Liệt sĩ, nhà báo Tử Mạch
Liệt sĩ, Nhà báo Tử Mạch họ tên khai sinh là Nguyễn Tử Mạch, bút danh Linh Ngoại, Long Linh Ngoại, sinh năm 1949 tại xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ trong cuộc chiến cam go trên đất lửa Khu 4, Tử Mạch vừa cầm súng, vừa cầm bút. Anh viết văn, làm thơ, viết báo một cách say sưa. Thơ anh mãi “neo đậu” trong ký ức những người lính “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” B5 ngày ấy.
Trong kho tàng câu đối Việt Nam có nhiều câu đối ra đời hàng trăm năm không ai đối được. Theo Đại tá, Nhà văn Xuân Thiều (người được mệnh danh cụ đồ Nghệ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) thì vế mời đối: “Pháo thủ tầm xa đánh địch gần, tay pháo thủ thủ thêm thủ pháo” in trên Báo Quân đội Nhân dân số Xuân 1970 là một câu đối mời đối như vậy! Theo ông, cái khó đối lại của câu mời đối này không dừng lại ở cách chơi chữ rất uyên thâm của tác giả: “Xa” – “gần”, cái từ đồng âm dị nghĩa “thủ” là “tay”, là “cầm”, “nắm”; “thủ” là “thủ pháo”… mà còn là ngữ cảnh, ngữ nghĩa của nó. Đó là chuyện những chiến sĩ pháo binh vốn đánh địch từ xa trong hoàn cảnh hy hữu chuyển sang thành bộ binh, giáp la cà với địch trên chiến trường Quảng Trị.
Tác giả của vế đối hóc hiểm “đối đối nan” này là Nhà báo trẻ, Trung sĩ Tử Mạch, Phóng viên Báo Tiền Tuyến, Mặt trận B5, Quân khu 4. Nhà báo Tử Mạch họ tên khai sinh là Nguyễn Tử Mạch, bút danh: Linh Ngoại, Long Linh Ngoại, sinh năm 1949 tại xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh Tử Mạch là liệt sĩ Nguyễn Tiến Lâm. Là con liệt sĩ lại có anh trai đang tại ngũ chiến đấu ở chiến trường Lào nên khi sang tuổi 18 anh phải năn nỉ địa phương nhiều lần mới được nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong đội hình Trung đoàn 27.
Từ trong cuộc chiến cam go trên đất lửa, Tử Mạch vừa cầm súng, vừa cầm bút. Anh viết văn, làm thơ, viết báo một cách say sưa. Thơ anh mãi “neo đậu” trong ký ức những người lính “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” B5 ngày ấy. Còn nhớ cách đây mấy năm khi biên soạn cuốn “Làm báo trên miền đất lửa”, Đại tá, Nhà báo Đậu Kỷ Luật rưng rưng kể về anh: “Cuối năm 1966, mình và Vũ Thuộc, Phó ban Tuyên huấn Mặt trận, Trưởng ban Biên tập Báo Tiền Tuyến sửng sốt, bàng hoàng, xúc động khi đọc bài thơ “Đồng dao mẻ chai” của Tử Mạch gửi về:
Ra đường gặp miếng mẻ chai
Suy đi, tính lại những hai ba lần…
Vứt vào bụi rậm ven đường
E khi con trẻ bắt chuồn mải mê…
Định đem vứt giữa bụi tre
Tre già tàn lụi, mảnh thì còn nguyên…
Tính đem đào đất để chôn
Sợ khi mưa xối, mảnh còn trơ trơ…
Cầm lòng chẳng thể làm ngơ
Quăng lên quẳng xuống vật vờ không xong…
Thôi thì một việc đôi công
Tẩm thêm thuốc độc làm chông diệt thù.
Thi pháp lục bát đã đong đầy những cảm xúc rất thơ, rất nhân văn của người chiến sĩ Đường 9. Và sau bài thơ này, Tử Mạch được Phòng Chính trị Mặt trận điều về công tác tại Báo Tiền Tuyến. Dẫu chưa qua 1 ngày trường lớp báo chí nhưng với tất cả đam mê, nhiệt huyết của một phóng viên trẻ trên chiến trường “đạn bom nhiều hơn cát sạn”, Tử Mạch đi và viết một cách say sưa hết chiến dịch, trận đánh này đến chiến dịch, trận đánh khác. Dẫu bộn bề với tin, bài cho Báo Tiền Tuyến, Báo Quân khu Bốn, Báo Quân đội Nhân dân, Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân… Tử Mạch vẫn say sưa làm thơ về đồng đội, về cuộc chiến đấu sinh tử trên chiến trường Quảng Trị. Thơ Tử Mạch dung dị, đằm thắm, thấm đượm nghĩa tình, chan chứa một tình yêu cuộc sống. Có lẽ vì thế dẫu nửa thế kỷ đã đi qua và dẫu đã gần 95 tuổi đời cụ Nguyễn Văn Toại, nguyên cán bộ Tuyên huấn Mặt trận B5, nguyên Giám đốc Sở Thể thao Nghệ An vẫn nhớ trợn vẹn bài thơ “Tiểu đội” của anh:
Chiến trường là quê hương
Tiểu đội là gia đình
Trong gian khổ nhắc một câu ngắn vậy
Thương yêu nhiều ta đùm bọc nhau hơn
Giữa chiến hào chia nhau vắt cơm
Bụng đói thắt vẫn nhớ người đi vắng
Ngày dẫu mệt đêm về thức trắng
Gác thông giờ cho bạn ngủ trọn đêm
Cả nước đổ về bỗng hóa anh em
Tiểu đội trưởng là người ít tuổi
Hay kể chuyện nương chè ven suối
Xôn xao đồi cọ lưng đèo…
Năm 1972, Tử Mạch được Tòa soạn phân công xuống Trung đoàn 27 đi cùng đơn vị mở màn cho chiến dịch tiến công Thành cổ. Anh hăm hở mang ba lô về đơn vị cũ thân yêu của mình để cùng đồng đội chiến đấu và đưa tin. Trong trận chiến đấu quyết liệt ngày 1/4/1972, trận mở màn của chiến dịch vây - lấn - tấn - diệt Thành cổ, anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 25.
Sự hy sinh anh dũng của anh mãi mãi là niềm tự hào của những người lính cầm bút trên đất lửa. Rất may một phần nhỏ di cảo của anh đã được người cháu thờ tự là Nguyễn Ngọc Long qua đồng đội của anh đã sưu tầm được một ít. Dẫu chưa thể đầy đủ nhưng những bài thơ, bản nhạc anh để lại cũng đủ làm ấm lòng người thân và đồng đội.
NGUYỄN KHẮC THUẦN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận