Thứ sáu, 29/03/2024 - 12:41
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) cắt đôi huyện Vĩnh Linh làm đường giới tuyến tạm thời. Trị - Thiên trở thành địa đầu của miền Nam tiếp giáp với hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Khu 4 được tổ chức lại. Khu vực Vĩnh Linh và các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thuộc Quân khu 4, Thanh Hóa thuộc Quân khu 3. Bắc Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế là phân khu Bắc của Khu 5 suốt từ 1954 - 1965. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mới quyết định thành lập Khu ủy Trị - Thiên. Về quân sự lập khu Trị - Thiên (B4) và Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) trực thuộc Bộ. Như vậy, chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) bao gồm ba huyện phía bắc của tỉnh Quảng Trị là: Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa (Bắc Hướng Hóa). Phía Bắc Vĩnh Linh, Quảng Bình (thuộc Quân khu 4); phía Nam là chiến trường Quân khu Trị - Thiên; phía Tây giáp Lào; phía Đông giáp biển Đông.

Phía sau B5 là Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quân khu 4) là hậu phương xã hội chủ nghĩa trực tiếp của cả B5 và B4. Bởi vậy B5 có quan hệ mật thiết với B4 và Quân khu 4, đặc biệt là Vĩnh Linh, Quảng Bình và một phần Trung Lào. Nếu các chiến trường đó không xây dựng được và hoạt động tốt thì B5 sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại. Ngược lại, sự hoạt động của B5 có tác dụng rất lớn trong việc phối hợp chiến trường toàn miền, nhất là với Trị - Thiên.

Lực lượng vũ trang Quảng Bình tham gia làm đường giao thông.
Ảnh: T.L

 

Như vậy, vị trí và tầm quan trọng về chiến lược của chiến trường B5 là chiến trường đánh tiêu diệt của bộ đội chủ lực ta, thu hút giam chân lực lượng cơ động chiến lược của Mỹ - ngụy. B5 còn là chiến trường trực tiếp phá sự ngăn chặn của địch, bảo đảm chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Xuất phát từ vị trí hiểm yếu của mình, Quảng Bình đã trở thành hậu phương trực tiếp của miền Nam, đặc biệt là Đường 9 - Khe Sanh. Bao nhiêu nhân tài vật lực chi viện cho tiền tuyến và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia đều phải vận chuyển qua địa bàn Quảng Bình. Hơn nữa địa bàn Quảng Bình cũng là nơi bộ đội ta tập kết để vượt qua giới tuyến, có khi là địa bàn xuất phát tiến công đánh vào trận địa của địch. Bởi vậy Quảng Bình đã trở thành trọng điểm đánh phá của địch trong chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân. Máy bay, tàu chiến Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống dãi đất hẹp Quảng Bình, hòng biến địa bàn ở đây thành một nơi không còn sự sống.

Trước âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch, để giải toả đường và hàng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ thị cho các lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng trên địa bàn Quân khu 4, kiên quyết đánh bại "chiến dịch ném bom hạn chế" của đế quốc Mỹ, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, đáp ứng mọi nhu cầu của tiền tuyến.

Thực hiện sự chỉ đạo của trên, Ban cán sự Tỉnh đội đã chỉ đạo các cơ quan Tỉnh đội, Ban cán sự các huyện đội tập trung tiếp tục củng cố lại tổ chức biên chế cho các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trang bị vũ khí cho các lực lượng. Đến giai đoạn này, ở Quảng Bình ngoài các đơn vị bộ đội chủ lực; toàn tỉnh còn có 51.180 người tham gia dân quân tự vệ, biên chế 11 tiểu đoàn, 279 đại đội, 772 trung đội và 126 tiểu đội độc lập kề vai sát cách cùng các lực lượng và các binh đoàn cơ động, các quân, binh chủng của Bộ Quốc phòng; Quân khu 4 triển khai đứng chân trên địa bàn tỉnh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Bền lòng, vững chí, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ Quân khu và Đảng bộ tỉnh; LLVT tỉnh Quảng Bình nêu cao quyết tâm kiên cường đánh trả không quân và hải quân Mỹ, giữ vững giao thông thông suốt. Trong bảy tháng chống thủ đoạn "ném bom hạn chế" của Mỹ, LLVT Quảng Bình cùng với quân và dân Quân khu 4 đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 425 máy bay các loại, bắn cháy 31 tàu chiến địch (riêng Quảng Bình bắn rơi 191 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 13 tàu khu trục, 1 tàu biệt kích). Tổ chức bao vây, đánh tiêu diệt 41 toán biệt kích địch thâm nhập vào địa bàn tỉnh; tiêu diệt, bắt sống 119 tên; tham gia chiến đấu trên các chiến trường Trị Thiên và mặt trận Trung Lào trực tiếp tiêu diệt hơn 7.000 tên Mỹ - ngụy góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Cùng với các địa phương trong Quân khu 4, đã huy động trên 10 triệu lượt người ra mặt đường, khôi phục và làm mới 2.500km đường cơ giới, 173 km đường goòng, đóng 21 chiếc phà mới, 17 bộ cầu phà, sửa chữa 33 phà, 200 thuyền cho các binh trạm 1, 2, 3 và 14. Chuyển gấp 26.000 tấn hàng vào chiến trường Đường 9 trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh. Khối lượng vận chuyển cả năm 1968 vào miền Nam và Lào tăng gấp hai lần so với năm 1967.

Dân công hỏa tuyến Quảng Bình vận chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến dịch tại cảng sông Gianh.
Ảnh: T.L

 

Suốt trong giai đoạn 1965 - 1968, hậu phương Quảng Bình đã trở thành địa bàn đọ sức quyết liệt chống lại chiến lược "chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Hậu phương chuyển hẳn vào thời chiến, đánh bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại của địch. Có thể nói đây là nhiệm vụ hàng đầu của Quảng Bình. Ngày 21 tháng 7 năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giảp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trường Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các lực lượng giao thông vận tải trên địa bàn quân khu: "... Đảm bảo giao thông vận tải là công tác trung tâm đột xuất lúc này. Trên địa bàn Quân khu 4, công tác này càng trở nên cực kỳ quan trọng. Bằng mọi cách cần phải cố gắng vượt bậc, tranh thủ từng ngày, từng giờ bảo đảm cho kỳ được giao thông thông suốt để khỏi ảnh hưởng đến nhiệm vụ tiền phương".

Mặt trận tiền phương đòi hỏi chi viện cả sức người và sức của, đặc biệt là lương thực. Trong năm 1968, quân và dân Hướng Hóa đã phải chịu một nạn đói khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử do chất độc hóa học của giặc Mỹ gây nên. Bởi vậy, nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải để chi viện cho miền Nam lúc này trên địa bàn Quảng Bình lại càng cấp bách hơn. Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4. Qua đó, ở Quảng Bình, Ban bảo đảm giao thông tỉnh được thành lập do đồng chí Cổ Kim Thành - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh phụ trách Trưởng ban.

Vượt lên trên mọi khó khăn tàn khốc của chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra, Quảng Bình thực sự trở thành "tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam và Trung - Hạ Lào". Quảng Bình không chỉ là nơi tập kết cơ sở vật chất kỹ thuật, là đoạn cuối của hành lang chiến lược nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam mà còn là đội dự bị trực tiếp cùa chiến trường Trị - Thiên, là nơi chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn kịp thời và có hiệu quả nhất.

Suốt 6 tháng đầu năm 1968, LLVT Quảng Bình đã huy động mọi phương tiện, kể cả biện pháp dùng bè mảng để chở hàng hoá, kéo xăng ngược dòng sông Gianh, nhưng chỉ tạo được 20% chân hàng cho đoàn 559. Hàng địa phương chủ yếu dựa vào các đơn vị vận tải thuỷ trên sông Gianh, Lý Hoá, Long Đại, Kiến Giang.

Chiến trường đang khát từng lít xăng, cân gạo. Các đầu mối, chân hàng, các cửa khẩu, hàng và xe ùn lại. Trên đường chiến lược 20, Binh trạm 14 đang lúng túng xử lý túi nước ngầm Chà Ang, Chà Là. Ở đây, một bên vách núi, một bên suối sâu, vực thẳm. Vách núi đá vôi do bom lửa ném đổ xuống thành vôi sống, gặp mưa, vôi và đất biến thành bùn sệt làm đường tắc, xe không qua được.

Chấp hành lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 4 vào theo yêu cầu của Tổng cục Hậu cần tiền phương, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Bình điều một tiểu đoàn cõng gạo, gánh xăng qua trọng điểm Chà Là, Phu - la -nhích. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì bom, đạn kẻ thù.

Tháng 7 năm 1968, toàn bộ phương tiện vận tải cơ giới ở phía Nam Hà Tĩnh và Quảng Bình ngừng hoạt động vì không có xăng. Tuyến vận tải trên địa bàn Quân khu 4 bị tắc làm nhiều đơn vị ở chiến trường Khu 5, Tây Nguyên,  mỗi người trong ngày chỉ có 4 lạng gạo ăn; Có trung đoàn phải ăn cháo hàng tuần. Ở chiến trường Trị - Thiên, mức ăn của bộ đội giảm xuống đáng lo ngại: Tháng 5/1968, mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp 5 lạng gạo ăn một ngày; tháng 6 tụt xuống 3 lạng; tháng 7/1968 được 2 lạng một ngày. Nhiều đơn vị, quân số đi vận chuyển nhiều hơn quân số chiến đấu.

Miền Tây Trị - Thiên  cũng chịu đựng những thử thách gay gắt. Do chất độc của Mỹ - ngụy gây ra, hàng ngàn đồng bào, cán bộ, bộ đội thiếu ăn. Ở Quảng Bình đang kỳ giáp hạt, lương thực bảo đảm đời sống cho nhân dân và lực lượng vũ trang cũng đang đứng trước những thử thách to lớn. Quân khu Trị - Thiên điện ra yêu cầu Quảng Bình chi viện lương thực. "Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời"; "Vì Trị - Thiên không tiếc máu xương", Tỉnh uỷ Quảng Bình bàn biện pháp vay gạo của nhân dân gửi gấp ra chiến trường. LLVT cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thực hiện ăn bữa cơm, bữa cháo, góp gạo cho chiến trường. Qua hai tháng thực hiện chủ trương "Trút gạo trong nồi cho Trị - Thiên đánh Mỹ", mùa giáp hạt năm 1968, LLVT Quảng Bình đã góp phần cùng toàn tỉnh huy động được 2.600 tấn gạo kịp thời gửi vào cho Trị - Thiên. Các Binh trạm 12, 14, 16 đã chuyển số gạo của Quảng Bình vào chiến trường.

Do các đoàn xe chở xăng từ phía bắc vào bị tắc ở Đá Đẽo vì cầu phao bắc qua Sông Son (Sơn Trạch, Bố Trạch) bị trúng bom, cơ quan Binh trạm 14 ở Cổ Giang (Hưng Trạch, Bố Trạch) cũng bị địch đánh trúng. Đến ngày 5 tháng 8, xăng dự trữ của Đoàn 559 chỉ còn đủ cho 800 xe chạy một chuyến. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 điện báo cáo Bộ: "Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không kịp chuyển lương thực vào sẽ có nguy cơ hàng vạn quân bị đói".

Chấp hành điện khẩn của Bộ Quốc phòng "Bằng giá nào cũng phải gùi xăng vào cho anh Đồng Sĩ Nguyên", Tổng cục Hậu cần tiền phương và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động lực lượng tăng cường cho Binh trạm 14 làm nhiệm vụ đưa xăng vượt cửa khẩu đường 20. Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Bình cử 2 tiểu đoàn tham gia nhiệm vụ này. Dưới làn mưa bom lửa đạn, cuộc chiến đấu trên đường 20 diễn ra quyết liệt từng giờ, từng phút và trên mặt trận giao thông vận tải đã có nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu và hy sinh oanh liệt.

 Công tác giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ của toàn dân. Địch đánh phá ác liệt nhưng hàng hoá đi về trước ngày càng tăng. Năm 1968, số lần địch đánh phá gấp 15 lần năm 1965, số hàng hoá vào Quảng Bình cũng gấp nhiều lần so với năm 1965, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của tiền tuyến lớn, phục vụ tốt công tác chiến đấu, sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Năm 1968, khối lượng vận chuyển tăng gấp hai lần năm 1967. Tổng số hàng năm 1968 vào Quảng Bình là 131.547 tấn, trong đó khối lượng vận chuyển cho tiền tuyến lên đến 62.148 tấn, gấp 3 lần  năm 1966.

Mặc dù địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, nhưng cùng với cả nước, LLVT và nhân dân Quảng Bình vẫn vượt qua mọi gian khổ, hy sinh với tinh thần: "Tất cả vì sự sống của con đường", vì "Một cân hàng chính phủ là một cân vàng vào Nam". Chỉ tính riêng trong giai đoạn này Quảng Bình đã tiễn đưa 2.321 thanh niên tòng quân ra mặt trận. 1.700 thanh niên xung phong và 621 nam nữ thanh niên đi dân công hoả tuyến phục vụ các chiến trường, tỉ lệ đạt mức cao nhất trong chiến tranh. LLVT tỉnh cũng đã điều các đơn vị bộ đội địa phương như tiểu đoàn 45, 49, các đại đội 361, 362, 363, 365 vào trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên và lập nên nhiều chiến công vang dội ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, cao điểm 544, cao điểm 161... cùng hàng nghìn dân quân du kích "ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam" đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Đường 9.

Để có được 170 ngày đêm vây hãm Khe Sanh làm chấn động cả nước Mỹ, quân và dân ta đà có một quá trình chuẩn bị lâu dài, sự lãnh đạo tài tình của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự đóng góp hy sinh vô bờ bến của quân và dân trong cả nước, trong đó trực tiếp là Quân khu Trị - Thiên và Quảng Bình. Bắt đầu từ giữa năm 1966 để nhằm mục đích phân tán lực lượng chủ lực cơ động chiến lược Mỹ - ngụy, tạo thuận lợi cho chiến trường toàn Miền, trực tiếp là vùng đồng bằng Trị - Thiên. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Đường số 9 - Bắc Quảng Trị (mật danh là Mặt trận X); tổ chức lực lượng và công tác chuẩn bị cho mặt trận do Quân khu 4 đảm nhiệm.

Bộ Tư lệnh mặt trận được coi như chỉ huy tiền phương của Quân khu 4, vừa chỉ huy phía trước, vừa chỉ đạo xây dựng hậu phương Vinh Linh, chuẩn bị chiến trường ở khu vực và chỉ huy các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh, Quảng Bình tác chiến trong trường hợp địch tiến công bằng bộ binh ra phía Nam Quân khu 4.

Việc thành lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và sự phát triển mới của chiến trường Trị - Thiên, đặt vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình và Vĩnh Linh trở thành hậu phương trực tiếp, trong đó Quảng Bình trở thành hậu phương chiến dịch...

Những hoạt động đánh địch ứng cứu, giải tỏa trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị  đã góp phần thực hiện thắng lợi quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Địch còn giữ Khe Sanh ngày nào thì chúng buộc phải rải quân giữ Đường số 9. Do đó từ ngày 20 tháng 6, lực lượng địch ở tập đoàn cứ điểm Khe Sanh chỉ còn 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, nhưng chúng vẫn phải rải một bộ phận bảo vệ đường 9 để duy trì tiếp tế cho cụm cứ điểm Tà Cơn và khi cần yểm hộ cho cuộc rút chạy của chúng khỏi Khe Sanh.

Bị thiệt hại nặng nề và trước tình thế bị bao vây cô lập, từ ngày 26 tháng 6 năm 1968, quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Khe Sanh. Tranh thủ thời cơ, ngày 9 tháng 7 năm 1968, ta chiếm cứ điểm Tà Cơn và giải phóng hoàn toàn Khe Sanh. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1968, địch buộc phải rút về khu vực Cà Lu - Tân Lâm. Đường 9 từ Cà Lu lên biên giới Việt Lào dài trên 40km hoàn toàn được giải phóng. Đường vận tải chiến lược thông suốt cả Đông và Tây Trường Sơn.

Rút chạy khỏi Khe Sanh, tuyến phòng ngự chiến lược của địch bị bỏ ngỏ suốt từ Lao Bảo đến Cà Lu. Đường vận tải chiến lược của ta đảm bảo an toàn; Đây là một thắng lợi rất lớn đánh dấu sự đổ vỡ trong chiến thuật phòng ngự của Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, gây ra tâm lý thất bại chán chường cả về quân sự lẫn chính trị trong giới quân sự Mỹ, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân tiến bộ Mỹ lên cao.

Với quan điểm "Nam Quân khu 4 với Trị - Thiên là một chiến trường, Bắc Quảng Trị và Vĩnh Linh là một mặt trận", LLVT và nhân dân Quảng Bình đã không tiếc công sức, của cải và tính mạng của mình sát cánh chiến đấu cùng quân dân Trị - Thiên ruột thịt. Với tinh thần "tiền tuyến có đánh to, thắng lớn hay không là do sức mạnh chi viện của hậu phương lớn quyết định, hậu phương có đáp ứng yêu cầu tiền tuyến hay không, vị trí đầu cầu trung chuyển của Quân khu 4 giữ vai trò quyết định. LLVT và nhân dân Quảng Bình đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, dồn tất cả sức lực, tài năng, trí tuệ, bằng tất cả mọi phương tiện thô sơ, hiện đại, vượt lên mọi thử thách hy sinh, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng là bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện nhiều nhất, tốt nhất, nhanh nhất cho tiền tuyến, góp phần cùng chiến trường Trị - Thiên đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, LLVT Quảng Bình tuy không phải là lực lượng tham gia chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, nhưng Quảng Bình là hậu phương vững chắc đã cung cấp kịp thời về vũ khí, vật chất và cả con người cho chiến trường và rất đỗi tự hào đã góp phần xứng đáng trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt 170 ngày đêm vây hãm Khe Sanh, với thế sâu và hiểm của chiến tranh nhân dân, kết hợp với hoạt động tác chiến của các sư đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương Quảng Bình cùng với các đơn vị của Quân khu 4 đã tiến công địch bằng cả "hai chân, ba mũi" trên cả ba vùng chiến lược, góp phân làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch, đập vỡ tan tành hệ thống phòng ngự vòng ngoài của chúng, tiến lên giải phóng quận ly, thị trấn Khe Sanh.

21 năm chống Mỹ, cứu nước là chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng hết sức vẻ vang, oanh liệt của dân tộc. Suốt thời gian đó, LLVT Quảng Bình cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược: vừa tham gia cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa làm nhiệm vụ tiền tuyến, vừa làm nhiệm vụ hậu phương, vừa làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, Cam-pu-chia. Trong sự nghiệp vẻ vang ấy, tiền tuyến, hậu phương Quảng Bình cùng với các lực lượng trên địa bàn quân khu 4 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, vinh dự được Bác Hồ khen ngợi: "...chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi ".

Ôn lại lịch sử, chúng ta càng tự hào và trân trọng ruyển thống vẻ vang, quý báu của quê hương; LLVT Quảng Bình càng thêm đoàn kết vượt mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng quân dân cả nước làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Lê Văn Vỹ

Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội