A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò công tác Đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, Đảng ta khẳng định: “Công tác chính trị là mạch sống của Quân đội ta, bất cứ lúc nào cũng không được giảm yếu.

Từ trước đến nay, công tác chính trị đã phát huy được tác dụng to lớn của nó và có một truyền thống vẻ vang trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân”; đồng thời, luôn nhất quán phương châm: “Chính trị là thống soái, tư tưởng là linh hồn”. Đó là kinh nghiệm của Đảng ta và các đảng bạn đã được tổng kết thành phương châm công tác thực hiện đúng phương châm đó mới có phong trào tiến vọt của Trung Quốc, phong trào tiến nhanh vượt mức kế hoạch trong Quân đội ta...” trong xây dựng Quân đội cách mạng.

Vai trò công tác Đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết trao quà của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng người dân bị ảnh hưởng do bão lũ trong chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại tỉnh Hà Giang, tháng 9-2024.

 

Như vậy, công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) có vai trò là “linh hồn và mạch sống” của Quân đội ta, góp phần rất quan trọng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; bởi sự lãnh đạo của Đảng đã quyết định sự ra đời, phát triển, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, làm cho Quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, để: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 80 năm vững bước dưới cờ Đảng quang vinh và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng, CTĐ, CTCT đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện và được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội chiến đấu và chiến thắng

Trong “Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, ngày 22-12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một QĐND do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Bởi vì: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội là nguyên tắc quyết định sự ra đời, phát triển, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của QĐND Việt Nam, là “nhân tố quyết định bảo đảm quân đội làm tròn sứ mệnh trước Tổ quốc và nhân dân”. “Tách rời sự lãnh đạo của Đảng thì không thể có QĐND và thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Thấu triệt nguyên tắc đó, trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trên mọi lĩnh vực công tác, mọi nhiệm vụ của Quân đội, CTĐ, CTCT đều nhằm mục đích giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập Quân đội, Đảng ta đã đặt chế độ công tác chính trị trong Quân đội. “Công tác chính trị trong Quân đội tức là của Đảng, vì việc Đảng lãnh đạo Quân đội về tư tưởng và chính trị, việc xây dựng tổ chức Đảng và công tác Đảng là nội dung chính của công tác chính trị”. Nhiệm vụ cơ bản của CTĐ, CTCT là quán triệt sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng để giáo dục chính trị, nâng cao giác ngộ cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, củng cố khối đoàn kết trong và ngoài Quân đội, nâng cao ý chí chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, CTĐ, CTCT đã thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp trong Quân đội, nhất là xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất.

Trong hoạt động lãnh đạo của mình, các cấp ủy đảng đã nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, phát huy tinh thần, trách nhiệm cá nhân; thường xuyên nêu cao tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy và chi bộ, đảng bộ, làm nòng cốt xây dựng đoàn kết toàn đơn vị, thực hiện mục tiêu toàn quân một ý chí. Xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy các cấp vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển Quân đội, nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, quân sự ở thời chiến cũng như thời bình, có ý thức tập thể, tính đảng và tính nguyên tắc trong hoạt động quân sự theo đúng đường lối chính trị, quân sự của Đảng. Bên cạnh đó, xây dựng tổ chức quần chúng có ý thức chính trị và tinh thần cách mạng triệt để trong mọi hoạt động của Quân đội, nhất là ở đơn vị cơ sở; kịp thời động viên, cổ vũ bộ đội phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng đơn vị và Quân đội vững mạnh toàn diện.

Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức với công tác chính sách, tạo ra động lực mạnh mẽ, phát triển liên tục, nhân sức mạnh chính trị, tinh thần và sức mạnh vật chất lên gấp bội để Quân đội đánh thắng quân thù, trưởng thành toàn diện và vững chắc. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp CTĐ, CTCT, Quân đội ta luôn đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, kết thành một khối vững chắc xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa cách mạng tiến lên.

80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, CTĐ, CTCT đã thực hiện đầy đủ, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; Đảng ta không chia sẻ cho đảng phái chính trị hay cá nhân nào khác quyền lãnh đạo, không qua bất cứ một tổ chức, khâu trung gian nào và tổ chức lãnh đạo tất cả mặt hoạt động, công tác trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, không bỏ sót một khâu, một bước nào.

Các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng thường xuyên quán triệt, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tăng cường sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội đối với mọi tổ chức, lực lượng và mọi hoạt động trong toàn quân. Trong bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước có nhiều biến đổi, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kiên trì nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng QĐND trong tình hình mới.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội đủ về số lượng, chất lượng cao và cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của LLVT nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”... Từ đó, Người định hướng: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một QĐND hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”. Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đây vừa là vấn đề cấp thiết trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong 80 năm qua, cấp ủy các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đã đạt được những kết quả quan trọng; bảo đảm sự cân đối giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.

Ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, đội ngũ cán bộ Quân đội có thành phần chủ yếu là nông dân với trình độ học vấn, tri thức quân sự còn hạn chế; trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ chế độ mới và tiến hành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đặt ra cần có Quân đội mạnh về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo gấp rút tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Quân đội tại các trường quân sự, kết hợp với bồi dưỡng, rèn luyện tại đơn vị: “Đến nửa đầu năm 1946, các đơn vị bộ đội ta phát triển rất nhanh, số quân đã lên đến hơn 10 vạn người gồm nhiều thành phần trong xã hội tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược”.

Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Quân ủy và Bộ Chính trị, Bộ Tổng Chỉ huy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các khu, các tỉnh và các đơn vị chủ lực thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý sử dụng cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu kháng chiến và kiến quốc. Công tác tổ chức kết hợp chặt chẽ với công tác tư tưởng, công tác chính sách đã nhanh chóng nâng cao tính đảng, tính nguyên tắc của đội ngũ cán bộ, tình đoàn kết, hòa đồng giữa cán bộ là công nông với cán bộ là trí thức ngày càng sâu, rộng, bền vững, thể hiện rõ trong lãnh đạo, chỉ huy bộ đội, luôn đoàn kết thi đua thực hiện cuộc vận động: “Luyện quân lập công”, “rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh Quân đội”. Đến tháng 11-1949, Quân đội đã có gần 40.000 đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo ở đại đội ngày càng cao, có đơn vị đạt tới 50% quân số là đảng viên. Nhờ có đội ngũ cán bộ đã trưởng thành, từ năm 1950 trở đi, Đảng ta quyết định sử dụng Quân đội đánh tập trung, tiêu diệt lớn quân địch, từng bước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta đã phát triển lực lượng lên quy mô lớn, đủ các quân chủng, binh chủng, lực lượng, được trang bị vũ khí, kỹ thuật ngày càng hiện đại. CTĐ, CTCT trong Quân đội được tiến hành ở mọi cấp với mọi cán bộ, chiến sĩ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Công tác lãnh đạo tư tưởng và tổ chức được tiến hành nghiêm túc, sát với thực tiễn chiến đấu và đối tượng tác chiến. Công tác tuyên truyền, cổ động đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn quân. Trong những năm 1960, Quân đội ta tiếp tục hoàn thiện tổ chức lực lượng, với ba quân chủng và các binh chủng, phù hợp với khả năng thực tế và yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đội ngũ cán bộ Quân đội từng bước trưởng thành trong chiến đấu với số lượng, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, vừa có phẩm chất chính trị, vừa có năng lực, tổ chức chỉ huy và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, làm nòng cốt xây dựng Quân đội, huấn luyện bộ đội và thực hành chiến đấu thắng lợi, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”. Xây dựng kế hoạch tổng thể, có phương pháp tiến hành chặt chẽ, khoa học, với lộ trình cụ thể, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số của từng khối phù hợp với đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc và khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội, đồng thời kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nội dung huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan từ cấp phân đội trở lên phải được bố trí hợp lý, trong đó coi trọng giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam và mục tiêu xuyên suốt của hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội là xây dựng lập trường giai cấp công nhân, thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, bảo đảm giữ vững các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tính đảng, làm cơ sở cho cán bộ nâng cao phẩm chất chính trị tinh nhuệ, năng lực tư duy lý luận, nắm vững nghệ thuật quân sự Việt Nam theo yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kết hợp huấn luyện, đào tạo trong nhà trường với rèn luyện tại đơn vị, giữa đào tạo trong nước với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, phát triển đảng viên với bồi dưỡng, phát triển cán bộ trong thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Công tác cán bộ phải bảo đảm có sự kế cận, kế tiếp và bổ sung kịp thời. Đó là những nội dung bao trùm, xuyên suốt trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Thứ ba, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết chiến, quyết thắng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội

Bàn về vai trò của CTĐ, CTCT trong xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, V.I. Lênin khẳng định: “... Ở đâu mà công tác chính trị trong Quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất... ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong Quân đội, Quân đội giữ gìn được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn; ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”. Vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin, từ rất sớm (1931), Đảng ta đã có chủ trương “Trong trường hợp thành lập các đội du kích, cần bảo đảm công tác chính trị trong các đội đó và dân cư địa phương để đoàn kết thật chặt chẽ các đội quân ấy với quần chúng lao động trong vùng”. Đặc biệt, ngay sau khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944), Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò của CTĐ, CTCT trong xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu và năng lực hành động của bộ đội. Từ đó trở đi, hoạt động CTĐ, CTCT đã thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao giác ngộ cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, hoàn thành thắng lợi chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Thực tiễn cho thấy, trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác chính trị đã chú trọng giáo dục bộ đội, coi trọng công tác dân vận, kịp thời ngăn chặn sự tùy tiện, vô nguyên tắc, đồng thời nâng cao ý nghĩa chính trị về đoàn kết quân với dân, luôn chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân với dân để luôn được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Trong những năm 1947-1948, các đơn vị đã kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị, kiên trì đấu tranh loại bỏ tư tưởng quân sự thuần túy, hạ thấp vai trò cán bộ công nông. Đến những năm 1948-1950, công tác chính trị đã phát huy tích cực trong loại bỏ tư tưởng ngại gian khổ, ác liệt, sợ đánh to. Hoạt động xây dựng Đảng và công tác chính trị đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết, có ý nghĩa quyết định sức mạnh tổng hợp của Quân đội, để bộ đội bước vào giai đoạn phản công và tiến công liên tục từ năm 1951 đến 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong khi trình độ kỹ thuật còn thấp, tổ chức lực lượng chưa tập trung, vũ khí, trang bị còn thô sơ, kém hiện đại. Đặc biệt, công tác chính trị đã đấu tranh khắc phục tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn, đã đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của quân xâm lược Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, CTĐ, CTCT đã tập trung xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả kháng chiến chống thực dân Pháp và cải cách ruộng đất trong những năm 1956-1957. Xây dựng lập trường kiên định và lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chống ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò CTĐ, CTCT, xem nhẹ yếu tố con người trong chiến tranh; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, bảo vệ quan điểm, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, bảo vệ bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong những năm 1958-1960. Không ngừng nâng cao ý chí quyết tâm dám đánh, quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; giữ vững ý chí, không ngại khó, ngại khổ, hy sinh khi phải trực tiếp chiến đấu với đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1972, có quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng trong giai đoạn 1973-1975.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, CTĐ, CTCT đã xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, chống nôn nóng, chủ quan, duy ý chí trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, giản đơn, mất cảnh giác trong bảo vệ Tổ quốc, mơ hồ, ảo tưởng trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “phi chính trị” hóa xâm nhập, tác động xấu đến tư tưởng và tổ chức của Quân đội, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng.

Hiện nay, đứng trước những thử thách và yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Quân đội vẫn tiếp tục thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và lập trường giai cấp kiên định, vững vàng. Song, để tăng cường bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, cần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT với nội dung sát hợp, sắc bén, hình thức sinh động, phù hợp; chú trọng giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng và mục tiêu chiến đấu của Đảng, của dân tộc, không dao động trước khó khăn, thử thách; thấu triệt đường lối cách mạng của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Vai trò công tác Đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Bộ đội chạy đua với thời gian, tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

 

Thứ tư, giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Cùng với các hoạt động khác, CTĐ, CTCT trong Quân đội góp phần hình thành và không ngừng chăm lo bồi dưỡng, giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân, dân. Đó là những nhân tố góp phần làm cho Quân đội ta trưởng thành, vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong 80 năm qua, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn gần gũi, thân thương trong lòng nhân dân Việt Nam. Các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đã nối tiếp nhau giữ trọn “Mười lời thề danh dự” của quân nhân, chấp hành nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với dân, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; luôn chung sức đồng lòng, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, cùng toàn dân hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giành thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Qua hoạt động thực tiễn, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được giáo dục, rèn luyện, phát triển và luôn tỏa sáng.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, QĐND Việt Nam luôn nương tựa vào dân, đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân để phát triển, chiến đấu và chiến thắng. Bởi vậy, nhân dân ta đã coi Quân đội như con em, đã đùm bọc, nuôi dưỡng từ lúc mới hình thành cho đến khi trưởng thành lớn mạnh như ngày nay. Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội với nhân dân được thể hiện sâu đậm từ phong trào “mùa Đông binh sĩ”, “hũ gạo kháng chiến”, “đảm phụ quốc phòng”,... trong kháng chiến chống Pháp, đến phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”,... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần tạo nên sức mạnh quân với dân một ý chí “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Có thể khẳng định rằng, QĐND Việt Nam ra đời, phát triển, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang “là một thành tựu vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta lãnh đạo. Nhân dân cách mạng và anh hùng đã sản sinh ra QĐND cách mạng và anh hùng”.

Kế thừa và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần đoàn kết chặt chẽ quân-dân, trong những năm qua, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chẳng những làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, mà còn khẳng định bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam. Để tăng cường và phát huy hơn nữa phẩm chất và truyền thống cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, hoạt động CTĐ, CTCT cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương “Về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

Đó là nắm vững những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định lập trường, quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hành động vì lợi ích chung; giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh; gương mẫu chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của Quân đội; chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; lắng nghe, tôn trọng, học hỏi, giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; có tinh thần đoàn kết quốc tế, mở rộng và tăng cường đối ngoại quốc phòng, góp phần tích cực bảo vệ môi trường hòa bình khu vực và thế giới.

Thứ năm, xây dựng hệ thống cơ quan chính trị cùng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

Suốt chặng đường 80 năm, hoạt động CTĐ, CTCT đã góp phần đặc biệt quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện được đội ngũ cán bộ chính trị và xây dựng được hệ thống cơ quan chính trị các cấp có phẩm chất chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn, làm tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng. CTĐ, CTCT trở thành trung tâm trong hoạt động xây dựng con người trung kiên cách mạng và xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức tập hợp, lãnh đạo, chỉ huy, cổ vũ, động viên quần chúng chiến đấu và chiến thắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm tròn chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất trong mọi thời kỳ cách mạng.

Chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, tháng 5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hai sắc lệnh quan trọng: Sắc lệnh số 60 ngày 6-5-1946 về việc đổi Ủy ban Kháng chiến toàn quốc thành Quân sự Ủy viên Hội và Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 về việc Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia. Giúp việc Bộ Tổng Chỉ huy và Quân sự Ủy viên Hội có Ủy ban Chính trị, có nhiệm vụ “điều khiển và kiểm tra công tác chính trị trong bộ đội”. Cũng trong tháng 5-1946, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 27/NĐ-QP về tổ chức Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, nêu rõ nhiệm vụ của Cục trưởng Cục Chính trị là trực tiếp giúp Bộ Tổng Chỉ huy trong việc chỉ đạo công tác chính trị trong Quân đội và dân quân. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng tổ chức cơ quan chuyên trách CTĐ, CTCT trong LLVT Việt Nam.

Cùng với quá trình ổn định về biên chế tổ chức, Cục Chính trị đã tham mưu cho Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng về công tác cán bộ, xây dựng lực lượng cũng như công tác giáo dục chính trị trong toàn quân. Kết quả, cuối năm 1946, LLVT tập trung có quân số hơn 100.000 người, với gần 8.000 đảng viên. Trong cơ cấu, tổ chức, chức vụ chính trị viên được biên chế từ cấp trung đội trở lên. Chế độ chính trị ủy viên cùng đội trưởng phụ trách đơn vị được thực hiện trong toàn quân.

Qua thử thách thực tế, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đã từng bước lớn mạnh, trưởng thành đáp ứng kịp yêu cầu công tác. Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121-SL, ấn định các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam; tổ chức và nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Theo đó, Tổng cục Chính trị là cơ quan trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, có nhiệm vụ “giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo Quân đội về phương diện chính trị”. Từ đây, hệ thống cơ quan chính trị trong toàn quân ngày càng phát triển hoàn chỉnh, với đội ngũ cán bộ chính trị cơ bản chính quy, chuyên nghiệp. Sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ chính trị và hệ thống cơ quan chính trị đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh cách mạng, phát huy hiệu lực lãnh đạo nhiệm vụ quân sự của Đảng và giành được hiệu quả CTĐ, CTCT ngày càng lớn mạnh.

Thành công của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp được phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị ở các đơn vị vũ trang tập trung được hình thành và phát triển. Hoạt động công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng được cơ quan chính trị các cấp hướng dẫn, vận dụng, triển khai thực hiện có nền nếp, đề cao dân chủ phát huy sức mạnh của tổ chức đảng, trách nhiệm của chỉ huy và sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ.

Từ kinh nghiệm phong phú rút ra từ hoạt động thực tiễn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị toàn quân ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Cơ quan chính trị cùng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong toàn quân luôn chủ động, nhạy bén, phát hiện nhanh, đề xuất sớm với Đảng, kịp thời đấu tranh phê phán kiên quyết, có lý, có tình với luận cứ khoa học, luận chứng sắc bén để ngăn chặn mọi khuynh hướng tư tưởng và quan điểm sai trái, bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội đã góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của LLVT cách mạng, luôn chủ động tập hợp, động viên, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của QĐND Việt Nam, CTĐ, CTCT đã phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị. Hiệu lực, hiệu quả của CTĐ, CTCT bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống vẻ vang của dân tộc, từ nền tảng vững chắc của nhân dân Việt Nam anh hùng, trọng nhân nghĩa, đạo lý và giàu lòng vị tha, cùng với xương máu của các thế hệ nối tiếp nhau chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của QĐND Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn của CTĐ, CTCT. Để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT, “cần tiếp tục tham mưu thực hiện các chủ trương, giải pháp xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân. Thường xuyên nắm chắc tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về CTĐ, CTCT trong Quân đội; bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị”, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thượng tướng TRỊNH VĂN QUYẾT

Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Nguồn: QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội