A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược

 Cách đây 50 năm, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 của quân và dân ta giành toàn thắng. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Với việc đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Chiến dịch đã góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra sự thay đổi cục diện chiến trường và đánh bại một bước quan trọng, mở ra triển vọng hiện thực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; là thắng lợi của trí tuệ và tài thao lược của Bộ thống soái tối cao. Nói cách khác, đó là thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo, độc lập tự chủ và sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh là sự thử thách lớn nhất đối với một dân tộc, một quốc gia. Vì thế, cuộc đọ sức quyết liệt không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn diễn ra căng thẳng, gay gắt từng giờ, từng phút ở các cấp chỉ huy, trước hết là ở cấp chiến lược, bộ tham mưu đầu não của hai bên. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là một trong những minh chứng về tài thao lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, từ sự lường định tình hình, phán đoán đúng âm mưu và ý đồ hành động của địch, nắm bắt những động thái chiến lược của chúng, quyết tâm tổ chức chiến dịch phản công, đến việc kiên quyết tập trung lực lượng, phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần của cả tiền tuyến và hậu phương, bảo đảm cho chiến trường đánh thắng.

1. Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vừa tiến hành các cuộc hành quân “bình định cấp tốc” ở miền Nam, vừa đánh phá ác liệt tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta, ngăn chặn nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho các chiến trường. Trước sự phản công quyết liệt của địch, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của ta bị tổn thất nặng nề; các đơn vị vũ trang bị đánh bật khỏi đô thị, vùng ven, vùng đồng bằng; một số phải rút qua bên kia biên giới hoặc về đứng chân ở Nam Quân khu 4. Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là giai đoạn cách mạng miền Nam đứng trước thử thách cực kỳ gay gắt. Song, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã bình tĩnh tìm hiểu, lợi dụng và khoét sâu những sai lầm của địch trong bước chuyển chiến lược, chỉ đạo các đảng bộ miền Nam, lực lượng vũ trang và Nhân dân từng bước khôi phục lại thế và lực trên chiến trường, nắm lại quyền chủ động chiến lược; đồng thời, khẩn trương khôi phục kinh tế miền Bắc, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho miền Nam, tập trung nâng cao một bước sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực.

Tháng 1-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 18 (khóa III) nhận định: Tình hình sẽ diễn biến phức tạp ở Campuchia, đường hành lang vận chuyển chi viện cho Nam Bộ và một phần Khu 5 có thể bị cắt đứt, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ quốc tế là tăng cường chi viện cho cách mạng Lào, góp phần cùng quân và dân Lào đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào. Đặc biệt, sau khi quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Mỹ và tay sai sẽ tiếp tục việc chuyển hướng chiến lược trên chiến trường miền Nam nước ta, từng bước rút một lực lượng lớn quân Mỹ, đồng thời để một bộ phận  quân Mỹ, nhất là không quân và hậu cần làm chỗ dựa để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên cơ sở đánh giá chính xác âm mưu, quy luật hoạt động của địch trong năm 1969 và đầu năm 1970 trên chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: Địch sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới trong thời gian tiếp theo, đồng thời dự đoán chính xác phương hướng tiến công chiến lược của chúng trong mùa khô 1970 - 1971 sẽ là tuyến vận tải chiến lược của ta ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thực hiện biện pháp được gọi là “Cuộc chiến tranh bóp nghẹt” nhằm ngăn chặn tận gốc con đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Về đối tượng tác chiến, Bộ Chính trị cũng cho rằng, trong khuôn khổ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thì trong các cuộc hành quân có tính chất phản công chiến lược của địch, lực lượng nòng cốt chủ yếu là ngụy quân Sài Gòn có sự chi viện mạnh về hỏa lực, phương tiện cơ động và một bộ phận quân Mỹ bảo đảm phía sau.

Thực tế diễn biến tình hình trong năm 1970 chứng tỏ Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã bắt mạch đúng âm mưu và chủ trương chiến lược của địch. Đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, buộc phải xuống thang từng bước, không thể duy trì cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do bản chất ngoan cố, nên mỗi bước xuống thang chiến tranh, địch lại tăng cường nỗ lực chính trị, quân sự và ngoại giao hòng giành thế mạnh trên chiến trường để tạo điều kiện “xuống thang” chiến tranh trên thế mạnh, giúp Mỹ rút ra trong danh dự. Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho các lực lượng trên toàn tuyến vận chuyển chiến lược chuẩn bị tổ chức chiến trường, đặc biệt là hướng Đường 9, sẵn sàng đánh bại quân địch khi chúng liều lĩnh đánh ra vòng ngoài. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Binh đoàn 70, binh đoàn chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, có nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công ra Nam Quân khu 4; đồng thời sẵn sàng phối hợp với các đơn vị tại chỗ thuộc B4, B5 và Đoàn vận tải chiến lược 559 đánh địch trên hướng Đường 9.

Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1971, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình định ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã tăng cường chuẩn bị và tiến hành các cuộc hành quân quy mô lớn sang Lào và Campuchia bằng lực lượng quân đội tay sai mà nòng cốt là ngụy quân Sài Gòn có sự hỗ trợ của quân Mỹ, nhằm triệt phá tuyến hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta. Mặc dù, trước khi tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đã tiến hành nghi binh trên cả ba hướng: Tây Nguyên, Đường 9 và Nam Quân khu 4, nhưng do ta nắm chắc được ý đồ chiến lược thực sự của địch là đánh phá tận gốc tuyến vận tải chiến lược, nên đã sớm xác định hướng tiến công chủ yếu sẽ là Đường 9 - Nam Lào và khẩn trương chuẩn bị khá toàn diện cho chiến dịch phản công quan trọng này.

Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào là một trong những cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của địch và cũng là sai lầm chiến lược của chúng trong quá trình thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên cơ sở phân tích tình hình chung trên toàn chiến trường cũng như trên từng khu vực, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cho rằng, sai lầm của địch bắt nguồn từ bản chất ngoan cố, phiêu lưu, mạo hiểm, là hậu quả một chuỗi sai lầm chiến lược từ trước của Mỹ và nằm trong sai lầm của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những sai lầm đó là:

Thứ nhất, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã đánh giá sai khả năng của ta, cho rằng, sau Tết Mậu thân năm 1968, ở miền Nam, lực lượng ta đã suy yếu không đủ sức mở các cuộc tiến công lớn; mặt khác, đánh ra Đường 9, chủ lực ở miền Bắc khó có điều kiện tập trung và cơ động kịp thời đến khu vực tác chiến. Đặc biệt, địch đánh giá thấp sức chiến đấu của lực lượng tại chỗ, sức cơ động và khả năng đánh hiệp đồng binh chủng của lực lượng chủ lực ta.

Thứ hai, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng tổng dự bị của ngụy quân Sài Gòn như các đơn vị dù, thủy quân lục chiến với sự chi viện về hỏa lực của không quân, pháo binh của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn mở cuộc hành quân vào một chiến trường mà ta đã có tổ chức chuẩn bị, có điều kiện để tiếp thu sự chi viện của miền Bắc và sử dụng lực lượng chủ lực với quy mô lớn.

Thứ tư, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Lào bằng lực lượng lớn, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị cả về dư luận, về lực lượng, phương tiện nên mất yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị chiến dịch.

Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tầm quan trọng  của chiến dịch phản công của ta và coi việc địch đưa lực lượng ra khu vực Đường 9 - Nam Lào là một cơ hội hết sức thuận lợi để ta tiêu diệt chúng. Do vậy, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thực sự “là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch trong lúc tinh thần của chúng đang suy sụp, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang”. Vì vậy, “Quyết tâm  của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với Nhân dân các nước Lào và Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai”.

2. Cuối tháng 1/1971, khi địch bắt đầu điều động và triển khai lực lượng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trên cơ sở theo dõi chặt chẽ mọi động thái của địch, diễn biến tình hình chiến trường, đã kịp thời hạ quyết tâm: Nhất thiết phải đánh thắng trận này, dù phải động viên sức người, sức của như thế nào, dù phải hy sinh như thế nào cũng phải quyết tâm đánh thắng, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược.

Có thể nói, quyết tâm chiến lược được đề ra dựa trên cơ sở phán đoán đúng âm mưu của địch, thấy rõ sai lầm của chúng, đánh giá đúng tình hình tương quan lực lượng hai bên. Để thực hiện quyết tâm đó, ta đã kiên quyết tập trung một bộ phận quan trọng binh lực trên cả hai miền, đặc biệt sử dụng gần hết lực lượng chủ lực cơ động và một bộ phận chủ lực ở miền Nam, với nhiều binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch. Đồng thời, Quân ủy Trung ương đã kịp thời thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường số 9, tăng cường cho Mặt trận nhiều cán bộ lãnh đạo và chỉ huy có kinh nghiệm và trong một thời gian ngắn đã huy động một khối lượng lớn vật chất bảo đảm cho chiến dịch. Ngày 9/2/1971, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị “Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch X”. Chỉ thị của Quân ủy Trung ương yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải “ra sức động viên chính trị, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng, yêu cầu của chiến dịch, quyết thắng thật cao, động viên khí thế chiến đấu thật sôi sục, thật bền bỉ, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, khơi sâu lòng căm thù giặc, có quyết tâm hy sinh chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho dân tộc. Bất kể tình huống nào chúng ta cũng phải đánh thắng”. 

Ngay từ khi quyết định mở chiến dịch, Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương hết sức cụ thể: Về mục tiêu chiến dịch: Tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, phá hủy, thu vũ khí trang bị, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược; Về hướng phản công chủ yếu: Khu vực Đường số 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông; Về phương châm tác chiến: Kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng chủ lực cơ động đánh bại tập đoàn tiến công của địch. Các vấn đề trên được thể hiện trong quyết tâm và kế hoạch thống nhất, nhằm mục tiêu chiến lược là đánh một đòn nặng vào lực lượng dự bị chiến lược tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn - lực lượng nòng cốt trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trong quá trình triển khai chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo hết sức tập trung. Thường vụ Quân ủy Trung ương họp hằng ngày, Quân ủy họp mỗi khi có tình hình chuyển biến phức tạp và mọi quyết định đều được báo cáo với Bộ Chính trị. Trên thực tế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo xử lý các tình huống nảy sinh trong chiến dịch. Chẳng hạn, sau những thắng lợi của ta trong giai đoạn đầu chiến dịch, Quân ủy Trung ương đã kịp thời ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Tuy địch đã thất bại bước đầu ngoài dự tính, nhưng với bản chất ngoan cố và còn lực lượng, nên qua mấy ngày lúng túng, chúng đang điều động thêm lực lượng với ý đồ củng cố trận địa Bản Đông thành một bàn đạp tương đối vững, đồng thời dùng lực lượng mới, thay đổi thủ đoạn tác chiến, cố gắng tiếp tục cuộc hành quân hòng vớt vát về chính trị... Tình huống cơ bản là cuộc chiến đấu có thể diễn ra quyết liệt trong một thời gian tương đối dài; chúng ta phải sẵn sàng đánh địch và thắng địch; đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch trong trường hợp chúng buộc phải rút sớm trước những thất bại mới”... Được sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời điều động lực lượng, tổ chức sẵn sàng đánh địch theo hai phương án: Địch ngoan cố kéo dài cuộc hành quân và rút sớm, tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Chính vì vậy, sau khi bị thất bại nặng nề trên các hướng, địch có biểu hiện rút chạy, các lực lượng ta đã nhanh chóng bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã tập đoàn tiến công chủ yếu của địch trên khu vực Bản Đông, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.

3. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thắng lợi đã để những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược.

Một là, trong chiến tranh, khi cục diện chiến trường ở vào thế giằng co, địch có những biểu hiện lúng túng về chiến lược, thì mặc dù lực lượng của ta còn hạn chế, để tạo ra bước ngoặt quyết định, cần kịp thời và kiên quyết tập trung nỗ lực cao độ cả về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cả về sử dụng lực lượng cũng như vũ khí, phương tiện và bảo đảm hậu cần cho các hoạt động tác chiến có ý nghĩa chiến lược. Chỉ có như vậy mới tạo ra chuyển biến lớn về thế và lực, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới.

Hai là, chiến tranh là sự thử thách lớn, toàn diện và liên tục; là cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai bên tham chiến. Mỗi lần địch thay đổi chiến lược và biện pháp chiến tranh là một lần khó khăn, thử thách lớn đối với ta. Để vượt qua những thử thách trong chiến tranh, ta phải tập trung công sức, trí tuệ, lực lượng để giành và giữ vững quyền chủ động trong mọi tình huống. Trong thực tiễn chỉ đạo, ta đã tập trung lực lượng chủ lực lớn nhất có thể tập trung được và đã huy động đến mức cao nhất nhân lực, vật lực của cả tiền tuyến và hậu phương. Đặc biệt, để bảo đảm chắc thắng trong trận mở đầu và cho toàn chiến dịch, ta đã kịp thời và nhanh chóng cơ động lực lượng lớn chủ lực đến địa bàn chiến dịch, tạo so sánh lực lượng có lợi cho ta, bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch.

Ba là, trong chiến tranh, chiến dịch chịu sự chỉ đạo của chiến lược, thực hiện nhiệm vụ của chiến lược. Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch. Vấn đề đặt ra trước hết trong chỉ đạo chiến lược là phải trên cơ sở phân tích tình hình, nhận rõ những sai lầm, mạnh yếu của địch, khoét sâu những sai lầm chiến lược của chúng, quyết tâm mở chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Thực tế lịch sử chiến tranh cho thấy, một nước nhỏ chống lại chiến tranh xâm lược của nước lớn, một quân đội ít hơn địch về số lượng, yếu hơn địch về vũ khí trang bị, để đánh thắng, phải có nghệ thuật chỉ đạo chiến lược cao hơn địch, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân đánh giặc, của nhân tố chính trị tinh thần và nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang; phải giữ vững và phát huy quyền chủ động trên chiến trường, điều được địch và buộc địch phải đánh theo cách của ta. Điều đó khẳng định, ta thắng Mỹ không phải chỉ bằng sự hy sinh, lòng dũng cảm mà trước hết là bằng bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Có thể nói, thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của chủ trương đúng đắn, nghệ thuật chỉ đạo sắc sảo, cách đánh thích hợp và có hiệu quả. Thắng lợi to lớn và toàn diện của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cho thấy mối quan hệ giữa cách đánh và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược có vị trí rất quan trọng. Cách đánh sáng tạo được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao có thể làm thay đổi nhanh chóng tình thế, thay đổi  cục diện chiến trường, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng Quân đội ta tiến lên chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: TẠP CHÍ CỘNG SẢN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội