Thành lập bộ đội địa phương - Hoàn chỉnh cơ cấu lực lượng vũ trang 3 thứ quân
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 7/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương.
Sắc lệnh quy định rõ: “Quân đội quốc gia Việt Nam có hai phần: Quân đội chính quy và quân địa phương. Bộ đội địa phương có ba đặc điểm chính là: Có tính cách địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, tự trang bị và tự túc về cấp dưỡng”.
Ngày 18/8/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân.
Chỉ thị nêu rõ: “Bộ đội địa phương và dân quân trong quá trình tiến triển của chiến tranh, là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực... Nhờ sự phát triển của những lực lượng ấy, tài sản của nhân dân, chính quyền nhân dân, các đoàn thể Nhân dân và các cơ sở Đảng được bảo vệ, chính quyền bù nhìn của giặc, kinh tế của chúng, ngụy binh và âm mưu chiếm đóng của quân địch bị phá hoại”.
Chỉ thị nhấn mạnh: “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân là một công tác then chốt để đẩy mạnh chiến tranh tiến tới”. Các đảng đoàn chính quyền các cấp phải động viên nhân dân nuôi dưỡng bộ đội địa phương, gia nhập các bộ đội ấy, đồng thời, đưa cán bộ có năng lực vào phụ trách các tỉnh, huyện đội và bộ đội địa phương.
Để tập trung lực lượng xây dựng bộ đội địa phương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam quyết định hợp nhất các đơn vị cảnh vệ tỉnh, huyện với các đội du kích, tập trung thành các đơn vị bộ đội địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng bộ đội địa phương được xây dựng và phát triển nhanh chóng, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào chiến tranh du kích của các địa phương.
Đến cuối năm 1949, chỉ tính từ Liên khu 4 trở ra, bộ đội địa phương đã có 20.000 người, một phần ba số huyện có đại đội, ở cấp tỉnh có tiểu đoàn.
Sang năm 1950, bộ đội địa phương phát triển lên 45.000 người, mỗi huyện có 1 đại đội, mỗi tỉnh có 1 tiểu đoàn, một số tỉnh xây dựng 2 tiểu đoàn.
Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, việc xây dựng bộ đội địa phương có chậm hơn. Đến đầu năm 1950, mỗi tỉnh tổ chức 1 đến 2 đại đội, mỗi huyện tổ chức 1 đến 2 trung đội.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị bộ đội địa phương đều đặt dưới sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, huyện ủy và do cơ quan quân sự địa phương chỉ huy, đã từng bước thực hiện được nhiệm vụ làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở địa phương, tạo điều kiện để các đại đội độc lập rút về xây dựng bộ đội chủ lực, từng bước đẩy mạnh vận động chiến.
Bộ đội địa phương là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, được tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp quận, huyện, thị xã; là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân địa phương, lực lượng cơ động chủ yếu trên địa bàn địa phương trong tác chiến.
Với việc bộ đội địa phương được thành lập, mô hình tổ chức quân sự chính thức hoàn chỉnh, với lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Thành lập bộ đội địa phương và phát triển dân quân đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh kháng chiến, thực hiện thắng lợi chủ trương, chiến lược tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công của Đảng.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận