A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp

Sáng 20-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018) với sự tham gia của 71 điểm cầu trên toàn quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng: Thượng tướng Nguyễn Phương Nam- Ủy viên Trung ương Đảng và Thượng tướng Phạm Hồng Hương; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Thượng tướng Phan Văn Giang trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết: Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề về huy động công nghiệp dân sinh cho Quốc phòng, phát triển công nghiệp đất nước theo hướng lưỡng dụng; bố trí sử dụng nguồn lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời cũng là nền tảng pháp lý vững chắc để triển khai nhiệm vụ động viên công nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, huy động năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp và lực lượng vũ trang sản xuất trang bị trong Quân đội.

Cùng với nhấn mạnh quá trình tổ chức, triển khai Pháp lệnh trong 15 năm qua đã cho thấy giá trị và tính đúng đắn của động viên công nghiệp, Thượng tướng Phan Văn Giang cũng cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định của pháp luật về động viên công nghiệp. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức thực hiện trong khảo sát, quản lý tiềm lực của các doanh nghiệp công nghiệp cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, chế độ, chính sách của doanh nghiệp, cá nhân thực hiện động viên công nghiệp; đồng thời đánh giá, trao đổi những kinh nghiệm quý báu để phát huy những kết quả đã đạt được, đề ra phương hướng, biện pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác động viên công nghiệp trong thời gian tới.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp do Thượng tướng Phạm Hồng Hương trình bày nêu rõ: 15 năm qua, công tác động viên công nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng của đất nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ động viên công nghiệp từng bước được quan tâm hơn; đã khảo sát, lựa chọn hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp có khả năng sản xuất, sữa chữa trang bị cho Quân đội, giúp Bộ Quốc phòng có cơ sở đánh giá tiềm lực nền công nghiệp cũng như khả năng huy động năng lực của doanh nghiệp công nghiệp thuộc diện huy động động viên công nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh. Bên cạnh đó, đã huy động các doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang tham gia sản xuất, sửa chữa, trang bị cho Quân đội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước; tiến hành đầu tư, xây dựng, đưa vào sử dụng, duy trì năng lực một số dây chuyền động viên công nghiệp để sản xuất, sửa chữa trang bị và sẵn sàng động viên khi cần thiết...

Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, trên từng hướng, từng khu vực, từng địa phương đã tiến hành đầu tư, xây dựng được các dây chuyền động viên công nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho Quân đội; số lượng các dây chuyền xây dựng mới tăng, trình độ sản xuất của các dây chuyền ngày càng hoàn thiện; chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng, công nghệ cao hơn...Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động, hoạt động diễn tập động viên công nghiệp, việc bảo đảm ngân sách cho động viên công nghiệp...đều được quan tâm đúng mức và đạt kết quả tích cực.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp. Đồng chí Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu lên những định hướng lớn và cơ bản, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Pháp lệnh trong thời gian tới và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: Cần huy động hiệu quả hơn nữa các thành phần kinh tế, nhằm biến tiềm lực của các thành phần kinh tế thành tiềm năng khai thác cho công nghiệp quốc phòng, đồng thời phải áp dụng các thành tựu và tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công nghiệp quốc phòng để tạo ra các sản phẩm phục vụ xã hội. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có công nghệ tiên tiến, tăng tính lưỡng dụng; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với việc huy động các thành phần kinh tế thuộc diện huy động động viên công nghiệp...

Quang cảnh hội nghị

Trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp cũng như 9 ý kiến trực tiếp tham luận và các ý kiến gửi về hội nghị, ngoài nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân; đề ra phương hướng và các biện pháp, đồng thời nêu lên các kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ động viên công nghiệp trong thời gian tới. Theo đó, cần phải tiếp tục đánh giá chính xác, quản lý chặt chẽ tiềm lực công nghiệp, khả năng huy động các doanh nghiệp công nghiệp tham gia động viên công nghiệp bảo đảm trang bị cho nền quốc phòng khi có chiến tranh trên từng địa phương, từng vùng, từng hướng; chú trọng bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp, khai thác hiệu quả các dây chuyền đã được đầu tư; hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, ổn định của sản phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sản xuất; nâng cao khả năng sẵn sàng động viên của các dây chuyền động viên công nghiệp khi cần thiết; tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, từng bước tiếp cận và nâng cao năng lực công nghệ sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng địa bàn, khai thác thế mạnh, khả năng của từng vùng, từng địa phương, từng doanh nghiệp công nghiệp, để triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp phù hợp với chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống./.

Nguồn BÁO QĐND


Tác giả: Nguồn Báo QĐND
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội