A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao đời sống của Nhân dân – Gốc vững, cây bền

Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 -2030, Báo Quân khu trân trọng giới thiệu vệt bài về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Nâng cao đời sống của Nhân dân – Gốc vững, cây bền

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạnh Việt Nam, Đảng ta luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên, lên trước hết. Dự thảo văn kiện trình đại hội XIV của Đảng đặt mục tiêu cao nhất là ““ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của Nhân dân” càng khẳng định điều đó.

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trò chuyện với cử tri tỉnh Thanh Hóa.

 

“Dân là gốc”

Hồ Chí Minh khẳng định “dân là gốc”. Người nói: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân”. Người đã đặt Nhân dân ở vị trí trung tâm trong xã hội, so sánh cùng trời đất và xác định không có gì quý bằng Nhân dân, mạnh bằng Nhân dân, không có gì chống lại được dân chúng: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”.

Từ nguyên lý “dân là gốc”, Người đi đến kết luận: “Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết”. “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả, nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”. Chính vì hiểu rõ bản chất sức mạnh của Nhân dân nên Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đối với dân ta đừng làm gì trái ý dân, dân muốn gì ta phải làm nấy”, bởi theo Người: “Ý dân là ý trời, làm đúng ý nguyện của dân thì tất thành. Làm trái ý dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền”. Người dạy cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”.

Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của dân tộc, kế thừa những giá trị đúc kết tư tưởng “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Dân là gốc” là bài học kinh nghiệm hàng đầu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị thăm, tặng quà gia đình chính sách.

 

Tại Đại hội VI, Đảng ta đã xác định rõ: “Phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động”; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của Nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”.

Các Đại hội tiếp theo, quan điểm của Đảng vẫn luôn nhất quán khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân, rằng, nhân dân là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, do đó, cần phải dựa vào dân, tin tưởng và phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; do đó, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”, “lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; phải luôn “thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân”; phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời Nhân dân phải được “quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”. Trong mọi quyết sách và mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn “lấy Nhân dân làm trung tâm”, phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân”, “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,…

Cán bộ Đoàn KT - QP5 tuyên truyền chủ trương, chính sách của  Đảng, Nhà nước cho Nhân dân.

 

Chăm lo cho dân - Gốc vững, cây bền

Trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chăm lo đời sống Nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là làm cho Nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tich Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn yêu cầu: "Đảng ta phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân"; Trong những năm qua, Đảng ta luôn có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới. Nhưng thành tựu vượt bậc về phát triển về kinh tế - xã hội, góp phần đưa: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" đã khẳng định điều đó.

Bệnh viện Quân y 268, Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu phối hợp  với Đoàn KT-QP92 khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân huyện A Lưới, thành phố Huế.

 

Việc quan tâm chăm lo cho Nhân dân luôn được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt lên hàng đầu. Ngày 6/2/2025 khi đến thăm và làm việc với tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “…Việc xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân là nhiệm vụ không thể chậm hơn được, không để người dân vất vả, nghèo đói, điều đó là có lỗi với Nhân dân… quan trọng nhất vẫn là chăm lo đời sống cho Nhân dân”. Ngày 8/4/2025, phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công; thực hiện chính sách miễn học phí đối với mọi cấp học phổ thông… chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả mọi người dân, để mỗi người dân Việt Nam thật sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Đặc biệt, ngày 12/4/2025, kết luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng tại Hội nghị lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Thống nhất về mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm “ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Như vậy, mục tiêu tối thượng của Đại hội XIV là “Nâng cao đời sống của Nhân dân”. Để hiện thực hóa mục tiêu này trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng xác định rất rõ: Về quan điểm: “Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc và ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu”. Đây cũng là, một trong những định hướng quan trọng phát triển đất nước giai đoạn 2026 – 2030 “Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của Nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”. Trong đó, khẳng định: “Tiếp tục nâng cao nhận thức Nhân dân là  chủ thể, là trung tâm của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhất là ở cơ sở; giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực, sức mạnh, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện”.

Mục tiêu phấn đấu xuyên suốt của Đảng hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV là “Nâng cao đời sống của Nhân dân” đây là sự cụ thể hóa tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân chính là chăm lo xây dựng “Gốc vững, cây bền, muôn việc thành công”. 

                                                                             HỒ MINH QUÂN

                                       Bài 2: Cán bộ “gần dân” – Thước đo trách nhiệm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội