Bài 2: Cán bộ “gần dân” – Thước đo trách nhiệm
“Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự “gần dân”, chính là “cái gốc” để chống bệnh quan liêu, vô cảm và các thói hư, tật xấu khác, toàn tâm, toàn ý, dám nghĩ, dám làm với mục tiêu cao nhất là chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Sự thành bại cốt phải “gần dân”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách “gần dân”, “vì dân. Dù trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Người cũng luôn hướng về nhân dân, đến với dân, hòa mình với nhân dân để hiểu dân, kịp thời có những chủ trương, quyết sách hợp với lòng dân, giải quyết những bức xúc của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành thời gian đi cơ sở, đi thăm nhân dân ở các địa phương. Trong vòng 10 năm, từ năm 1955 - 1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với Nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường không báo trước, tránh những nghi thức, nghi lễ chào mừng…
Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí cán bộ của Đảng luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong giải quyết thành công các việc khó. Tiêu biểu như đồng chí Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc đã vận dụng sáng tạo, phù hợp tư tưởng gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn lãnh đạo, đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, có nhiều chủ trương “đi trước thời gian”. Tiêu biểu là chủ trương “Khoán hộ” (khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm) trong hợp tác xã nông nghiệp hay còn gọi là Nghị quyết 68-NQ/TU ngày 10/9/1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Đây là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, là một trong những cơ sở để Đảng ta sau này đề ra Chỉ thị 100 (ngày 13/01/1981) và Nghị quyết số 10 (ngày 5/4/1988) đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước.
Hiện nay, rất nhiều cán bộ, từ Trung ương đến cơ sở vẫn nỗ lực để lo cho người dân có cuộc sống tốt đẹp, nhất là lo cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh, trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội. Người cán bộ khi đó không chỉ tạo sự gần gũi, gắn kết giữa người dân với chính quyền, với tổ chức mà điều quan trọng nhất là việc này đã giúp đội ngũ cán bộ được nghe, tiếp nhận được thông tin đúc rút từ thực tiễn để tham mưu, ban hành các chủ trương, chính sách đúng, tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn từ cơ sở. Suy cho cùng, việc cán bộ phải “gần dân” vẫn luôn là bài học lớn và rất sâu sắc, đúng như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc “bệnh xa dân”, với lề lối làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch gây phiền hà, khó dễ; thói quan liêu, tham ô, tham nhũng đục khoét của dân; các chủ trương, chính sách ban hành không phản ánh đúng lợi ích, thậm chí đi ngược lại quyền lợi nhân dân. “Bệnh xa dân” bộc lộ ở việc cán bộ cấp dưới thì mắc bệnh thành tích, say mê với những con số ảo xa rời thực tế, lối làm việc qua loa, đại khái thậm chí là dối trá. Cán bộ cấp cao hơn thì không đi sâu, đi sát vào thực tiễn, xa rời quần chúng, làm việc dựa trên giấy tờ, báo cáo của cấp dưới mà thiếu kiểm tra thực tế, không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Thậm chí đó còn là một căn bệnh tập thể: một tập thể cơ quan hay đơn vị nào đó xa dân với lối làm việc “hành là chính” thiếu quy củ, nền nếp; chậm chễ, dây dưa trong công việc gây phiền hà, sách nhiễu thậm chí còn vòi vĩnh nhân dân.
Hệ lụy của “bệnh xa dân” dẫn tới hậu quả là: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là đúng nhưng khi tổ chức thực hiện sai vì không áp dụng đúng với thực tiễn đa dạng, phong phú, không đến được với người dân, không làm cho dân tin, dân hiểu, dân theo, gây bức xúc làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Mặt khác, “bệnh xa dân” còn gây nguy hại ở việc không thấy được vai trò, sứ mệnh, sức mạnh quần chúng đối với lịch sử, không phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. “Bệnh xa dân” làm nguy hại thêm tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, là “đồng minh tự nhiên” của các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động.
Cán bộ “gần dân” – Thước đo trách nhiệm
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của người cán bộ là phải gần dân, học dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, cũng như thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi cho dân. Muốn nâng cao đời sống Nhân dân, phải có đội ngũ cán bộ “gần dân”. “Gần dân”, “sát dân”, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá cán bộ. Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đặt tiêu chí “tôn trọng Nhân dân” lên hàng đầu và yêu cầu cán bộ, đảng viên “Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ “gần dân”, nhất là lựa chọn nhân sự cán bộ “gần dân”, “sát dân”, “hiểu dân” trong Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 – 2030, cần quán triệt sâu sắc lời phát biểu tại của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc (ngày 1/12/2024) tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,”, đó là: cầu phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm.

Theo đó, từng cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò độc lập tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trước hết, trên hết. Cán bộ, đảng viên không ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong trên các lĩnh vực công tác, làm gương trong mọi hành động, không ngừng rèn luyện phẩm chất: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Không tự cao, tự đại, kiêu ngạo, làm điều hay, sửa điều dở của bản thân. Đối với mọi người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với nhiệm vụ được giao, dù hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “để việc công lên trên việc tư”; đã được giao việc gì phải tận tâm tận lực, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Cán bộ, đảng viên luôn gần dân, sâu sắc với dân, nắm bắt nguyện vọng của Nhân dân; điều chỉnh, rèn luyện cách làm việc, cách lãnh đạo cho phù hợp, phát huy hết vai trò của Nhân dân để làm lợi cho dân. Quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác phải tỉ mỉ, chu đáo, động viên phát huy được mọi sức mạnh của quần chúng
Cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác, cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Với tư cách là người lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, tiên phong trong mọi hoàn cảnh, “miệng nói, tay làm” lời nói thống nhất với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách “vì dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với Nhân dân” là bổn phận và danh dự của cán bộ, đảng viên. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Cán bộ “gần dân” – Thước đo trách nhiệm sẽ được kiểm chứng bằng chính uy tín của người cán bộ đó trước Đảng, trước Nhân dân. Uy tín, danh dự của một con người nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng là điều hết sức quan trọng, không chỉ là “thước đo”, khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng, giá trị, nhân cách, phẩm chất, năng lực, trình độ, phong cách, tác phong, hiệu quả làm việc, công tác của cán bộ, đảng viên mà còn góp phần tăng cường uy tín của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, uy tín, danh dự của đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là “điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Vì vậy, tạo lập hình ảnh, giữ gìn uy tín, danh dự của người cán bộ, đảng viên là việc làm thiết yếu, thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải được bồi đắp từng ngày và trở thành nhu cầu tự thân, không ngừng, không nghỉ.
Mục tiêu cao nhất của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV là “Nâng cao đời sống nhân dân”. Như vậy, đời sống của Nhân dân được nâng cao trong những năm tới, chính là thước đo uy tín, danh dự, sự kiểm chứng cụ thể nhất về “nói đi đôi với làm”, tận tâm, tận tụy vì dân, vì nước của đội ngũ cán bộ các cấp.
HỒ MINH QUÂN
Bài 3: Nâng cao đời sống Nhân dân – Nói đi đôi với làm
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận