A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghề bắt chuột đồng – cứu cánh cho người nông dân

Những năm gần đây, tình trạng chuột đồng phá hoại mùa màng đã trở thành nỗi lo lớn của người nông dân ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Trước tình cảnh đó, một nghề tưởng chừng đơn giản nhưng lại có giá trị lớn đã ra đời: Nghề bắt chuột đồng. Nghề này không chỉ giúp bảo vệ mùa màng mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, đồng thời làm phong phú thêm thực đơn của nhiều nhà hàng với món thịt chuột, một đặc sản đang được nhiều người ưa chuộng.

Anh Lương Thế Lâm vui mừng khi bắt được chuột đồng.

 

Anh Lương Thế Lâm, sinh năm 1977 và vợ là chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1976, là cặp vợ chồng tại Đội 2, Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đã gắn bó với nghề bắt chuột đồng được hơn 4 năm nay. Ban đầu chỉ là công việc thời vụ, nhưng dần dần, nhờ sự chăm chỉ và nhu cầu thị trường tăng cao, nghề bắt chuột đã trở thành nguồn sống chính của gia đình anh chị.

Mỗi đêm, anh Lâm và vợ bắt được khoảng 10 kg chuột đã làm thịt, tương đương với khoảng 20 kg chuột sống (khoảng 300 con). Chuột sau khi được làm sạch sẽ bán với giá dao động từ 40 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Với thu nhập từ 400 nghìn đến hơn 700 nghìn đồng mỗi đêm, công việc này đã trở thành nguồn thu ổn định cho gia đình anh chị.

Vợ chồng anh Lâm và chị Hương chờ đợi lượt bắt chuột đồng đầu tiên sau khi đã đặt bẫy xong.

 

Để bắt được chuột, anh Lâm chia sẻ bí quyết là phải tìm đúng đường mòn của chúng. Chuột đồng thường trú ngụ ở những nơi rậm rạp, nhiều cây cối và vào ban đêm mới ra đồng tìm kiếm thức ăn. Gia đình anh hiện có khoảng 160 chiếc bẫy, chủ yếu là loại bẫy kẹp lò xo. Tuy nhiên, có những lúc gặp phải chuột lớn, chúng có thể tha mất bẫy, hoặc trong quá trình thu gom bẫy có thể bị bỏ sót. Trước đây, gia đình anh sở hữu hơn 200 chiếc, nhưng qua thời gian, số lượng đã giảm xuống chỉ còn 160 chiếc.

Kể về nghề, chị Hương vui vẻ cho biết, công việc này không phải lúc nào cũng suôn sẻ và đôi khi mang lại những tình huống thú vị. Đã có mấy lần anh chị bị các chú công an kiểm tra, xét hỏi khi họ nghi ngờ anh chị sử dụng kích điện để đánh bắt cá. Tuy nhiên, sau khi được giải thích rõ ràng về phương pháp sử dụng bẫy cơ học để bắt chuột, họ lại cảm thông và ủng hộ công việc của anh chị, vì chính nghề này đã góp phần bảo vệ mùa màng và tạo ra thu nhập chân chính.

Cần khéo léo đặt bẫy tại lối đi của chuột.
Rải một ít hạt lúa làm mồi nhử.

 

Tôi có dịp theo chân anh Lâm trong một đêm mùa thu tại cánh đồng Thôn 2, Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Dù con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh, quanh co, anh vẫn di chuyển thoăn thoắt, khéo léo đặt từng chiếc bẫy vào những lối mòn mà chuột thường qua lại. Chỉ trong lượt thu bẫy đầu tiên, anh đã gom được gần 10 kg chuột. "Chúng tôi đặt bẫy từ khi chập tối, đến khoảng 18 giờ 30 bắt lượt đầu, rồi đến 20 giờ 30 đi thu bẫy và kết thúc buổi làm việc. Chuột được làm thịt ngay trong đêm, sau đó ướp đá lạnh để bảo quản và sáng sớm hôm sau sẽ được mang đi giao cho các nhà hàng" -  anh Lâm chia sẻ.

Chuột đồng từng là nỗi lo của người nông dân vì gây thiệt hại lớn cho mùa màng, nay đã trở thành nguyên liệu chính cho một món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Thịt chuột đồng có vị ngọt, thơm và chắc, thường được chế biến thành nhiều món như nướng, quay, hay xào lăn. Những nhà hàng ở các thành phố lớn ngày càng đón nhận chuột đồng như một món ăn lạ miệng, độc đáo, thu hút thực khách. Chính điều này đã tạo thêm động lực cho các thợ săn chuột như anh Lâm và chị Hương, khi nghề bắt chuột không chỉ là việc làm thuần túy, mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thành quả của vợ chồng anh Lâm, chị Hương sau lượt bắt đầu tiên.
Nhiều người dân địa phương cùng ra đồng cổ vũ anh Lâm, chị Hương bắt chuột.

 

Chị Đào Kim Cúc, sinh năm 1987, một nông dân tại Thôn 2, xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, những ngày gần đây đều ra đồng để xem và cổ vũ anh Lâm, chị Hương bắt chuột. Chị Cúc vui mừng kể: "Mấy năm nay chuột nhiều quá, chúng cắn phá cây trồng, dù dùng biện pháp nào cũng không khống chế nổi. Nay có các anh chị từ Lệ Thủy xuống bắt được nhiều chuột, tôi rất mừng và hy vọng mùa tới sẽ không còn bị phá hoại nữa".

Niềm vui không chỉ đến từ việc giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra mà còn từ niềm tin vào tương lai của những mùa màng bội thu. Nhờ có những người thợ săn chuột như anh Lâm, cánh đồng Nghĩa Ninh dường như lại xanh tươi hơn, người nông dân cũng yên tâm hơn khi chuẩn bị cho những vụ mùa tiếp theo.

Bài, ảnh: CẢNH VINH


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội