Quân khu 4 với chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968
Những tháng cuối năm 1967, diễn biến trên chiến trường miền Nam, hậu phương miền Bắc và ngay ở chính nước Mỹ đã xuất hiện thời cơ chiến lược cách mạng thuận lợi. Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thông qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1 năm 1968). Theo đó, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở đường 9 - Khe Sanh là hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng tiến công chiến lược đánh địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng vào các đô thị và nông thôn trên toàn chiến trường miền Nam, nhất là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn.
Đêm 20 tháng 1 năm 1968, Chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ đường 9 (Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh) bắt đầu, gây bất ngờ cho các nhà chiến lược Mỹ. Tổng thống Giôn Xơn chỉ thị cho tướng Taylo thành lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng để theo dõi chiến sự Khe Sanh, đồng thời yêu cầu Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân cam kết “phải bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào”.
Tuy nhiên, do bị thiệt hại nặng nề và trước sức ép của ta, đến ngày 15 tháng 7 năm 1968, địch buộc phải rút khỏi Khe Sanh. Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 giành thắng lợi. Ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch (loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên, bắn rơi 197 máy bay, bắn cháy 80 tàu vận tải lớn nhỏ, phá hủy 78 xe các loại, 46 khẩu pháo, cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác); thu hút, giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ - ngụy và đập vỡ một mảng tuyến phòng thủ đường 9 của địch. Đường 9 từ Cà Tu lên biên giới Việt - Lào dài trên 40 km hoàn toàn được giải phóng, nối thông tuyến vận tải chiến lược Đông và Tây Trường Sơn; đánh dấu sự đổ vỡ trong chiến lược phòng ngự của Mỹ - ngụy hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam; thúc đẩy những mâu thuẫn và phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay từ trong nội bộ nước Mỹ lên cao. Tiếng vang của chiến thắng Khe Sanh truyền khắp thế giới. Hãng tin Roi Tơ của Anh ngày 2 tháng 7 năm 1968 viết “Khe Sanh được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.
Thắng lợi đó là kết tinh sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam Bắc, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của Quân khu 4 - Quân khu tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, đặc biệt là Trị Thiên và Lào, nổi bật là:
Một là: Dốc lòng, dốc sức cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường nói chung và Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh nói riêng.
Từ năm 1967 cùng với cả nước, các tỉnh Quân khu 4 (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đặc khu Vĩnh Linh) nhanh chóng động viên cao nhất nhân lực, vật lực chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, trong đó có Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh.
Quân khu có 11.130 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 10.000 người vào chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Quân khu điều động 7.232 quân của các đơn vị bổ sung cho Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5). Đồng thời tăng cường cho B5 một số đơn vị chuyên môn kỹ thuật, lực lượng bảo đảm gồm: Tiểu đoàn Công binh 28, một trung đội hữu tuyến điện, một trung đội trinh sát, một đội điều trị (51 người), một trung đội chỉ huy pháo mặt đất và hai tiểu đoàn dân công (1.000 người). Quân khu tham gia vận chuyển hàng cho chiến trường miền Nam đạt 117% kế hoạch, riêng chiến trường Trị Thiên (tập trung là Đường 9 - Bắc Quảng Trị) đạt 28.592 tấn.
Năm 1968, diễn biến trên chiến trường miền Nam, chiến trường Trị Thiên, đường 9 - Khe Sanh diễn ra vô cùng ác liệt. Yêu cầu chi viện lực lượng cơ sở vật chất, vũ khí đạn dược vô cùng lớn. Các địa phương trong Quân khu 4 đã huy động tối đa sức người, sức của cho chiến trường. 66.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, đạt mức cao nhất trong chiến tranh. Quân khu vừa phải đảm bảo lực lượng cho kế hoạch tác chiến phòng thủ, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn địch liều lĩnh tiến công ra miền Bắc; vừa đảm bảo lực lượng đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, đảm bảo giao thông vận tải; vừa bổ sung lực lượng đưa vào chiến trường 1 sư đoàn, 5 trung đoàn, 21 tiểu đoàn, 30 đại đội cùng với 2.600 dân công hoả tuyến của tỉnh Hà Tĩnh và hàng nghìn dân quân, du kích Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Sự chi viện kịp thời của miền Bắc nói chung, Quân khu 4 nói riêng về lực lượng và cơ sở vật chất, kỹ thuật không chỉ đảm bảo tăng cường sức mạnh, tạo thế và lực, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến trường Đường 9 - Khe Sanh đánh thắng địch, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao.
Hai là: Trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần trực tiếp vào thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe sanh.
Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch, quân và dân Quân khu 4 vừa cùng với các đơn vị của Mặt trận B5, Bộ, quân và dân Trị Thiên trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Trên hướng Đông của Chiến dịch, Trung đoàn 270 Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ cắt đứt tuyến tiếp tế đường sông từ Cửa Việt lên Đông Hà - Tà Cơn của Mỹ ngụy, diệt địch ứng cứu giải tỏa, giữ vững trận địa Bắc Cửa Việt; cùng các đơn vị của Mặt trận B5, kéo địch về phía đơn vị mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng, nhất là Trị Thiên Huế chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy. Đêm 19, ngày 20 tháng 1, Trung đoàn vượt sông Bến Hải đánh chiếm, chốt giữ các điểm Lâm Xuân, Bạch Cầu, Hoàng Hà ngăn chặn địch hoạt động trên sông Thạch Hãn, diệt 4 tàu địch trên sông, 10 xe bọc thép, 2 máy bay AD6 và 7 máy bay trực thăng, phá hủy 5 kho chứa đầy hàng, 30 xe quân sự, tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ, ngụy. Pháo binh Quân khu (Đoàn Bến Hải) từ bờ Bắc dội bão lửa vào căn cứ Ái Tử, xóm Búng, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ; phá hỏng một đài ra đa, một xe M113, một kho đạn.
Ngày 10 tháng 3, Trung đoàn 270 tiến công căn cứ Hậu cần Cửa Việt diệt 140 tên địch, đốt cháy 5 nhà kho chứa đầy hàng, phá hủy 30 xe quân sự.
Ở hướng Tây Chiến dịch, đêm 31 tháng 1 năm 1968, phối hợp với cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng vũ trang Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với Trung đoàn 24/Sư đoàn 324 tiến công tiêu diệt cứ điểm làng Vây. Cùng với sự thất thủ của các căn cứ Huội San, Chi khu quân sự Hướng Hóa, tuyến phòng thủ Tây Khe Sanh bị phá vỡ, cụm cứ điểm Tà Cơn bị cô lập, vây hãm. Mặc dù quân địch phản ứng điên cuồng, trung bình một ngày đêm máy bay dội xuống 100 ngàn tấn bom đạn và hơn 100 ngàn quả đạn pháo 175mm trên mảnh đất rộng khoảng 34 km2, nhưng vòng vây ngày càng siết chặt, quân Mỹ phải sống chui rúc dưới hầm. Khe Sanh trở thành “địa ngục trần gian”, một“Điện Biên Phủ” đối với Mỹ.
Với tinh thần “hướng Tây gọi, hướng Đông trả lời”1, các đơn vị chủ lực của Quân khu tham gia chiến đấu trong đội hình B5 (Trung đoàn 2/Sư đoàn 324), phối hợp cùng bộ đội địa phương Gio Linh bí mật vượt sông Thạch Hãn tiến công ty cảnh sát, dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị, đánh thiệt hại Tiểu đoàn dù ngụy ở Hành Hoa. Sáng 3 tháng 2, Trung đoàn 27 đánh chiếm Phúc Sa. Lực lượng vũ trang các huyện Hải Lăng, Triệu Phong phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiến công địch ở các vị trí cầu Nhùng, Sa Nghi, Bến Đá, Ngô Xá, giải phóng các xã Triệu Trung, Triệu Phương, Triệu Đại, Triệu Hoa.
Ở Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, nhân dân dỡ nhà, chặt tre, đẽo hàng nghìn cọc nhọn cắm chặn sông Cửa Việt ngăn tàu địch qua lại, buộc địch phải dùng máy bay đổ xăng xuống đốt. Bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tiếp tục vây ép Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, điểm cao 31, đánh cắt giao thông địch trên đường số 1. Đặc biệt là trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu” cách Đông Hà 2 km về phía Đông (từ cồn Mai Xá đến ngã ba Gia Độ), vào ngày 28 tháng 2, đánh đoàn tàu vận tải của địch chạy từ Cửa Việt lên cảng Đông Hà, bắn chìm 3 tàu, bắn hỏng 3 tàu khác, làm cho tàu địch 4 ngày sau không một chiếc nào dám về Đông Hà chi viện tiếp tế cho đường 9.
Tiểu đoàn Đặc công 31 cùng với đặc công của Bộ (Tiểu đoàn 126, nay là Lữ đoàn 126, Vùng 1 Hải quân), từ Vĩnh Linh luồn theo mép biển đưa chất nổ vào Cửa Việt, kết hợp với pháo binh, cao xạ và lực lượng dân quân liên tục quần nhau với địch ở ngã tư Sòng, bắn cháy 35 tàu, đánh chìm 82 xuồng của địch. Sáu đại đội dân quân các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) vượt sông Bến Hải vào cảng Cửa Việt phục kích, săn tàu, bắn chìm 12 xuồng, bắn cháy 4 tàu vận tải, 2 xe tăng.
Đại đội 3 Tiểu đoàn 49, Đại đội 1 Tiểu đoàn 46 Quảng Bình, Đại đội súng cối 82 của Hà Tĩnh được tăng cường vào chiến đấu ở Mặt trận đường 9 đã bắn cháy hàng chục xe vận tải của địch. Trong 10 ngày cuối tháng 2 các tổ bắn tỉa của dân quân Vĩnh Nam, Vĩnh Tú (Vĩnh Linh) đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Nữ du kích Trần Thị Bưởi trong đội bắn tỉa Vĩnh Tú, chỉ trong 3 ngày phục kích với 26 viên đạn đã diệt 19 tên địch. Tại chốt Phò Cam (Gio Mỹ), ngày 25 tháng 3, 14 tay súng dân quân Vĩnh Trung cùng một tổ bộ đội chủ lực bẻ gãy 9 đợt tiến công của 4 tiểu đoàn ngụy, diệt 150 tên, giữ vững trận địa[2].
Sau đợt 1, đợt 2 của Tổng tiến công và nổi dậy, cuộc chiến đấu ở đường 9 - Khe Sanh vẫn tiếp diễn vô cùng ác liệt. Bị ta vây hãm, địch mở các cuộc hành quân lớn mang tên “Ngựa bay” và “Lam sơn 207” giải tỏa Khe Sanh. Lực lượng địch gồm: Sư đoàn 1 “Kỵ binh bay”, 6 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ; Chiến đoàn 3 quân dù, 1 tiểu đoàn biệt động ngụy, dưới sự chi viện của không quân, pháo binh, tiến hành cuộc đổ bộ bằng máy bay lên thẳng, cùng với tiến công đường bộ dọc theo đường 9.
Từ tháng 4, Quân khu thành lập cụm Pháo binh do Trung đoàn 164 chỉ huy chi viện cho Trung đoàn 27, 270 và lực lượng địa phương tiến công địch ở xã Gio Hà, làng Mai Xá (xã Gio Mai), căn cứ Bạch Cầu, Nhĩ Trung (xã Gio Thành); bao vây kìm giữ lực lượng địch ở Cồn Tiên; chốt giữ vững khu vực Lâm Xuân, Bạch Cầu, Hoàng Hà; đánh phá giao thông ngăn chặn tiếp tế của địch từ Cửa Việt lên Đông Hà, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trên hướng Tây Chiến dịch vây ép Khe Sanh, ngăn chặn lực lượng giải tỏa của địch.
Cùng với trực tiếp tham gia chiến đấu, Quân khu 4 còn tích cực phục vụ chiến đấu; tiếp nhận và điều trị cho thương binh, bệnh binh loại vừa và nặng của các đơn vị tham gia Chiến dịch và Quân khu Trị Thiên từ bờ Nam chuyển ra. Quân khu đã chấn chỉnh hệ thống quân y viện trên 3 tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Bổ sung tăng cường lực lượng, phương tiện, thuốc men cho các đội điều trị, đội cứu thương, đội phẫu lưu động bám sát các đơn vị tham gia chiến dịch để kịp thời thu dung, cấp cứu, điều trị thương, bệnh binh. Dân công của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh vừa tham gia vận chuyển lực lượng, vũ khí, cơ sở vật chất hậu cần vào chiến trường, vừa cùng dân quân du kích, nhân dân Gio Linh, Cam Lộ vận chuyển thương binh, liệt sỹ trở về tuyến sau. Hệ thống bệnh viện, bệnh xá được sơ tán đến những nơi an toàn, đảm bảo thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời. Riêng năm 1968, Viện Quân y 4 đã thu dung, cấp cứu, điều trị cho 10.738 thương, bệnh binh; trong đó điều trị khỏi trở về đơn vị chiến đấu 6.387 người.
Ba là: Kiên cường đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của địch; huy động cao nhất lực lượng giữ vững mạch máu giao thông vận tải, đảm bảo sự chi viện liên tục, kịp thời cho chiến trường miền Nam nói chung, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 nói riêng.
Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1968, cùng với những diễn biến quyết liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam đặc biệt là chiến trường đường 9 - Khe Sanh, địch đánh phá các trục đường giao thông trên địa bàn Quân khu 4 càng ác liệt. Mật độ bom đạn địch dội xuống địa bàn Quân khu tăng 20 lần, số trận máy bay Mỹ ném bom tăng 2,6 lần so với năm 1967. Riêng ngã ba Đồng Lộc và Thượng Gia (Hà Tĩnh), không quân địch tập kích 5.300 lần chiếc, ném 37.500 quả bom phá, thả 5.000 quả bom từ trường, nhằm cắt đứt hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu trở thành mặt trận nóng bỏng.
Năm 1968, khối lượng vận chuyển chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm và hàng hóa các loại cả năm vào miền Nam và Lào tăng gấp hai lần so với năm 1967. Riêng nhu cầu cho chiến trường đường 9 - Khe Sanh là 26.700 tấn3. Lượng vật chất này được các đơn vị của Bộ, Tổng cục Hậu cần đảm bảo, song hầu hết được tập kết, vận chuyển qua mạng lưới giao thông, kho hàng trên địa bàn Quân khu 4.
Đứng trước yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng cao, để tập trung sự chỉ đạo thống nhất các lực lượng vận tải có mặt trên địa bàn Quân khu, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông vận tải Khu 4; đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được cử làm Tư lệnh; đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Hòa Chính ủy Quân khu 4 làm Chính ủy. Ở các tỉnh có bộ chỉ huy giao thông vận tải tỉnh, do chủ tịch tỉnh làm chỉ huy trưởng. Mỗi tỉnh tổ chức thêm 1 đại đội công binh. Các huyện, xã có các đội công binh - dân quân thoát ly sản xuất, được tổ chức thành 2 bộ phận: Một bộ phận chuyên rà phá bom, ḿìn, san lấp hố bom, giải phóng đường, mở đường vòng tránh; một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ vận tải. Thành lập các ban công an giao thông từ tỉnh đến xã, phường để phối hợp điều phối phương tiện vận tải, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hóa ở các bến vượt.
Với quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông vận tải, đảm bảo kịp thời, đầy đủ cho chiến trường. Các địa phương Quân khu vận dụng nhiều hình thức vừa đánh địch, vừa khắc phục bom đạn đảm bảo luôn thông đường trong thời gian ngắn nhất. Những trọng điểm Nam Đàn, Bến Thủy, Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, đường 15 vượt sông Lam, sông La; Long Đại, Xuân Sơn, Gianh, Quán Hàu trở thành nơi thử thách ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm hy sinh và trí tuệ của các đơn vị phòng không, vận tải, công binh và hàng chục vạn dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, dân công, nhân dân của các địa phương.
Trong 100 ngày đêm chốt ở Bến phà Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình), Tiểu đoàn 1 (e249) đã bảo đảm được yêu cầu cơ động binh khí kỹ thuật và vận tải qua sông an toàn. Ngày 14 tháng 3, máy bay địch thả hơn 300 quả bom từ trường xuống khu vực bến phà Quán Hàu, Đội tự vệ bến phà dùng khung dây rà quét phá nổ 122 quả. Cùng ngày, đội phá bom dân quân xã Đức Ninh dùng bộc phá, phá 250 quả bom nổ chậm dọc sông Nhật Lệ. 5 đại đội thanh niên xung phong, 3 đại đội công binh giao thông và Đại đội công binh phá bom thuộc Tiểu đoàn 30, tại chốt ngã ba Đồng Lộc, suốt 200 ngày đêm đọ sức với địch đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, tiêu biểu là: Dũng sỹ phá bom Vương Đình Nhỏ, bằng dụng cụ thô sơ đã phá 189 quả bom các loại. Uông Xuân Lý với chiếc máy húc C100 đã san gạt hàng nghìn m3 đất đá, trong đó chứa lẫn bom mìn.La Thị Tám, Đại đội 2 giao thông, cùng tổ đánh dấu chính xác 703 quả bom, 23 lần bị bom vùi khi làm nhiệm vụ quan sát cắm tiêu đánh dấu bom rơi. Lực lượng vũ trang Nghệ An kết hợp máy phóng từ, với những dụng cụ thô sơ như viên nam châm, lưỡi cày, lưỡi cuốc, vỏ phuy xăng phá hàng nghìn bom từ trường. Chiến sỹ dân quân Nguyễn Trọng Dược (xã Hưng Vĩnh, huyện Hưng Nguyên) trong 7 tháng phá 33 bom nổ chậm, 400 bom từ trường. Chiếc ca nô bất khuất của Tiểu đoàn 27 do Nguyễn Xuân Toán gây nổ hàng trăm bom từ trường dọc sông Lam.
Các địa phương tuyến trước (thuộc huyện Vĩnh Linh) thực hiện khẩu hiệu “Khi vào tải gạo, đạn, khi ra tải thương”, đã anh dũng, mưu trí gùi, cõng, chèo thuyền đưa bộ đội, hàng hóa, vũ khí trang bị vào đường 9; đưa thương, bệnh binh từ mặt trận về tuyến sau. Xã Vĩnh Thủy tổ chức cho 40 đoàn viên thanh niên cõng đạn sang bờ Nam trong Chiến dịch đánh địch giải tỏa căn cứ Khe Sanh, có 120 người xung phong đi. Ở Vĩnh Linh những tuyến đường giao thông trong hầm, hào liên hoàn được xây dựng. Thương binh từ mặt trận đưa ra có cung, trạm dừng chân được chăm sóc an toàn.
Lực lượng phòng không 3 thứ quân trên toàn địa bàn Quân khu được tăng cường. Ngày 28 tháng 1 năm 1968, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn phòng không 375 ở Nam sông Gianh thuộc Quân khu 4 (gồm các trung đoàn pháo cao xạ: 214, 218, 282, Trung đoàn tên lửa 283 và Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân), bố trí đánh địch bảo vệ các mục tiêu phà Xuân Sơn, Long Đại và bảo vệ pháo binh mặt đất triển khai ở Vĩnh Linh để đánh địch ở bờ nam sông Bến Hải, bảo vệ các khu tập kết của bộ binh. Thế trận chiến tranh nhân dân đánh trả không quân và hải quân Mỹ được củng cố vừa đảm bảo rộng khắp, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Tất cả các mục tiêu quan trọng trong tuyến giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu được triển khai lực lượng phòng không, lực lượng ứng cứu giao thông.
Lực lượng phòng không các tỉnh, huyện và những đơn vị còn lại của Quân khu được sắp xếp theo yêu cầu nhiệm vụ mới, vừa đảm bảo tác chiến bảo vệ địa bàn, vừa làm nòng cốt thành lập thêm 6 trung đoàn, 11 tiểu đoàn, 9 đại đội phòng không. Các tỉnh xây dựng 528 đội trực chiến của dân quân, trong đó có 245 đội thoát ly sản xuất, trang bị súng 12,7, 14,5 và 37, cơ động phục kích đánh địch dọc các trục giao thông chính, hạn chế máy bay địch săn tìm phương tiện vận tải của ta và bảo vệ các mục tiêu ở địa phương.
Tháng 5 năm 1968, Trung đoàn tên lửa 283 bắn rơi 7 chiếc máy bay. Ngày 25 tháng 6, Đại đội 367 bộ đội địa phương tỉnh và dân quân Minh Hóa - Quảng Bình, phối hợp với Trung đoàn 280 bắn rơi tại chỗ một chiếc F4H (chiếc máy bay thứ 3.000 bị bắn rơi trên miền Bắc).
Trên hướng biển, tháng 3 năm 1968, đoàn vận tải biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngụy trang bằng thuyền đánh cá, dũng cảm, kiên cường vượt lưới lửa địch chuyển vũ khí đạn vào Hải Lăng, Triệu Phong cho Mặt trận B5. Những chuyến hàng thắm đỏ máu của quân dân Quân khu 4 như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ đường 9 - Khe sanh nói riêng và nhân dân miền Nam trong nói chung trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng đường 9 - Khe Sanh, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, quân và dân Quân khu 4 rất tự hào vì đã luôn hoàn thành tốt “Bốn nhiệm vụ trên ba chiến trường”4, góp một phần to lớn công sức, máu, xương cùng với quân dân cả nước cho thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, thắng lợi của Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh nói riêng; xứng đáng với vị thế của Quân khu tuyến đầu hậu phương miền Bắc, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào.
Lịch sử dần lùi xa, nhưng những chiến công của Quân và dân Quân khu 4 cách đây 50 năm luôn mãi là hành trang tiếp thêm niềm tin, động lực, sức mạnh để cho thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu 4 hôm nay phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết thêm trang sử mới, góp phần cùng quân dân cả nước làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 4
1 Thượng tướng Đàm Quang Trung, nguyên Tư lệnh Mặt trận B5 (1966- 1968), nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (1969 - 1973).
[2] Lịch sử dân quân tự vệ Quân khu 4 (1945-2010), Nxb QĐND. H 2012, tr 186-187
3 Công tác hậu cần Chiến dịch đường 9 khe Sanh Xuân hè 1968. Tổng Cục Hậu cần. Năm 1988.
4 Bốn nhiệm vụ: Phòng thủ Quân khu, bảo vệ miền Bắc; bảo đảm mạch máu giao thông vận tải; chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào. Ba chiến trường; Chiến trường A (Quân khu); Chiến trường B (Trị Thiên); Chiến trường C (Lào).
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận