A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc ghi mỗi lời Bác dạy

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Sư đoàn 968 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đây, đã tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, chuyển biến rõ rệt trong tư tưởng, nhận thức, trở thành phong trào tự giác khắc ghi, thực hiện mỗi lời Bác dạy trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, góp phần quan trọng để Sư  đoàn nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có mặt trên thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19 đúng giờ nghỉ giải lao, chúng tôi rất ấn tượng với hệ thống cổ động thao trường sinh động của đơn vị. Dưới băng rôn mang dòng chữ: “Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng để mưu tự do, hạnh phúc cho dân tộc”, Trung úy Lê Bảo Khánh, Chính trị viên Đại đội 1 với chất giọng truyền cảm đang kể chuyện tình cảm của Bác dành cho đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều: “Năm 1946, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, tặng nhiều quà cho đồng bào như ảnh Bác, áo lụa… Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, các già làng tụ họp, quyết định lấy họ Hồ ghi lên thẻ cử tri đi bầu cử. Năm 1957, biết Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Khu 4, một số cán bộ người dân tộc thiểu số gặp Bác để xin cho dân tộc mình được mang họ Hồ của Người. Ứớc mong toại nguyện, niềm vui mừng khôn xiết lan tỏa khắp đại ngàn Trường Sơn”.

 Giờ nghỉ giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968. Ảnh: Hải Nguyễn

Kết thúc câu chuyện, chiến sĩ Hồ Văn Thoàng, Trung đội 2 bộc bạch: “Qua lời dạy của Bác ngày 18/10 và câu chuyện của Chính trị viên đại đội giúp em hiểu thêm tình thương yêu bao la của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào Vân Kiều chúng em. Nghe kể chuyện mà em thấy như Người đang căn dặn mình vậy, được mang họ của Bác, em thấy rất vinh dự. Ở đơn vị, chỉ huy rất bình đẳng quan tâm nên sau thời gian đầu nhập ngũ, em không còn mặc cảm, tự ti mình là người dân tộc mà luôn tích cực thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm”.

Theo Trung tá Nguyễn Chính Triều, Chính ủy Trung đoàn 19 thì đây là mô hình “Mỗi ngày một câu chuyện gắn với lời Bác Hồ dạy”. Theo đó, thông qua định hướng của Trung đoàn về lời Bác dạy, các tiểu đoàn sẽ tổ chức in lên băng rôn rồi cắt cử các đại đội luân phiên nhau mang ra thao trường. Để lời dạy của Bác trở thành nếp nghĩ, việc làm thường xuyên của bộ đội, nội dung câu chuyện được bí thư cấp ủy trực tiếp nghiên cứu phù hợp với từng lời dạy từ đêm hôm trước, rồi kể cho bộ đội nghe trong giờ nghỉ giải lao để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ những tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Từ đó, cụ thể hóa lời dạy của Bác thành động lực thi đua, việc làm cụ thể hàng ngày. Ngoài ra, để tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác “lắng đọng”, “neo đậu” trong mỗi chiến sĩ, mỗi sáng trước giờ ra thao trường, những lời dạy của Bác còn được ghi lên bảng tin để bộ đội đọc, ghi chép vào sổ tay chiến sĩ và phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ vào lúc 21 giờ 15 phút hàng ngày.

Suốt thời gian cùng chúng tôi có mặt trên thao trường, Đại tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Sư đoàn 968 luôn có mặt tại các điểm nghỉ giải lao để động viên bộ đội. Anh chăm chú lắng nghe câu chuyện, theo dõi cách truyền đạt của Trung úy Lê Bảo Khánh rồi khéo léo, tế nhị bổ sung: “Các đồng chí biết không? Không chỉ đồng bào, Bác còn dành tình cảm đặc biệt cho các chiến sĩ người dân tộc thiểu số vùng cao, vùng biên giới, bởi họ làm cách mạng trong điều kiện khó khăn hơn đồng bào miền xuôi. Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác với những sản phẩm do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ anh Cầu, gửi quà cho bà, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để anh Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình”. Rồi anh Đông cũng không quên thị phạm phương pháp tác phong kể chuyện cho cấp dưới. 

Anh Đông chia sẻ: “Mặc dù những câu nói, bài viết của Người diễn ra cách đây hàng chục năm nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Với tinh thần cán bộ, đảng viên, người chủ trì phải gương mẫu học, ghi nhớ trước để cán bộ, đảng viên, quần chúng tự giác noi theo. Trong giao ban, trực báo, sinh hoạt hay trên thao trường, chỉ huy các cấp dành khoảng ngắn thời gian để kiểm tra việc ghi nhớ những lời dạy của Bác. Cùng với đó, Sư đoàn yêu cầu cán bộ phải nghiên cứu, lồng ghép những lời dạy của Bác vào bài giảng chính trị hay các khoa mục huấn luyện phù hợp với từng đối tượng. Với cán bộ, đảng viên phải thường xuyên theo dõi, ghi chép vào sổ tu dưỡng, rèn luyện đảng viên. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, nhân viên dành thời gian hợp lý theo dõi các trang mạng xã hội, thiết lập các nhóm học tập và làm theo lời Bác dạy. Hàng ngày, các thành viên trong nhóm đăng tải lời dạy của Bác lên trang cá nhân để chia sẻ tới mọi người. Đây được coi là cách lưu giữ, là  “sổ cầm tay” rất tiện dụng khi có nhu cầu tra cứu, tìm đọc những lời dạy của Bác.

Được biết, từ khi thực hiện mô hình trên đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Đại tá Phạm Văn Đông khẳng định: “Trước hết, thực hiện lời dạy của Bác là cơ sở để đội ngũ cán bộ toàn Sư đoàn đẩy mạnh việc nêu gương sáng mỗi ngày, tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, khuyết điểm; khuyến khích, động viên, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến… Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sắp tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XII), nhất là Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Mạnh Hùng
              
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội