Chiến dịch Tây Bắc - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sau chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch và giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đưa cuộc kháng chiến tiếp tục tiến lên, trong đó có Chiến dịch Tây Bắc 1952.
Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh
Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng trong đó có 4 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc, tiếp giáp biên giới với vùng Thượng Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa, kinh tế chậm phát triển, cơ sở chính trị và chính quyền cách mạng nơi đây còn non yếu, tháng 8/1945, thực dân Pháp đưa quân từ Trung Quốc xuống thiết lập các căn cứ chiếm đóng, đồng thời dựa vào quân Tưởng và các thế lực phản động địa phương thực hiện âm mưu xây dựng “Xứ Thái tự trị”. Sau khi chiếm Tây Bắc, quân Pháp tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO), gồm 4 phân khu (Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu) và 3 tiểu khu độc lập (Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên). Năm 1952, quân Pháp ở Tây Bắc được tăng cường lực lượng và mở rộng phạm vi chiếm đóng nhằm tạo bàn đạp khống chế, uy hiếp và cắt đứt liên lạc của ta giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu 3, đồng thời che chở cho vùng Thượng Lào.
Lực lượng địch ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 41 đại đội đóng phân tán trên 144 cứ điểm, trong đó chỉ có 40 cứ điểm có từ một 1 đến 2 đại đội, công sự phần lớn chưa kiên cố, với phạm vi chiếm đóng khá rộng. So với đồng bằng Bắc Bộ, đây là nơi địch yếu hơn, lực lượng lính Âu - Phi không nhiều, địa hình rừng núi khiến hoạt động của máy bay và pháo binh bị hạn chế, việc tiếp tế bằng đường không cũng không dễ dàng do thiếu sân bay lớn, sương mù nhiều, bên cạnh đó, việc tiếp tế bằng đường bộ cũng khó khăn gấp bội.
Nhận thấy chiến trường rừng núi là địa bàn có lợi cho hướng tiến công chiến lược, với phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh”, tháng 9/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Tây Bắc, bởi đây là “chiến trường rừng núi duy nhất còn lại ở Bắc Bộ, có nhiều điều kiện thuận lợi cho ta”[1], cũng là nơi “địch yếu hơn hết ở Bắc Bộ, thành phần ngụy binh nhiều, bố trí tương đối phân tán, địa hình có phần thuận lợi cho ta”[2]. Mục đích của chiến dịch là: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược”[3].
Ngày 9-9-1952, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm các Đại đoàn chủ lực 308, 312, 316 (thiếu), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội sơn pháo 75mm, 3 đại đội súng cối 120mm, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương cùng lực lượng dân quân, du kích.
Tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, tạo thế chiến lược mới
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, với chủ trương đúng đắn, hình thành phương án chặt chẽ về hướng, mục tiêu tiến công chủ yếu, trận đánh then chốt; chuẩn bị về lực lượng, trang bị vũ khí, đảm bảo hậu cần chu đáo, ngày 14-10-1952, bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch Tây Bắc. Chiến dịch diễn ra qua 3 đợt:
Đợt 1 (từ ngày 14 đến 23/10/1952), trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tiến công Ca Vịnh, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiến công Sài Lương. Trước áp lực tiến công của ta, địch ở các vị trí Thượng Bằng La, Ba Khe và nhiều vị trí khác bỏ đồn rút chạy. Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tiến công Pú Chạng; Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 tiến công Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 bao vây và diệt đồn Cửa Nhì. Kết quả đợt 1, ta đập vỡ khu vực phòng ngự Nghĩa Lộ, Phù Yên, giải phóng vùng tả ngạn sông Đà.
Đợt 2 (từ ngày 7 đến ngày 22/11/1952). Để đối phó với cuộc tiến công của ta, địch tăng cường lực lượng cho Tây Bắc thêm 8 tiểu đoàn, cùng với lực lượng địch còn lại lên tổng số là 16 tiểu đoàn; đồng thời, mở cuộc hành binh Lorraine đánh vào Phú Thọ nhằm phá hậu phương kháng chiến và thu hút chủ lực ta về hướng này. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định điều chỉnh lực lượng; một mặt đưa Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 về Phú Thọ phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương ngăn chặn cuộc hành binh Lorraine; mặt khác, tổ chức thêm hướng vu hồi, sử dụng Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đánh vào Đông Nam Lai Châu, làm cho địch lầm tưởng đó là hướng tiến công chủ yếu, vội tăng cường lực lượng cho Lai Châu và Nà Sản. Trung đoàn 174 và Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiến công cứ điểm Mộc Châu. Kết quả đợt 2, ta giải phóng Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản.
Đợt 3 (từ ngày 30-11 đến 10/12/1952), địch dồn lực lượng về Nà Sản, xây dựng một tập đoàn cứ điểm với 17 cứ điểm, tổng số binh lực lên tới 10.000 quân, hình thành 2 vành đai phòng ngự, có sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo binh, hệ thống hầm ngầm, lô cốt được nối bởi hào giao thông, bao quanh là hàng rào thép gai. Ta tập trung lực lượng lên tới 12 tiểu đoàn của 3 đại đoàn chủ lực tổ chức liên tiếp các cuộc tiến công vào các vị trí như Pú Hồng, Bản Vây, Bản Hời, Nà Si... trong nhiều ngày nhưng không thành công. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy, ta tiếp tục tiến công Nà Sản không có lợi, nên đã quyết định kết thúc Chiến dịch Tây Bắc ngày 10/12/1952.
Trải qua gần 2 tháng với 3 đợt tác chiến dài ngày, ác liệt, trên một địa bàn rộng lớn, hiểm trở, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn. Mặc dù chưa thực hiện được mục tiêu tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Nà Sản và giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc, nhưng về cơ bản chiến dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cả hai mặt trận Tây Bắc và trung du, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 quân địch, giải phóng một vùng rộng lớn trên địa bàn chiến lược quan trọng với khoảng 30.000km2 và 250.000 dân[4], góp phần bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp.
Chiến thắng Tây Bắc khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến tranh; đồng thời đánh dấu sự phát triển vượt bậc của bộ đội ta so với các chiến dịch trước đó. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã xác định chính xác hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng trên các hướng, tạo thành sức mạnh đánh địch cả phía trước, phía sau, sử dụng nhiều cách đánh hiểm (vu hồi, luôn sâu, chia cắt, nghi binh). Đặc biệt, bộ đội ta đã thực hiện tốt phương châm “đánh điểm diệt viện” trên chiến trường rừng núi. Tuy nhiên, ta vẫn còn một số hạn chế trong chỉ huy tác chiến, nắm địch… Thành công và cả những hạn chế của chiến dịch là những bài học kinh nghiệm quý báu và kịp thời giúp cho công tác tổ chức chỉ đạo và thực hành chiến dịch của quân đội ta trong các chiến dịch tiếp sau.
Chiến thắng Tây Bắc đã giáng cho thực dân Pháp một đòn nặng nề về quân sự, góp phần đưa cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển lên một bước mới mang tính quyết định.
Trung tá, ThS PHAN ÁNH TUYẾT (Viện Lịch sử Quân sự)
Nguồn: Báo QĐND
[1] Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập IV, Bộ Tổng Tham mưu, năm 1963, tr. 235.
[2] Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập IV, Bộ Tổng Tham mưu, năm 1963, tr. 273.
[3] Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập IV, Bộ Tổng Tham mưu, năm 1963, tr. 273.
[4] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2015, tr.276.
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận