A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021))

"Thần tốc" giải phóng Trường Sa

Hơn 25 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ của Trưởng phòng biên tập Quốc phòng - An ninh, Báo Quân đội Nhân dân giao, đến gặp và viết bài về Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng LLVT Nhân dân, khi đó là Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Tôi đã được nghe ông kể về hành trình giải phóng quần đảo Trường Sa trong vòng 15 ngày.

Biên đội “tàu đánh cá”

Ngày 6-4-1975, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 126 Hải quân Mai Năng được Thượng tá Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ: “Thời cơ giải phóng miền Nam đã chín muồi. Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân phối hợp với Quân khu 5 tổ chức lực lượng khẩn trương cơ động chiến đấu, đánh chiếm các đảo do ngụy quân chiếm giữ, giải phóng quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ bí mật, rất quan trọng, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 thống nhất thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, lấy phiên hiệu Đoàn C75, giao đồng chí làm Đoàn trưởng, gồm cán bộ, chiến sĩ lựa chọn từ Trung đoàn Đặc công 126, các tàu cùng thủy thủ Lữ đoàn 125 (Đoàn tàu Không số) và lực lượng đặc công Quân khu 5, có tăng cường vũ khí, trang bị lục quân như ĐKZ, cối 82mm, B41...”.

Nhận nhiệm vụ, Trung tá Mai Năng chỉ huy đơn vị khẩn trương làm công tác chuẩn bị mọi mặt. 4 giờ ngày 11-4, cán bộ, chiến sĩ Đoàn C75 xuất phát từ Đà Nẵng với biên đội 3 tàu: 673, 674, 675. Các tàu ngụy trang giả dạng tàu đánh cá, mang biển số giả của nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ, đội viên chiến đấu cùng vũ khí bố trí dưới hầm tàu; trên tàu ngụy trang lưới và các ngư cụ đánh cá... Đoàn trưởng Mai Năng đi trên tàu chỉ huy 675. Trên hành trình, biên đội tàu đã linh hoạt sử dụng các biện pháp ngụy trang tránh sự trinh sát của địch. Điện đài trên tàu phát sóng liên lạc theo quy ước và hạn chế tối đa các phiên liên lạc. Ra đến khu vực “Phao số 0”, biên đội tàu gặp máy bay Mỹ, cùng với các tàu chiến của Mỹ theo dõi, rà soát. Các tàu của ta ngược lên phía bắc, triển khai đánh cá bình thường. Địch không phát hiện được gì, bỏ đi. Biên đội tàu lại nhanh chóng tăng tốc về hướng đảo Song Tử Tây, theo phương án đã xác định.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa hôm nay luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc. (Trong ảnh: Duyệt đội ngũ trên đảo Sinh Tồn.). Ảnh: MẠNH HÙNG

15 ngày thần tốc, quyết thắng

Khi đến khu vực đảo Song Tử Tây ngày 13-4-1975, Đoàn trưởng Mai Năng để hai tàu ở ngoài cảnh giới, điều tàu 673 vào trinh sát đảo. Lực lượng được phân công đánh chiếm đảo Song Tử Tây là Đội 1 (thuộc Trung đoàn Đặc công 126), do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Do cán bộ, chiến sĩ nằm ở hầm tàu, chưa quen với sóng lớn nên bị say sóng. Đội trưởng phải nằm trên sàn tàu thông qua phương án chiến đấu. Trung tá Mai Năng cũng say sóng phải nằm chỉ bản đồ, cùng bàn bạc phương án tác chiến. Đội 1 sử dụng Phân đội 1, trang bị súng cối 82mm, ĐKZ, chia thành 3 mũi tiến công, đổ bộ lên đảo. Sau khi tàu 673 đưa bộ đội áp sát đảo, bộ đội dùng xuồng tiếp cận, đổ bộ lên đảo. Dù say sóng, nôn mật xanh, mật vàng nhưng khi đổ bộ bằng xuồng cao su lên đảo, mọi người nhanh chóng tỉnh táo, sẵn sàng vào chiến đấu. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, trận đánh bắt đầu bằng hỏa lực ĐKZ bắn vào mục tiêu trên đảo. Sau đó, bộ đội đồng loạt nổ súng, tiến công. Trận đánh kéo dài 30 phút, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lá cờ giải phóng được kéo lên đỉnh cột cờ trên đảo Song Tử Tây.

Giải phóng đảo Song Tử Tây, Đoàn C75 được lệnh để lại tàu 673 và một lực lượng phòng thủ, giữ đảo. Hai tàu 674, 675 và lực lượng còn lại cơ động, chở thương binh và tù binh về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, toàn đoàn tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục nắm tình hình, xây dựng phương án tác chiến tiến công giải phóng các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Sau khi được trên phê duyệt phương án tác chiến, Trung tá Mai Năng tiếp tục chỉ huy Trung đoàn Đặc công 126 và lực lượng tăng cường của Quân khu 5 cùng tàu 641 hành trình ra Trường Sa và hợp với tàu 673 trên biển, tổ chức chiến đấu. Khi đảo Nam Yết bị địch tập trung bảo vệ và yếu tố bí mật không còn, Đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho tàu 673 về Song Tử Tây chờ thời cơ; tổ chức tàu 641 tiến công đảo Sơn Ca vào đêm 24-4-1975. Mất đảo Sơn Ca và được tin các tuyến phòng thủ ở miền Nam bị phá vỡ, quân ngụy trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa vội vã rút chạy. Nhận được điện của trên thông báo tình hình, Đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho các tàu 641, 673 nhanh chóng đổ bộ lực lượng, lần lượt chiếm giữ đảo Nam Yết, Sinh Tồn; cắm cờ giải phóng lên các đảo và đảo Trường Sa vào 9 giờ ngày 29-4-1975. Cũng trong ngày 29-4, Đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho một tổ ra chốt giữ, cắm cờ giải phóng lên đảo An Bang, dù đảo này không có ngụy quân đồn trú, để khẳng định chủ quyền của ta ở toàn bộ quần đảo Trường Sa...

Thời gian đã dần lùi xa, người Đoàn trưởng, Thiếu tướng Mai Năng đã ra đi mãi mãi vào tháng 12-2019, song các phương án tác chiến được chuẩn bị chu đáo, sự chỉ đạo sâu sát, những quyết định táo bạo, kịp thời của ông cùng đồng đội đã trở thành bài học quý để vận dụng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo SỰ KIỆN VÀ NHÂN CHỨNG


Tác giả: DƯƠNG HÀ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội