A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước tạo đà cho giải phóng miền Nam

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, khu quân sự, kho tàng và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh của Mỹ - ngụy.

Quảng Trị được Mỹ - ngụy luôn coi là tuyến phòng thủ, “Con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Khi Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 mở ra, sau 2 đợt tấn công và nổi dậy mãnh liệt (từ ngày 30/3 đến 1/5/1972), quân và dân ta đã hợp đồng chặt chẽ tấn công “quét sạch” hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - nguỵ từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Khe Sanh đến Cửa Việt, một vùng đất rộng lớn của Quảng Trị được giải phóng. “Con đê ngăn chặn” mà Mỹ xây dựng bị quân giải phóng phá vỡ, lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy, báo hiệu tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Từ đây, Quảng Trị trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Huyện Cam Lộ trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế, cổ vũ quân, dân ta giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Để mất Quảng Trị, địch lên kế hoạch phản kích tái chiếm lại thị xã Quảng Trị. Vì vậy, chúng điên cuồng tập trung một lực lượng lớn với nhiều quân binh chủng, sư đoàn hiếu chiến thuộc lực lượng tổng dự bị Quốc gia. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng Quảng Trị thực sự là bản anh hùng ca bất diệt về sự kiên cường, lòng dũng cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là kết quả của ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội chủ lực, khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương của quân và dân Quảng Trị. Đây là cuộc chiến đấu ác liệt nhất, chịu nhiều đau thương, mất mát và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu cao nhất của quân và dân ta.

Lực lượng quân giải phóng đánh trả đợt phản kích của địch ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. (Ảnh tư liệu)

 

Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam và Đông Dương. Bằng các đòn tiến công mạnh mẽ, quân giải phóng cùng bộ đội địa phương và Nhân dân đã phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố, giáng một đòn chí mạng vào quân đội Mỹ và quân ngụy Sài Gòn. Quảng Trị được giải phóng đã làm thất bại âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Pa-ri mà giới cầm quyền Mỹ cố tạo ra trên chiến trường miền Nam. Cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng đã tạo chấn động mạnh đối với nội tình nước Mỹ trong thời điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của Tổng thống Níchxơn diễn ra gay cấn. Chiến thắng này cùng với trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Cuộc tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 là trang sử vẻ vang, hào hùng, bi tráng nhất, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu dài ngày nhất, gian khổ nhất suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhận thức sâu sắc về tầm vóc, vai trò, ý nghĩa, bài học lịch sử to lớn của chiến thắng này, chính là những kinh nghiệm quý báu của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

GIANG ĐÌNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội