A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khe Sanh - mãi một màu xanh

Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đó, nửa thế kỷ trước với sự kiên cường, quật khởi của quân và dân ta đã làm nên một “giai điệu sử thi”, ngùn ngụt khí thế chiến thắng, góp phần vào chiến thắng chung buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào vòng đàm phán Paris, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những ai đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường ác liệt này thì ký ức về những ngày tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng đó như còn vẹn nguyên trong họ. 50 năm sau, đứng lên trên hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, những con người từng vào sinh ra tử đó lại tiếp tục viết lên “dòng giai điệu dạt dào mới” khi xây dựng Khe Sanh xanh một màu no ấm. 

Ký ức mãi còn “xanh”
Chúng tôi đến Khe Sanh vào những ngày địa phương đang tất bật chuẩn bị Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng huyện Hướng Hóa (9/7/1968 - 9/7/2018). Trên khắp các nẻo đường ở thị trấn Khe Sanh băng rôn, khẩu hiệu giăng mắc; cờ đỏ sao vàng tung bay trước cửa những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ càng làm rạo rực, rộn ràng khí thế của ngày lễ đang đến gần. Qua những câu chuyện kể của các bác cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh, chúng tôi cảm nhận được ý chí kiên cường, quật khởi của quân, dân ta và nhiều tổn thất, đau thương để làm nên chiến thắng vẻ vang.

Cựu chiến binh, Đại úy Hồ Văn Sang, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 16 - bộ đội địa phương Hướng Hóa nhớ như in hàng trăm trận chỉ huy đơn vị phục vụ chiến đấu, chiến đấu cùng với bộ đội chủ lực để làm nên chiến thắng vang dội. Từ những trận đánh nhỏ, quấy rối, lôi kéo đội hình địch trên tuyến Đường 9 đến những trận phục kích đánh địch tháo chạy; bắt lính nhảy dù, thu chiến lợi phẩm ở sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri… hay những trận làm trinh sát, vận chuyển vũ khí trang bị, giúp bộ đội công binh mở đường bí mật vào Khe Sanh… Ông Hồ Văn Sang chia sẻ: “Địch có vũ khí tối tân thì quân, dân ta chiến đấu bằng tinh thần quả cảm. Thời ấy, các bản làng chúng tôi từ già, trẻ, gái, trai đều rạo rực khí thế đánh giặc, giải phóng quê hương…”.

Còn với nữ cựu chiến binh Trần Thị Huê khi nhớ về cảnh tượng quê hương bị tàn phá, những mất mát ở chiến trường đã không cầm được nước mắt. Bác Huê vào bộ đội lúc 16 tuổi, được phân công làm cấp dưỡng, tải đạn, tải thương, vận chuyển lương thực. Dáng người nhỏ con nhưng bác không nhớ hết đã bao nhiêu lần tải những hòm đạn có khối lượng lớn hơn người vào chiến trường phục vụ chiến đấu. Dòng hồi ức bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn khi bác Huê nhớ về trận địch thả bom na pan vào kho đạn của ta ở xã A Dơi. “…Hàng trăm thi thể bộ đội… bị cháy đen, chúng tôi vào kho để tải thương mà chân tay bủn rủn… Rừng A Leng cháy trụi… máy bay địch quần thảo trên đầu… chỉ đưa được một vài người bị thương ra ngoài… còn lại đành chịu… Tội lắm…”. 

Câu chuyện của bác Sang, bác Huê và các bác cựu chiến binh Đại đội 16 bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa kể giúp tôi hiểu hơn những mất mát, đau thương của cuộc chiến và càng thêm khâm phục ý chí kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn của người dân nơi đây. Điều đó giải thích cho việc, ngay từ đợt đầu đã có hơn 3.000 người dân tình nguyện đi dân công phục vụ chiến dịch. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô các xã Nam Hướng Hóa tìm củ rừng ăn để quyên góp được hơn 20 tấn gạo, 2 tấn sắn nhường cho bộ đội tham gia chiến dịch... Chính những đóng góp to lớn đó, đã làm nên “bản hùng ca Khe Sanh” luôn ngời sáng hình ảnh những người cha Vân Kiều, người mẹ Pa Cô hồn hậu, chân chất đầy nghĩa tình, thủy chung với cách mạng, luôn đùm bọc che chở bộ đôi, tích cực tham gia và phục vụ chiến đấu để góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.

Thị trấn Khe Sanh hôm nay.

 

Khe Sanh xanh màu no ấm

Sau ngày hòa bình lập lại, những người dân Vân Kiều, Pa Cô năm xưa lại bước vào cuộc chiến mới - “Cuộc chiến chống đói nghèo”, không kém phần cam go, vất vả. Vậy nhưng, với truyền thống yêu nước, một lòng trung với Đảng, những con người nơi chiến trường xưa này đã chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương ngày một khởi sắc. Từ cứ điểm Làng Vây cho đến sân bay Tà Cơn, từ thung lũng Khe Sanh đến vùng Lìa sát biên giới, ngút ngàn màu xanh của cao su, cà phê, sắn, bời lời… xen lẫn với những ngôi nhà mới khang trang. Địa hình vùng núi gập ghềnh, giao thông cách trở trước đây, giờ đi lại dễ dàng hơn với những con đường nhựa, đường bê tông vào tận các bản làng. Phố núi Khe Sanh nghiêng nghiêng trong làn sương sớm, thị trấn Lao Bảo lung linh trong ánh điện Rào Quán… Những chuyển động sầm uất, hối hả ở Lao Bảo, Khe Sanh và đường 9 - con đường xuyên Á nối hành lang kinh tế Đông - Tây, có lẽ đó chính là điều sẽ góp phần làm nên “giai điệu” của ngày hôm nay viết tiếp trang huyền thoại của hôm qua ở mảnh đất dưới chân đại ngàn Trường Sơn này. 

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá khẳng định: “Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, những năm qua địa phương có những bước chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Minh chứng rõ nét nhất là trong vòng 15 năm lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Hướng Hoá đều đạt 16%, có năm đạt 32,8%; dân cư được sắp xếp bố trí theo quy hoạch đất đai, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi, từng bước sản xuất hàng hoá, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cơ sở hạ tầng được đầu tư đáng kể phục vụ cho dân sinh, cho sản xuất lưu thông hàng hoá và thương mại dịch vụ phát triển một cách đồng bộ; đời sống văn hoá, tinh thần của bà con đồng bào ở đây ngày càng được chăm lo vượt bậc…”.

Rời Khe Sanh trong những xúc cảm chưa dứt về miền đất một thời đạn bom vần vũ, tôi thầm hẹn ngày trở lại để đi hết cả vùng đất, để được gặp nhiều hơn nữa những người con Pa Cô, Vân Kiều chân chất, kiên cường… Những Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh, đồi Động Tri… lần lượt nằm lại phía sau. Tôi không ngoái nhìn lại vùng đất ấy, nhưng tâm trí vẫn mường tượng về cánh chim Kơ - Tia chao liệng trên những triền đồi xanh mướt và đêm đêm, trong tiếng đàn Ta - Lư vang vọng, trai gái khắp các bản làng Hướng Hóa lại cất lên những điệu hát tình yêu như chiến tranh chưa từng đi qua để Khe Sanh mãi xanh một màu.

                Đức Cương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội