiện mô hình, trồng trên 10 nghìn bao, hiện nay đang phát triển tốt.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 kiểm tra công tác chăm sóc vườn gừng.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cho biết: Mục đích chuyển đổi giống cây trồng từ các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng gừng trong bao là do địa bàn 4 xã trong vùng dự án nhiễm chất độc dioxin đang còn rất nặng nề. Trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác hiệu quả thấp nên Đoàn đã nghiên cứu mô hình trồng gừng trong bao. Sau các lần thí điểm trồng ở đơn vị chúng tôi nhận thấy, trồng gừng trong bao vừa dễ trồng, vốn đầu tư ít, năng suất cao, đặc biệt bà con tận dụng được không gian xung quanh vườn nhà, dưới góc cây... Đến kỳ thu hoạch các sản phẩm thì đơn vị thu mua hết cho bà con để nhập về các nhà máy, hợp tác xã chế biến gừng.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 chăm sóc gừng trong bao.

 

Để trồng gừng trong bao phát triển tốt, năng suất cao, trước hết phải làm tốt khâu chuẩn bị bao và đất trồng. Bao đựng đất có thể tận dụng bao tải cũ, bao xi măng, túi ni lon... Mỗi bao chứa khoảng 10kg đất. Đất trồng phải có độ mùn cao, tơi xốp, trộn với trấu, phân chuồng hoai mục với tỷ lệ 70% đất, 30% phân chuồng. Sau khi trồng gừng vào trong bao cần phủ lên một lớp trấu hoặc mùn cưa để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc. Mỗi bao trồng khoảng 2 nánh gừng giống, sau khoảng 1 tháng, thấy mầm chồi lên thì bổ sung thêm đất và đưa vào nơi râm mát giúp cây phát triển nhanh. Đến tháng thứ 9 (trước khi thu hoạch khoảng 30 - 45 ngày), mang các bao gừng ra nắng để củ gừng chắc và cay hơn. Khi thu hoạch một bao cho khoảng 0,4 đến 0,8 kg gừng tươi. Với giá thị trường hiện nay khoảng 55.000 đồng/1kg, hiệu quả trồng gừng trong bao gấp khoảng 5 lần so với cách trồng dưới đất.

Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

 

Thượng tá Nguyễn Đức Hiền, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cho hay: “Trong những năm qua, các mô hình của Đoàn xây dựng như trồng lúa nước, trồng gừng trong bao, trồng cây dược liệu, ổi lai... đã phát huy tốt hiệu quả và góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên vùng dự án”.

Có thể nói, trồng gừng trong bao là mô hình sản xuất mới, kỹ thuật trồng đơn giản, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và diện tích đất chật hẹp, tận dụng. Sắp tới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 sẽ tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình để người dân mạnh dạn áp dụng, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới A Lưới.

Bài, ảnh: TrẦn Tình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội