A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 - thắng lợi của liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đã làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, mở ra thời cơ mới thuận lợi cho cách mạng Việt Nam - Lào - Campuchia; đồng thời khẳng định tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.

Sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, cuối năm 1970, đế quốc Mỹ đã chủ trương tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào Đường 9 - Nam Lào, nhằm cắt tuyến vận chuyển chiến lược của ta, làm cho lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam suy yếu, không thể đánh tập trung quy mô lớn trong mùa khô 1971 - 1972, từ đó tạo tiền đề thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” giành lại thế chủ động trên chiến trường. Kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ là nhanh chóng đánh chiến Sê Pôn, chiếm giữ đoạn đường bản Đông - Sê Pôn, đánh phá kho tàng, đường xá xung quanh Sê Pôn, phía Bắc lên tới Kho Vinh, Na Thôn, phía Tây Nam đến Mường Phìn nhằm phối hợp với lực lượng ngụy Lào từ phía Tây tiến sang. Tiếp đó, cơ động lực lượng xuống đánh phá kho tàng khu vực từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian dự định tiến hành là trong 90 ngày, kết thúc trước mùa mưa ở Nam Lào (tháng 5/1971). Kế hoạch gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 (30/01/1971 - 7/02/1971), thực hiện cơ động lực lượng, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công; Giai đoạn 2 (8/02/1971 - 14/02/1971), tiến công chiếm các mục tiêu Bản Đông và Sê Pôn; Giai đoạn 3 (15/02/1971 - 12/3/1971), lùng sục, đánh phá kho tàng; Giai đoạn 4 (13/3/1971 - 5/1971), chuyển xuống đánh phá các kho tàng phía nam từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới.

Quân giải phóng Lào tiến công địch tại điểm cao 456, tháng 3/1971.

Trước âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: “Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hi sinh như thế nào, vì đây là một trận có ý nghĩa về chiến lược”. Trong hồi ký của mình, cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 viết: “Khi được trên thông báo âm mưu của địch, tôi nghĩ ngay tới bước phiêu lưu đầy chủ quan của Hoa Kỳ và quân ngụy. Bởi điều đơn giản, nơi đây là chiến trường rừng núi, không phải là “đất dụng võ” của cả lính Mỹ lẫn ngụy. Thứ hai, đã từ lâu, trong tầm nhìn của “Bộ Thống soái”, Đường 9 - Nam Lào là chiến trường dành cho sự đối đầu giữa chủ lực hùng mạnh của Quân giải phóng với bất cứ lực lượng nào của đối phương. Đường 9 là nơi có mặt cắt chính diện rộng nhất của tuyến chi viện chiến lược bao gồm cả hành lang Đông và Tây Trường Sơn, là cửa mở quyết định nhất. Do vậy, ta đã tập trung binh lực kỹ càng, đặc biệt là xây dựng thế trận tác chiến phòng không, lực lượng chiến đấu tại chỗ, cơ sở hậu cần kỹ thuật dự trữ hùng hậu cho chiến trường. Lực lượng chủ lực tinh nhuệ thiện chiến của ta, đặc biệt là lực lượng dự bị chiến lược sẽ không buông tha mọi động thái của địch ở địa bàn chiến lược này. Vào đây, địch sẽ bị chui rọ.”

Ngày 6/2/1971, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy chiến dịch. Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh chiến dịch là: Tiêu diệt lớn và làm tan rã thật nhiều quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ, đánh cho địch một đòn chí mạng; Giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, bảo vệ tốt kho tàng của ta. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một điểm đặc biệt của chiến dịch cần hết sức coi trọng và quán triệt đầy đủ trong thực hành; Phối hợp với các chiến trường, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, nhất là đánh phá “bình định” của địch; Bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hậu phương lớn luôn vững vàng trong mọi tình huống; Trận này nhất định phải thắng vì là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, phải nhân cơ hội này mà rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành lên một bước mới trong tác chiến tập trung lớn có nhiều binh chủng hiệp đồng chiến đấu.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 tại Sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3 ngụy, tháng 3/1971 

Sau một thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu, lần lượt các đơn vị của ta bí mật hành quân vào chiến trường, chiếm lĩnh các khu vực sẽ tác chiến, kiên trì chờ địch, giấu quân, tránh thám báo và máy bay trinh sát địch lùng sục phát hiện. Đồng thời, tổ chức cho bộ đội ăn Tết sớm để sẵn sàng bước vào những trận đánh lớn ác liệt dài ngày. Ngày 8/2/1971, trên hướng tiến công chủ yếu của địch, bộ đội ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Khi chúng vượt biên giới Việt Nam sang Lào, bộ đội ta vẫn giữ vững các điểm chốt. Từ ngày 8 đến ngày 13/2/1971, nhiều kế hoạch triển khai lực lượng của địch bị quân ta phá vỡ, buộc chúng phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh kế hoạch khiến cho tốc độ tiến quân và các mục tiêu đánh chiếm đạt được rất thấp. Từ ngày 16/2/1971, Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308 tiến đánh điểm cao 500 do Tiểu đoàn số 39 thuộc Liên đoàn biệt động quân số 1 ngụy chiếm giữ. Chiều ngày 20/02/1971, quân ta làm chủ hoàn toàn cao điểm 500, Tiểu đoàn 39 ngụy bị xóa sổ hoàn toàn. Thừa thắng, trưa ngày 25/2/1971, Trung đoàn 64 đã tấn công vào căn cứ 31, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 3, Tiểu đoàn pháo binh và Sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, bắt sống viên Đại tá Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ cơ quan Tham mưu của Lữ đoàn. Từ ngày 19 đến ngày 23/3/1971, Bộ Tư lệnh chiến dịch chuyển dịch đội hình về phía Đông, kết hợp truy kích địch với tác chiến ngăn chặn, lần lượt tiêu diệt địch ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây. Phối hợp với chiến trường chính, ở Khu 5 và Tây Nguyên, ta đã phá “bình định”, đẩy mạnh hoạt động phá lỏng, phá rã sự kìm kẹp của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt, quân và dân chiến trường Tây Nguyên đã phối hợp nhịp nhàng với chiến trường phản công Đường 9 - Nam Lào, bẻ gãy cuộc hành quân ra vùng Phi Ha của địch.

Ở Campuchia, ta đã phối hợp tốt với bạn, làm thất bại cuộc hành quân “Toàn thắng 171” của địch ở khu vực Công Pông Chàm, đập tan ý đồ của địch hành quân lên Cra-chi-ê, buộc chúng phải rút lui về củng cố tuyến đường 7. Tại đây, địch đã không thực hiện được âm mưu đánh vào vùng căn cứ, phá hoại hậu phương của ta, lại bị tiêu hao sinh lực và bị phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Quân ngụy Sài Gòn bị bắt trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào

Trên chiến trường Lào, ta đã cùng với lực lượng vũ trang của Lào đẩy mạnh hoạt động tác chiến, thực hiện tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng được một số vùng thuộc phía Đông cao nguyên Bô-lô-ven, Bắc Luông Phra-băng và ở cánh đồng Chum; đặc biệt, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” sang khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Thực hiện phương châm chiến lược “Đông Dương là một chiến trường”, “chung chiến hào đánh Mỹ”, các lực lượng cách mạng trên ba chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động, tạo điều kiện cho nhau và cùng nhau giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971. 

Thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam - Lào - Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Đây cũng là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi cuối cùng của ba nước Đông Dương trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng Phnôm Pênh (17/4/1975), giải phóng Sài Gòn (30/4/1975) và cuối cùng là thắng lợi của cách mạng Lào (2/12/1975).

Nguồn: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội