A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu

“Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Lời cảm ơn đồng bào công giáo”, Người viết ngày 14 tháng 10 năm 1945, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 70, ngày 18 tháng 10 năm 1945.

Trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, tư tưởng đoàn kết tôn giáo là bộ phận không thể tách rời. Đoàn kết tôn giáo cũng chính là đoàn kết dân tộc. Người đã tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo, lấy đó làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện đoàn kết tôn giáo qua lý giải: Các tôn giáo chân chính đều có hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được tự do, sung sướng, hạnh phúc: Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha, Đức Giêsu hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc, Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng; tín đồ tôn giáo nhìn chung đều là những người lao động bị chế độ cũ áp bức, bóc lột, họ có quyền mưu cầu hạnh phúc, họ là những người yêu nước và cũng là lực lượng không thể thiếu của cách mạng, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân với tư cách là chủ thể của cách mạng.

Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo phù hợp tình hình thực tiễn. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân dân; đồng thời xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”. Điều này được hiến định tại Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và tại Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Sự thật hiển nhiên là thế, nhưng các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, kích động,… hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể khẳng định, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Tự nó bác bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy năm xưa, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình địa bàn đóng quân để xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, tích cực tổ chức thực hiện công tác tôn giáo, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng đồng bào có đạo trên địa bàn cả nước một cách cụ thể, thiết thực. Trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, cấp uỷ, chỉ huy luôn quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng đội giữa cán bộ, chiến sĩ theo tôn giáo và không theo tôn giáo đều chung sức, đồng lòng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

BÁO QUÂN KHU 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội