Những năm tháng không thể nào quên
Chúng tôi có chuyến công tác tại Hà Nội, ghi hình xây dựng phóng sự Đoàn văn công Quân Giải phóng Trị Thiên nhân dịp Đoàn chuẩn bị đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong căn nhà nhỏ của Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương nằm sâu trong con hẻm nhỏ của đường La Thành, quận Giảng Võ, thành phố Hà Nội, các cựu chiến binh - những nghệ sĩ, diễn viên văn công năm xưa gặp nhau tay bắt, mặt mừng. Những cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi trên tuyến lửa Trị Thiên ngày nào giờ tuổi đã cao, sức yếu, song ký ức ngày nào về những năm tháng bám sát chiến trường, bám sát bộ đội, đồng bào để phục vụ trong mọi hoàn cảnh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ.
Tay run run dâng nén hương lên ban thờ cố Nhạc sĩ Thuận Yến (chồng Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương), thay mặt anh, chị, em trong đoàn, cựu chiến binh Tôn Thất Chương xúc động báo cáo tin vui: Đoàn vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi thắp hương cho người đồng đội cũ, ký ức năm xưa trên chiến trường Trị Thiên qua lời kể của các cựu chiến binh (CCB) cứ đọng lại mãi trong chúng tôi. Giữa năm 1964, Bộ Chỉ huy Phân khu Bắc Quân khu V (Phân khu Trị Thiên) đề nghị Tổng cục Chính trị tăng cường một đoàn văn công tinh gọn, phục vụ lâu dài ở chiến trường. Theo đó, Tổng cục Chính trị đã quyết định thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên. 16 thành viên đầu tiên của đoàn (gồm 10 nam, 6 nữ) gồm những cán bộ, diễn viên, trẻ có tài năng từ Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Nhạc viện Hà Nội, Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Đoàn Văn công Quân Khu 4… được điều về đây. Đồng chí Nguyễn Thế Linh được giao trọng trách làm Trưởng đoàn, đồng chí Thanh Huyền là Chính trị viên.
"Lúc đầu Đoàn chỉ có 8 diễn viên nam và 2 anh nuôi. Vì chiến trường rất ác liệt nên không ai muốn đưa diễn viên nữ vào, nhưng văn công mà không có nữ thì không ai xem. Vì vậy, Nhạc sĩ Thuận Yến đã viết thư xin Bác Hồ và Bác Giáp bổ sung thêm 6 diễn viên nữ, như vậy Đoàn có 16 người" - Nghệ sĩ Thanh Hương cho biết.
Sau gần 4 tháng rèn luyện sức khỏe, tập làm "Bộ đội Cụ Hồ"; chuẩn bị phương tiện, vật chất, kỹ thuật, chương trình, tiết mục biểu diễn…, ngày 23/12/1964 đoàn bí mật hành quân vào Nam.
Với diễn viên kịch Kim Anh, ký ức về buổi biểu diễn đầu tiên của Đoàn ở chiến khu Ba Lòng chẳng thể nào quên: "Sau khi vượt đầu nguồn sông Bến Hải, qua Đường 9, đoàn đến vùng giải phóng đúng vào dịp Tết năm 1965; tại đây, chúng tôi đã có buổi biểu diễn đầu tiên phục vụ các chiến sĩ của Tiểu đoàn Quân giải phóng Ba Lòng, bộ đội rất phấn khởi. Sau những chặng đường dài hành quân, được biểu diễn phục vụ bộ đội bao mệt mỏi như tan biến hết".
Vào chiến trường, nơi “rừng thiêng, nước độc”, thường xuyên bị côn trùng, vắt cắn; những cuộc hành quân xuyên đêm; nỗi ám ảnh sau những trận sốt rét và có cả nỗi sợ hãi khi hằng ngày phải chứng kiến mong manh giữa sự sống và cái chết là những điều quá sức tưởng tượng với những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Ca sĩ Kim Anh cho biết thêm: "Có lúc máy bay địch rải chất độc da cam trúng đội hình, chị em đầu, tóc, quần áo rịn thứ chất độc quái ác. Hay có lần B52 ném bom, cả Đoàn được lệnh xuống hầm trú ẩn; bom nổ kinh hoàng, hầm rung lên bần bật; khi không còn nghe tiếng oanh tạc của máy bay, lên kiểm tra phát hiện xung quanh chi chít hố bom, có mảnh xuyên qua nóc hầm, lúc đó 6 chị em ôm nhau khóc nức nở".
Còn CCB Bùi Anh Trí, diễn viên kịch chia sẻ: Trên chiến trường Trị Thiên, anh chị em chúng tôi vừa là diễn viên, vừa sưu tầm, cải biên, sáng tác, dàn dựng, vừa thiết kế trang phục, đạo cụ..., cho dù gian khổ, ác liệt ác liệt đến mấy, chúng tôi cũng đến tận nơi, bám sát trận địa biểu diễn phục vụ bộ đội và Nhân dân. Xúc động nhất là những lần biểu diễn cho các đồng chí thương binh nặng. Chị em vừa diễn vừa khóc, có lúc kết thúc phần biểu diễn, thì đồng chí thương binh cũng trút hơi thở cuối cùng. Rồi ngày hôm trước biểu diễn cho 1 đại đội, ngày hôm sau nghe tin cả đại đội bị vùi lấp trong 1 trận pháo kích của địch, nhiều người hy sinh…
Với ca sĩ Bích Lộc, ký ức ngày nào vẫn còn vẹn nguyên: "Có lần phục vụ bộ đội tại Hải Lăng (Quảng Trị) khi hai bên tạm đình chiến, bên kia là đồn địch lăm le súng ống, bên này văn công vẫn thản nhiên biểu diễn bộ đội xem. Quân ngụy thấy chúng tôi diễn hay quá chăm chú xem mà không hề bắn một viên đạn. Rồi nhớ có lần đói quá, chị em vào rừng thấy rất nhiều nấm và hái về ăn. Ăn xong bị ngộ độc say mê say mệt, say phải đưa đi cấp cứu".
Năm nay xấp xỉ 70 tuổi, diễn viên ca kịch Bích Thủy nhớ mãi những ngày trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn. Bộ đội ta nhiều đồng chí sức khỏe yếu sau nhiều năm, tháng bị bắt làm tù binh, được anh em đón, nhiều người phần vì vui mừng, phần vì kiệt sức ngã quỵ trong vòng tay đồng đội. Chị em thương quá, dù thân hình mảnh khảnh vẫn kề vai xốc bộ đội bước đi.
Kể từ khi có mặt biểu diễn ở chiến trường Trị Thiên, đến khi sáp nhập vào Đoàn Văn công Quân khu 4 tháng 7 năm 1976, quãng thời gian 11 năm ấy, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên đã ghi dấu ấn trong trang sử vàng truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc với nhiều cống hiến vẻ vang. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cán bộ, diễn viên của Đoàn dũng cảm mang lời ca, tiếng hát, hòa cùng tiếng súng của quân và dân ta trút lửa lên đầu kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (năm 1971); Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975...
CCB Tôn Thất Chương nguyên là diễn viên Đội kịch dân ca có hơn 3 năm phục vụ tại chiến trường Trị Thiên, trò chuyện với ông, chúng tôi bày tỏ lòng khâm phục tinh thần, ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, diễn viên đoàn. Từ năm 1973 đến năm 1975, đoàn đóng quân tại Gio Linh (Quảng Trị). Tại đây, đoàn tiếp tục phục vụ các đơn vị bộ đội và Nhân dân vùng mới giải phóng, đồng thời tuyển thêm quân, xây dựng chương trình biểu diễn chuẩn bị tham gia Chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. "Khó khăn nhất đối với đoàn lúc bấy giờ là thiếu ăn vì chiến trường ác liệt, bảo đảm hậu cần cho bộ đội cũng gặp nhiều khó khăn. Việc di chuyển con người, vật chất, nhạc cụ… trong điều kiện sông rộng, núi cao, vực sâu hiểm trở không phải là điều dễ dàng, nhất là vào mùa mưa. Cường độ biểu diễn phục vụ bộ đội cao, đoàn phải vừa hành quân, vừa luyện tập, vừa biểu diễn trong điều kiện bom, đạn địch đánh phá ác liệt; song anh chị em luôn đoàn kết, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn, gian khổ, động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Có một điều có thể khẳng định rằng, càng trong khó khăn, gian khổ, cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên càng cất cao lời ca tiếng hát và tham gia tải thương, tải lương, tải đạn, tăng gia sản xuất, tìm kiếm rau rừng... tự túc lương thực, thực phẩm... Ý chí, tinh thần “Dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền” đã giúp nhữn người Nghệ sĩ - Chiến sĩ chiến thắng sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc, nỗi ám ảnh về bệnh tật sau những trận sốt rét, những cơn đói thường trực, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lấy lời ca, tiếng hát làm vũ khí, đồng sức, đồng lòng cùng với bộ đội và Nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.
Nghiên cứu lịch sử Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên, chúng tôi thấy rằng, những sáng tác của các nhạc sĩ Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên đều được viết ra từ trong đạn lửa, từ cả máu thịt của sự hy sinh, đã trở thành những tác phấm bất hủ, bài ca đi cùng năm tháng. Tiêu biểu như bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Người về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến; “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” của nhạc sĩ Phương Nam; tiết mục hát chèo “Lá thư Mỹ Thủy”; Bài thơ “Đêm Quảng Trị” của Phạm Ngọc Cảnh, “Người cầm súng”, “Đường hành quân” của Thanh Huyền; vở kịch “Mùa Xuân” của Nguyễn Vũ và hàng trăm tác phẩm đặc sắc khác... Tất cả đã kết nên sức mạnh tinh thần bằng tiếng ca, điệu nhạc, lời thơ..., cổ vũ, động viên chiến sĩ. đồng bào trên chiến trường Trị Thiên giết giặc lập công.
"Tôi viết bài thơ trước giờ nổ súng
Nghe giọt sương rơi trên cành lá rụng
Nơi chiến hào quê mẹ, quê cha
Máu của người thân đỏ đất phù sa
… Tôi viết bài thơ trước giờ nổ súng
Trăng trên đầu đã xuất kích trước trời trong
Súng cắm lê rồi tôi chờ lệnh xung phong".
Đàn và ngâm cho chúng tôi nghe một đoạn thơ, nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương cho biết: "Đó là một đoạn thơ trong bài thơ "Người cầm súng" của Thanh Huyền (bút danh Thanh Truồi). Đây là một trong rất nhiều tác phẩm hay được tôi và anh chị em ngâm và diễn không biết bao nhiêu lần trên chiến trường phục vụ bộ đội và Nhân dân".
Trò chuyện với CCB Đỗ Hoài Năng, đồng chí chia sẻ: Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên quy tụ nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng đến từ 17 tỉnh thành, 13 đoàn nghệ thuật trên cả nước; hội tụ hầu như đầy đủ các thể loại nhạc cụ từ dân tộc đến hiện đại, với các loại hình biểu diễn như dân ca, ca, múa, kịch, ngâm thơ, tấu hài... làm nên sự phong phú đa dạng và tạo ra sức hấp dẫn, mới mẻ liên tục cho các tiết mục biểu diễn.
Đi cùng năm tháng, tên tuổi cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn luôn in đậm, tỏa sáng trong lòng chiến sĩ, đồng bào và nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Đó là Đoàn trưởng Nguyễn Thế Linh (người gắn bó với Đoàn từ khi thành lập cho đến ngày sáp nhập vào Đoàn Văn công Quân khu 4), nhạc sĩ Thuận Yến, Phương Nam; nhà thơ, nhà viết kịch Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Hải, Văn Thuần, Thanh Huyền; ca sĩ Thu Sen, Thu Hồng, Thu Lưỡng, Kim Anh, Bích Lộc, Thanh Lự, Khánh Thiệm, Phương Hoa; biên đạo, diễn viên múa Đình Đạt, Nguyễn Hân, Thu Hiền, Mạc Hạnh, Phương Nhi, Trần Bính… Tất cả đã làm nên một đoàn văn công hùng hậu, đem đến cho chiến sĩ và những đồng bào những buổi biểu diễn, những tiết mục đặc sắc không thế nào quên...
11 năm phục vụ chiến sĩ, đồng bào trên chiến trường Trị Thiên ác liệt, hơn 130 lượt chiến sĩ văn công của Đoàn đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trên khắp chiến trường Trị Thiên; có 2 đồng chí đã hy sinh vì bom đạn của giặc Mỹ, vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Trị Thiên, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; nhiều đồng chí ốm đau, bệnh tật, do ảnh hưởng của thời gian ở chiến trường ác liệt, thiếu thốn gian khổ, nhiễm chất độc da cam nên đã qua đời khi tuổi còn rất trẻ… Tất cả đã xây nên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên huyền thoại với những thành tích vẻ vang được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen của Quân khu, chiến dịch, trận đánh. 23 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, Ba; nhiều đồng chí được tặng Bằng khen, danh hiệu Dũng sĩ. Hầu hết cán bộ diễn viên của Đoàn được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba. Đặc biệt, ngày 29/4/2021, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân".
Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Nhà báo, cán bộ Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên nhấn mạnh: "Trong những năm tháng phục vụ bộ đội, đồng bào, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên luôn bám sát chiến trường, bám sát bộ đội, đồng bào để phục vụ trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi to lớn của quân, dân Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với nhiều đóng góp to lớn, đoàn rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân".
Bài, ảnh: HOÀNG THÁI
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận