Chiếc bồ tải gạo lên Điện Biên
Chúng tôi có dịp đến thăm Bảo tàng Quân khu 4 đúng dịp quân và dân cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trong số những kỷ vật Điện Biên, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hiện vật “Chiếc bồ tải gạo” của dân quân hỏa tuyến Nguyễn Đình. Qua những tài liệu còn lưu giữ tại đây, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trà My, Nhân viên Sưu tầm – Kiểm kê đã tái hiện câu chuyện về người chiến sĩ áo nâu cùng chiếc bồ tải gạo lên Điện Biên năm ấy.

“Chiếc bồ”, người Quỳnh Lưu, Nghệ An còn gọi là giai, được làm bằng lớp vỏ cứng ngoài cùng của thân cây giang, vành được thắt bằng mây, cao khoảng 70cm, miệng rộng 35cm, có móc quai... Chiếc bồ là vật dụng rất phổ biến trong mỗi gia đình ở miền Trung thế kỷ 20.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết định; đồng thời, nhu cầu đạn dược, thực phẩm cũng tăng cao. Là hậu phương chính được giao chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân Nghệ An sôi nổi, hăng hái thi đua với tinh thần “Tất cả để chiến thắng”, mọi ngành, mọi người dồn sức cho Điện Biên Phủ. Hàng ngàn tấn muối, gạo đã được quyên góp và vận chuyển trên khắp mọi nẻo đường hướng ra chiến trường. Ông Nguyễn Đình cùng 20 người dân trong xã Quỳnh Hoa xung phong tham gia vào đoàn dân công huyện Quỳnh Lưu thồ muối và gạo tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đội dân công hỏa tuyến huyện Quỳnh Lưu nhận nhiệm vụ đưa lương thực gồm gạo và muối vượt chặng đường dài từ Quỳnh Lưu lên miền tây Thanh Hoá rồi tiếp tục hàng trăm cây số đường rừng lên Điện Biên. Hành trang của những người dân công lúc này là chiếc đòn gánh, đôi bồ, một chai thủy tinh cùng ít dầu hỏa làm đèn, ít tép khô, muối vừng... Ngày nghỉ bìa rừng, tránh máy bay địch, đêm đi. Mỗi người kĩu kịt vài chục cân gạo chuyển từng chặng ra mặt trận. Đoàn dân công sẽ tự túc một phần lương thực hoặc được bà con nhân dân trên đường ra Điện Biên tiếp tế hàng ngày. Đoàn gánh bộ đến khu vực rừng núi giáp nước bạn Lào, địa hình rừng núi dốc cao, đèo sâu đoàn buộc phải thay đổi cách thức vận chuyển bằng cách gùi hàng trên lưng. Những chiếc bồ lúc này được móc thêm quai đeo, gùi trên lưng để vận chuyển gạo, muối được đựng trong chiếc bi đông bằng ống tre mang bên thắt lưng người dân công.
Cứ như vậy, đoạn gánh, đoạn gùi, đoàn dân công vận chuyển gạo, muối từ Quỳnh Lưu, Nghệ An cần mẫn vượt núi, băng đèo hướng về Điện Biên Phủ. Hơn một tháng trời gánh gạo đi bộ liên tục tính đến hàng trăm km, ai cũng bị chai cả vai, nhưng tinh thần tất cả cho bộ đội tiền tuyến ăn no, đánh thắng giặc thù nên Nguyễn Đình và đoàn dân công không từ gian nan cất bước trong những ngày nắng như nung, mồ hôi nhỏ đẫm mắt, hay mưa rừng bất ngờ đổ đến sầm sập phải cố gánh chạy thật nhanh tìm chỗ trú cho gạo khỏi ướt. Cùng với sự góp sức của đồng chí Nguyễn Đình và lực lượng dân công hỏa tuyến xã Quỳnh Hoa, Nhân dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu cũng đã đóng góp hơn 600kg gạo, 100kg muối cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tỉnh Nghệ An đã huy động cho Kho Dự trữ quốc gia 4.631 tấn thóc, trong đó một nửa sản lượng là do nhân dân hai huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu đóng góp...
Cũng trong thời gian này, người em trai của đồng chí Nguyễn Đình là Nguyễn Diên cũng lên đường nhập ngũ, là chiến sĩ Đại đoàn 308 tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Hoàn thành nhiệm vụ tải lương, Nguyễn Đình tiếp tục ở lại Điện Biên phục vụ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 1998 Đảng, Nhà nước truy tặng Nguyễn Đình huy chương Kháng chiến hạng Nhất và chứng nhận tham gia Dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp.
Tiếp bước cha, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước người con trai thứ hai của ông là Nguyễn Cơ Sở nhập ngũ và trở thành chiến sỹ lái xe thuộc Đoàn 559, vận chuyển lương thực, khí tài ra chiến trường. Đất nước thống nhất, chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại được điều động chở pháo ra tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Nguyễn Cơ Sở phục viên về công tác tại địa phương, dù mang trong mình thương tật nhưng với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phê” ông cùng gia đình vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và tích cực tham gia tốt công tác xã hội.
Trước khi mất, ông Nguyễn Đình căn dặn con cháu luôn gìn giữ chiếc bồ tải gạo, kỷ vật được ông đưa về từ chiến trường Điện Biên năm nào. Từ đó, suốt hơn 50 năm (1966 - 2017) ông Nguyễn Cơ Sở cùng gia đình luôn gìn giữ, bảo quản hiện vật của người cha để lại. Năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, ông quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 chiếc bồ dân công tải gao để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hiện nay chiếc bồ dân công tải gạo được trưng bày trang trọng bên cạnh những kỷ vật như: Chiếc xe đạp thồ, chiếc áo trấn thủ, bi đông ống tre... tại Bảo tàng Quân khu 4, là minh chứng sinh động cho sự sáng tạo, tinh thần, ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành và bảo vệ độc lập tự do.
Bài, ảnh: CẢNH VINH - TRÀ MY
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận