A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến công vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972

Nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ quyết định tiến hành cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (từ ngày 6/4 đến 29/12/1972).

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã tiến hành chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  

Chiến dịch Linebacker I - Chỉ dấu về thất bại không thể tránh khỏi của Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai 

Mặc dù đã chấp nhận xuống thang chiến tranh ở miền Bắc, nhưng trong suốt thời gian từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1971, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng hàng nghìn lượt chiếc máy bay các loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52 và các loại vũ khí tối tân nhất để tiến hành đánh phá các mục tiêu quan trọng ở miền Bắc, gây cho quân và dân ta nhiều khó khăn. 

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra, từ ngày 30/3/1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam với hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên nhằm tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với quy mô lớn, cường độ mạnh khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn bất ngờ, sụp đổ từng mảng lớn liên hoàn. 

Trước tình thế nguy ngập, chính quyền Tổng thống Richard Nixon huy động lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ chi viện hỏa lực tối đa, giúp chính quyền và quân đội Sài Gòn ngăn chặn cuộc tiến công của đối phương tại miền Nam, nhờ đó mà tránh khỏi sự sụp đổ và tan rã. Mặt khác, để cứu nguy cho thất bại ở chiến trường miền Nam, đồng thời muốn tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, từ ngày 6/4/1972, chính quyền Tổng thống Richard Nixon mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ra miền Bắc Việt Nam, khởi đầu bằng Chiến dịch Linebacker I.

Triển khai Chiến dịch Linebacker I, Mỹ sử dụng không quân, hải quân đánh phá ồ ạt các mục tiêu quân sự, kinh tế, hệ thống giao thông, đê điều và khu dân cư từ Vĩnh Linh đến Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn..., đồng thời thả hàng nghìn quả thuỷ lôi, mìn từ trường phong toả các cảng biển, cửa sông và vùng biển gần bờ ở vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, từ ngày 10 đến 16/4/1972, Mỹ dùng máy bay B-52 đánh phá khu vực Bến Thủy, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Phòng. Từ tháng 5 đến tháng 10-1972, Mỹ thả thủy lôi và mìn từ trường xuống tất cả các cửa sông, cảng biển và nhiều vùng ven biển từ Móng Cái đến Vĩnh Linh. 

Trong gần 7 tháng, không quân Mỹ sử dụng 40.500 lần chiếc máy bay, trong đó có 3.000 lần chiếc B-52 với cường độ xuất kích 250-350 lần chiếc (có từ 18 đến 27 lần chiếc B-52 ngày), ném 137.000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự và dân sự, tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các thành phố, khu công nghiệp.

Chiến công vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972
 Bộ đội tên lửa chuẩn bị chiến đấu năm 1972.

 

Trước hành động leo thang đánh phá và phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân ta đã động viên toàn lực, kiên quyết đánh trả các cuộc bắn phá của không quân và hải quân địch, giữ vững giao thông vận tải, duy trì sản xuất, tiếp tục chi viện lực lượng và vật chất, kỹ thuật cho tiền tuyến.

Các lực lượng phòng không vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, phát triển sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, kết hợp tinh thần dũng cảm với mưu trí, chiến thuật với kỹ thuật, tập trung trí tuệ nghiên cứu khắc phục những khó khăn do địch gây ra. Các lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, kịp thời thay đổi cách bố trí, tiến hành các đợt tác chiến tập trung bảo vệ từng khu vực, mục tiêu, từng đợt vận chuyển trên tuyến giao thông chiến lược. 

Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, quân và dân miền Bắc đã phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 125 tàu chiến; phá gỡ hàng trăm thủy lôi, bom từ trường; duy trì việc tiếp nhận viện trợ quốc tế, đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho miền Nam.  

Đi ngược lại những toan tính của Mỹ, thất bại của quân đội Sài Gòn trên chiến trường cũng như kết quả hạn chế trong việc đánh phá ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam bằng Chiến dịch Linebacker I đã làm cho mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của Mỹ không thực hiện được. Vì vậy, ngày 22-10-1972, Tổng thống Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm xoa dịu dư luận và phục vụ cho việc tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai ở Mỹ. Đồng thời tại bàn đàm phán Hội nghị Pari, phía Mỹ cũng nhất trí với dự thảo văn bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. 

Đánh bại Chiến dịch Linebacker II - bước leo thang quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ, ghi dấu bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”   

Sau khi trúng cử Tổng thống, Richard Nixon cố tình kéo dài đàm phán để chuẩn bị cho hành động phiêu lưu quân sự mới nhằm giành thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, buộc ta chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mỹ. Ngày 14-12, Tổng thống Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, mang mật danh Chiến dịch Linebacker II, đồng thời tiếp tục ra lệnh thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. 

Thực hiện kế hoạch trên, Mỹ huy động hầu hết máy bay thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược 8, gồm các liên đội 43 và 76 ở Guam, Liên đội 307 ở Utapao, Thái Lan, với tổng số 193 chiếc B-52; 2 đại đội máy bay F-111A gồm 48 chiếc, 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở Biển Đông.

Ngoài ra, còn một số máy bay tiếp dầu KC-135 và các máy bay bảo đảm khác. Về lực lượng hải quân, Mỹ tăng cường tàu chiến hoạt động ở vịnh Bắc Bộ từ 18 lên 66 chiếc. Toàn bộ lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy tập đoàn quân không quân chiến lược lâm thời 57, Sở chỉ huy ở căn cứ Guam. 

Chiến công vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một dấu ấn chói lọi, một kỳ tích của thế kỷ XX.

 

Sớm đoán định được âm mưu của Mỹ sẽ leo thang đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng chúng sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng chủ yếu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52. 

Ngày 24/11/1972, kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn, trong đó xác định: Tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, với đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ.  

Tiến hành Chiến dịch Linebacker II, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29/12/1972), Mỹ đã huy động một lực lượng không quân chiến lược khổng lồ, mở cuộc tập kích quy mô lớn xuống Hà Nội, Hải Phòng, phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất kỹ thuật của ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và cơ quan tham mưu các cấp, quân và dân miền Bắc đã chuẩn bị tốt về lực lượng, thế trận, ý chí và tinh thần; không để bị động, bất ngờ trước quy mô và thủ đoạn đánh phá của địch. 

Trong suốt chiến dịch, ta đã phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không, không quân rộng khắp và quy tụ thành sức mạnh tổng hợp để vừa tập trung hiệp đồng đánh tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, đánh tại chỗ, đánh rộng khắp trên các địa bàn.

Lực lượng phòng không các địa phương, dân quân, tự vệ đã nêu cao ý chí quyết tâm, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chủ lực, góp phần tạo lập thế trận nhiều tầng, nhiều nấc, liên hoàn, hiểm hóc; đánh địch trong mọi tình huống, mọi độ cao, mọi thời điểm, mọi khu vực; đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh được lưới lửa phòng không, bảo đảm chiến đấu thắng lợi của toàn bộ chiến dịch.

Trải qua 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã lập nên chiến công oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F.111, 21 máy bay F.4D, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F.105, 4 máy bay AD-6 và bắt nhiều phi công Mỹ.

Chiến thắng “ Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu thất bại Chiến dịch Linebacker II như Giáo sư người Mỹ Guenter Lewy đã khẳng định: “Chiến dịch Linebacker II không thể vắt ra được những nhượng bộ quyết định nào của miền Bắc Việt Nam”.

Với thực tế đó, thắng lợi này góp phần quan trọng buộc Mỹ phải trở lại đàm phán, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất lãnh thổ của Việt Nam; làm phá sản toàn bộ các mục tiêu chiến lược của Mỹ, đánh sập “thần tượng không lực Hoa Kỳ” và âm mưu đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, đẩy Mỹ vào thất bại chiến lược toàn diện về quân sự và chính trị, tạo bước ngoặt lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào mùa Xuân 1975.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội