A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy chiến thắng Quảng Trị 1972 trong xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 4 đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Thắng lợi trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là sự kiện có ý nghĩa quân sự, chính trị hết sức to lớn, làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta. Với việc tỉnh Quảng Trị - địa bàn chiến lược tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa được giải phóng, đã trở thành hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Trị - Thiên là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến binh chủng giữa lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương với các đơn vị chủ lực đánh tiêu diệt lớn. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm là bản anh hùng ca bất diệt về sự kiên cường, lòng dũng cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng bảo vệ Thành cổ đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng tái chiếm vùng ta mới giải phóng của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao.

Phát huy thắng lợi trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972, LLVT Quân khu 4 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những bài học lịch sử từ thắng lợi trong Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị để LLVT Quân khu 4 kế thừa và phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, đó là:

Một là, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng và thế trận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Sau thất bại của địch năm 1971, nhất là thất bại trong Cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh, có lợi cho cách mạng. Tuy nhiên, địch vẫn ngoan cố vì lực lượng quân sự của chúng còn rất mạnh. Cùng với tăng viện khẩn cấp để vực dậy ngụy quân Sài Gòn, đế quốc Mỹ ráo riết đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp, kiềm chế sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) nhận định: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. So sánh lực lượng và thế chiến lược trên các chiến trường đang thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi để đưa cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ”. Phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, kịp thời nắm vững thời cơ thuận lợi và tạo nên thời cơ mới.

Ngày 11 tháng 3 năm 1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về Kế hoạch chiến lược năm 1972, trong đó xác định: “Trị - Thiên trước xác định là hướng phối hợp quan trọng, nay chuyển thành hướng chiến lược chủ yếu… nhằm: Tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến lên một bước mới”. Trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị - Thiên, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy chiến dịch: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch tiến công Trị - Thiên. Trải qua hơn một tháng chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đến ngày 2 tháng 5 năm 1972, quân và dân ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Bước sang thời kỳ mới, bên cạnh thuận lợi chủ yếu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, LLVT Quân khu 4 cũng gặp không ít khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những thủ đoạn mới, tinh vi, thâm độc hơn. Chúng lợi dụng tình hình căng thẳng ở Biển Đông, những thách thức, sự cố trong phát triển kinh tế trên địa bàn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, khí hậu, thời tiết… để tán phát, truyền bá các quan điểm sai trái, phản động, nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta… Những điều đó đang hàng ngày, hàng giờ tác động vào tư tưởng, tình cảm của bộ đội, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Song với sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, LLVT Quân khu 4 luôn phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng và thế trận, đặc biệt là “Thế trận lòng dân”, hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, tập trung xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sau khi để mất Quảng Trị, Mỹ và ngụy quân Sài Gòn tổ chức phản kích quyết liệt nhằm giành lại địa bàn chiến lược này, mục tiêu đầu tiên là thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, địch đã sử dụng hỏa lực trực tiếp của không quân và hải quân Mỹ chi viện và phối hợp chiến đấu với quân ngụy ở mật độ cao, cường độ lớn chưa từng thấy trong chiến dịch. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch diễn ra tại Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm (từ 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972) vô cùng ác liệt. Từ một thị xã nhỏ ít ai biết đến, Quảng Trị đã thành trung tâm thu hút sự chú ý của Nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của quân và dân ta. Bằng ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt hi sinh, quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, đánh bại mưu đồ đánh chiếm nhanh thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị của địch. 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ là bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng trung thành, ý chí sắt đá và đức hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân và dân ta trên chiến trường trọng điểm này.

Từ khi quân ta rút khỏi thị xã Quảng Trị và Thành cổ (ngày 16 tháng 9 năm 1972) cho đến cuối tháng 1 năm 1973, địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân đánh ra các vùng mới giải phóng của ta, nhưng chúng bị các LLVT của ta ngăn chặn quyết liệt. Ý chí kiên cường, quyết tâm thắng địch, cùng với nghệ thuật khai thác và sử dụng tốt sức mạnh tổng hợp, thực hiện nguyên tắc “Hành động phải thật kiên quyết” tạo thế trận phòng ngự tương đối vững chắc trên tất cả các hướng, quân và dân ta không những bảo vệ được trận địa, giữ vững được khu vực phòng thủ, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch mà còn phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Có thể khẳng định, một trong những nét nổi bật của chiến thắng Quảng Trị là công tác Đảng, công tác chính trị  được tiến hành chặt chẽ, chu đáo trong mọi thời điểm của chiến dịch, xây dựng nên những tập thể, cá nhân với tinh thần “thép”, luôn luôn vững vàng trước mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương,  Bộ Quốc phòng, LLVT Quân khu 4 tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; triển khai thực hiện nghiêm Quy chế “Giáo dục chính trị trong Quân đội Nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam”, Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng phù hợp với từng đối tượng và cơ quan, đơn vị. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất cách mạng, truyền thống, nhiệm vụ của Quân đội, của LLVT Quân khu và của đơn vị; nắm chắc đối tượng, đối tác, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho bộ đội. Thực hiện có nền nếp, chất lượng ngày chính trị và văn hóa tinh thần, ngày pháp luật; kịp thời phát hiện và giải quyết tốt tình hình tư tưởng nảy sinh. Tiếp tục thực hiện Đề án “Văn hóa công sở trong Quân đội”; quan tâm đầu tư xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho bộ đội.

Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; giữ vững và phát huy hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” với các phẩm chất: Kiên định vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp; đạo đức, lối sống trong sạch, thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết tôn trọng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chính sách, dân vận, bảo vệ chính trị nội bộ; phát huy vai trò trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương; Tư lệnh Quân khu và Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trao quyết định thành lập Hải đội dân quân thường trực tỉnh Quảng Trị (ngày 14/10/2021).

 

Ba là, thực hiện tốt việc điều chỉnh tổ chức, biên chế, xây dựng LLVT Quân khu theo hướng tinh, gọn, mạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ và ngụy quân Sài Gòn luôn coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam, chỉ khi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972 mở ra, sau 2 đợt tấn công và nổi dậy mãnh liệt (từ ngày 30/3 đến 2/5/1972), quân và dân ta đã hợp đồng chặt chẽ tấn công và nổi dậy, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của kẻ thù, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy quyền, báo hiệu toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sau khi để mất Quảng Trị, địch lên kế hoạch phản kích tái chiếm lại thị xã trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9 năm 1972. Vì vậy, chúng điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược.

Về phía ta, để chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngày 25 tháng 6 năm 1972, Bộ Tư lệnh B5 lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh bại cuộc phản kích lớn của địch. Ba mươi vạn Nhân dân phía Nam Quảng Trị lại phải đương đầu với thử thách mới, một thử thách vô cùng quyết liệt. Bộ đội địa phương, du kích vừa phối hợp khẩn trương đưa 8 vạn dân của thị xã và 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến các nơi an toàn, vừa tổ chức nhiều đợt tập kích địch trên các hướng khác nhau. Khắp các xã, phường phía Nam tỉnh Quảng Trị, trên tuyến sông Vĩnh Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nung nấu lời thề “còn người còn trận địa, quyết tử bảo vệ quê hương”, kiên cường chiến đấu không cho địch tiến vào thị xã. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn cách mạng mới, quán triệt, chấp hành nghiêm nghị quyết, kết luận, đề án về tổ chức Quân đội trong tình hình mới; kịp thời triển khai các Quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế của LLVT Quân khu. Các cơ quan chức năng Quân khu phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”, điều chỉnh tổ chức các đơn vị theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu tổ chức hợp lý, cân đối giữa lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm, khắc phục quân số dôi dư, nhất là quân nhân chuyên nghiệp. Trong đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng cơ quan, xác định vị trí công tác của từng chức danh, bảo đảm không chồng chéo, trước hết là ở cơ quan Quân khu.

Tiếp tục củng cố, ổn định tổ chức các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương theo kế hoạch tổ chức Quân đội thời bình, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, sẵn sàng chiến đấu cao; ưu tiên bảo đảm quân số các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các đơn vị bộ binh đủ quân; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn, vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, đủ số lượng, chất lượng ngày càng cao, thường xuyên đăng ký, quản lý, theo dõi nắm chắc số lượng, chất lượng, sẵn sàng động viên, mở rộng lực lượng khi cần thiết. Tiếp tục củng cố lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu phù hợp với đặc điểm địa bàn, dân số, chú trọng lực lượng dân quân tự vệ ở các vùng trọng điểm, dân quân tự vệ biển; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và độ tin cậy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở.

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.

Trong quá trình tác chiến trên chiến trường Trị - Thiên từ ngày 30 tháng 3 năm 1972 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973, ta đã tiêu diệt 83.790 tên địch, bắt 3.685 tên, thu và phá hủy 922 khẩu pháo, 2.143 xe ôtô các loại, 1.181 xe tăng, 3.869 khẩu súng các cỡ, phá hủy 714 máy bay, 28 tàu chiến… Đặc biệt là đánh thiệt hại nặng 2 sư đoàn dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất của ngụy quân Sài Gòn. Sư đoàn 3 Bộ binh - sư đoàn thiện chiến nhất của Quân đoàn 1, Quân khu 1 của ngụy quân Sài Gòn bị xóa sổ. Thắng lợi to lớn trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972, cùng với các thắng lợi khác trên hai miền Nam, Bắc đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút Quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta. Qua đó làm thay đổi cục diện trên chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn “đánh cho ngụy nhào”, thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mãi mãi là bài học vô giá về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, về phát huy sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng tác chiến của LLVT địa phương với bộ đội chủ lực và các lực lượng an ninh, bộ đội biên phòng tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị, nhà trường Quân khu 4 tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Kết luận số 60-KL/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy huấn luyện cơ bản làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, huấn luyện cán bộ làm then chốt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, diễn tập; tổ chức huấn luyện toàn diện, trong đó tập trung huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, huấn luyện cơ động, huấn luyện đêm; kết hợp huấn luyện chiến thuật với huấn luyện thể lực; huấn luyện theo tình huống, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với đối tượng, môi trường tác chiến, đặc điểm địa bàn và biên chế vũ khí, trang bị. Thực hiện tốt cơ chế “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo” trong quản lý, điều hành huấn luyện; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, hội thi, hội thao, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện đúng thực chất, lấy chất lượng hiệu quả là chính.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thao trường, bãi tập, các trang thiết bị, phương tiện bảo đảm huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị mô phỏng vào huấn luyện, diễn tập; xây dựng Trường Quân sự Quân khu theo mô hình “Nhà trường thông minh tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Kết hợp chặt chẽ giữa duy trì nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu với chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập nhiều đề mục ở các quy mô, hình thức cho cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; yêu cầu bảo đảm an toàn, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, tài chính; tổ chức tốt công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần làm theo Bác Hồ dạy”. Tập trung hoàn thành quy hoạch, từng bước đầu tư xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật cấp tỉnh, huyện; củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ các cấp. Tổ chức khai thác, tiếp nhận đúng, đủ, kịp thời tiêu chuẩn vật chất hậu cần cho các đối tượng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 915-NQ/ĐU của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 569-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân khu giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Tập trung bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật đủ số lượng, chất lượng tốt, đồng bộ, kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu công tác kỹ thuật theo các đề án của Bộ Quốc phòng phê duyệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, đưa Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đi vào chiều sâu vững chắc; tiếp tục quan tâm xây dựng cơ quan, cơ sở kỹ thuật vững mạnh và đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Toàn Quân khu tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu về công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật; đổi mới nội dung, phương thức bảo đảm theo hướng trực tiếp, chặt chẽ, nhanh, gọn, đúng thủ tục nguyên tắc, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, đầy đủ, kịp thời cho các lực lượng trong các nhiệm vụ; ưu tiên bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, biển, đảo, huấn luyện, diễn tập, phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, nhà trường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích các nguồn tài chính, vật chất hậu cần, vật tư kỹ thuật được trang bị.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT Quân khu 4 luôn là lực lượng đi đầu trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế, giúp bạn Lào giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời không ngừng xây dựng LLVT Quân khu 4 theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; làm nòng cốt xây dựng, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với những thành tích đạt được trong 77 năm qua, LLVT Quân khu 4 vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập; gần 15.000 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng NGUYỄN DOÃN ANH, 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội