Ý nghĩa Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 với việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Quân khu 4
Qua thời gian, chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, tầm vóc, ý nghĩa to lớn, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, thể hiện nghệ thuật tài tình của chiến tranh cách mạng, sự phối hợp hiệp đồng quân binh chủng và sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.
50 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong chiến công lịch sử chung ấy, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (Xuân Hè 1968) trở thành một trong những chiến trường tiêu biểu, góp phần khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của ý chí, của bản lĩnh và tầm cao trí tuệ Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử”.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào vòng đàm phán ở Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Khe Sanh chính là kết quả của những nhân tố rất cơ bản tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp đánh bại những nỗ lực quân sự khổng lồ của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập, sáng tạo của Đảng ta; đó còn là ý chí, nghị lực, sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng; đó là sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ và tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Trị nói riêng và nhân dân Quân khu 4 nói chung một lòng chung thủy với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ. Trong chiến dịch này, các đơn vị tham gia chiến dịch đã luôn luôn dựa vào nhân dân, bằng niềm tin và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo Đảng ủy Mặt trận, Đảng ủy tỉnh Quảng Trị, trực tiếp là Huyện ủy Hướng Hóa đã vận động, tổ chức các phong trào cách mạng, động viên sức người, sức của trong nhân dân cho chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quân khu 4 là tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Trị - Thiên không chỉ một hướng chiến trường mà còn là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.Với quan điểm “Nam Quân khu 4 với Trị - Thiên là một chiến trường, Bắc Quảng Trị và Vĩnh Linh là một mặt trận”, nhân dân Quảng Bình và Vĩnh Linh đã vì Trị - Thiên mà không tiếc công sức, của cải và tính mạng của mình. Với tinh thần “Tiền tuyến có đánh to thắng lớn hay không là do sức mạnh chi viện của hậu phương lớn quyết định, hậu phương có đáp ứng yêu cầu tiền tuyến hay không, vị trí đầu cầu trung chuyển của Quân khu 4 giữ vai trò quyết định”. Quân và dân khu 4 đã dồn tất cả sức lực, tài năng, trí tuệ, bằng cả mọi phương tiện, vượt lên cả thử thách hy sinh, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng là bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện nhiều nhất, tốt nhất, nhanh nhất cho tiền tuyến, góp phần cùng chiến trường Trị -Thiên đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Khi ta mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh “Quân khu 4 cùng với Quân khu Trị - Thiên, Đường số 9 và Trung - Hạ Lào thành một chiến trường, Nam Quân khu 4 cùng với Đường số 9 là một mặt trận”, tất cả mọi hoạt động của Quân khu đều nhằm thực hiện giải quyết hai vấn đề, đó là phối hợp chặt chẽ với mặt trận Đường 9, vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến dịch.Vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh và Vĩnh Linh trở thành hậu phương trực tiếp, trong đó Quảng Bình và Vĩnh Linh trở thành hậu phương chiến dịch, Quân khu 4 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, kết hợp với các đơn vị dân công của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An (tổng lực lượng làm công tác bảo đảm hậu cần lúc cao điểm lên tới 7.624 cán bộ, chiến sĩ và dân công) đã tổ chức vận chuyển dự trữ được 22.253 tấn hàng, chiếm khoảng 71% tổng dự trữ. Quân khu 4 còn vinh dự được cử Sư đoàn 324, Trung đoàn 270 bộ đội địa phương Vĩnh Linh, các trung đoàn pháo 164, 84 và một số tiểu đoàn đại đội bộ đội địa phương Quảng Trị với 2.600 dân công hỏa tuyến của tỉnh Hà Tĩnh tham gia chiến dịch lịch sử này.
Đặc biệt, trong chiến dịch Đường 9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Quảng Trị đã có đóng góp rất to lớn. Ngay những ngày đầu tổ chức nghiên cứu, xây dựng quyết tâm, lập kế hoạch tác chiến chiến dịch, Đảng bộ, chính quyền địa phương Bắc Quảng Trị đã chủ động rút những lực lượng nòng cốt của các cấp xã, huyện, tỉnh đưa đi lớp bồi dưỡng cấp tốc một số nội dung quan trọng do Mặt trận hoặc cấp ủy mở. Sau này những lực lượng đó được địa phương tổ chức thành các đội công tác trực tiếp thâm nhập sâu rộng vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, để động viên khích lệ tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, đóng góp tích cực vì sự thắng lợi của chiến dịch.
Trong những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, tại chiến trường Bắc Quảng Trị đại bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vừa trải qua nạn đói chưa từng thấy do địch rải chất độc hóa học. Tuy vậy, khi có chủ trương của trên chuẩn bị mở chiến dịch lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh - Hướng Hóa thì mọi người dân hăng hái xung phong phục vụ cho chiến dịch. Toàn tỉnh có hàng vạn lượt người trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch, riêng đồng bào các dân tộc Hướng Hóa ngay đợt đầu đã có hơn 3.000 người tình nguyện đi dân công, trong đó có 500 phụ nữ trực tiếp phục vụ chiến dịch. Ngoài số người phục vụ tại chỗ còn huy động hơn 200 người cùng với đội công binh của huyện đi mở đường, dẫn đường cho quân ta vào Quảng Trị và Huế. Chỉ tính riêng các xã Nam Hướng Hóa đã đóng góp được 200 tấn gạo và 2 triệu gốc sắn phục vụ bộ đội tham gia chiến dịch. Một huyện miền núi có khoảng 20.000 dân lại bị Mỹ rải chất độc phá hoại mùa màng, nương rẫy, phải sống trong cảnh đói nghèo triền miên, nhưng đã đóng góp cho chiến dịch khối lượng vật chất và lực lượng trên là sự hy sinh rất to lớn, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm cao của nhân dân. Trước và trong quá trình chiến dịch, chính quyền và nhân dân địa phương đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội công binh mặt trận Khe Sanh mở đường cho xe cơ giới, xe thô sơ và các lực lượng cơ động đến các hướng tác chiến một cách an toàn bí mật. Nhân dân địa phương Bắc Quảng Trị đã góp hơn 4.000 ngày công, mở gần 30 km đường cho xe cơ giới, hàng chục km đường cho xe thô sơ, tham gia vận chuyển trên 800 tấn vũ khí, đạn dược, trang bị chiến đấu kịp thời. Do vậy, dù chiến dịch kéo dài ngày đêm liên tục, tính chất ác liệt hủy diệt, nhưng các chiến sĩ trên mặt trận vẫn thường xuyên được cung cấp đầy đủ đạn dược, trang bị để chiến đấu dài ngày với kẻ thù. Ngoài nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch, nhân dân và các lực lượng vũ trang nằm trong đội hình chiến đấu của Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác diệt đồn bốt, phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, tham gia phục kích đánh tàu trên sông Cửa Việt, cắm cọc ngăn sông, cắt tiếp tế của địch. Vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, nhân dân một lòng hướng về cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết (quân - dân; cán bộ - chiến sĩ; hậu phương - tiền tuyến...) thể hiện sinh động, rõ nét qua từng trận đánh, từng địa bàn và trên phạm vi chiến dịch.
Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, sự phối hợp giữa quần chúng nhân dân Trị - Thiên và Quân khu 4 và các đơn vị lực lượng vũ trang thể hiện nguồn sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đó là thắng lợi của việc vận dụng sáng tạo quan điểm “Lấy dân làm gốc”, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công; là thắng lợi của nghệ thuật động viên sức mạnh của toàn dân, phát huy cao độ lòng yêu nước, truyền thống kiên cường bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, đồng bào huyện Hướng Hóa nơi diễn ra chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đa số là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, được Bác Hồ tặng họ Hồ tháng 6/1957 (tự nguyện mang họ Hồ từ năm 1946). Đây là sự tri ân công ơn của Đảng, Bác Hồ nên trong khó khăn, gian khổ, ác liệt hy sinh, đồng bào luôn hướng về Đảng và Bác Hồ sắt son một lòng vì cách mạng.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nói riêng vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trên địa bàn Quân khu, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, sự cố môi trường biển, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội; thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội... Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi LLVT Quân khu phải tiếp tục coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định những nội dung cần thực hiện tốt trong thời gian tới, đó là:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về quan điểm chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng của quân và dân ta đó là chúng ta đã phát huy nguồn sức mạnh vô địch của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng LLVT Quân khu hiện nay, xây dựng “Thế trận lòng dân” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá quyết liệt của thế lực thù địch trên địa bàn thì việc quán triệt, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đại đoàn kết toàn dân, về công tác dân vận là hết sức quan trọng. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần phải quán triệt và thực hiện hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26/01/2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”, Nghị quyết số 488-NQ/ĐU ngày 27/4/2015 của Đảng ủy Quân khu về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của LLVT Quân khu trong tình hình mới”; các cơ quan, đơn vị cần chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Tổ chức tốt các phong trào “Dân vận khéo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”... Chính việc đem lại những quyền lợi, “hợp lòng dân” sẽ là cơ sở nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhờ làm tốt công tác phối hợp nên mọi hoạt động của chiến dịch đều được đùm bọc che chở của Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi diễn ra chiến dịch. Do đó, tuy lực lượng tập trung đông, không gian tác chiến phức tạp, binh khí kỹ thuật nhiều, trong đó có những lực lượng binh chủng lần đầu tiên ta mới đưa vào tác chiến ở chiến trường như xe tăng nhưng vẫn bảo đảm yếu tố bí mật tốt. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Quân khu, trong thời gian tới cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, huy động các lực lượng tham gia, tăng nguồn lực cho công tác dân vận, luôn chủ động, nhạy bén nắm bắt sự phát triển của tình hình đất nước, địa bàn, xác định rõ nhiệm vụ và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không ngừng củng cố thế trận lòng dân vững bền, hướng vào thực hiện mục tiêu ''yên dân, ổn định và phát triển''.
Chủ động phối hợp trong tiến hành công tác dân vận, thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và các phong trào do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phát động gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thường xuyên theo dõi và nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi xảy ra các vụ việc phức tạp; tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào khi tiến hành công tác dân vận, giải quyết hợp lý, hợp tình các vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương, những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, dòng tộc; xác định rõ các vấn đề liên quan tới "dân tộc", "tôn giáo" mà địch lợi dụng tuyên truyền kích động, xúi giục đồng bào...; phát huy vai trò trung tâm phối hợp hiệp đồng của cơ quan quân sự địa phương các cấp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác dân vận mà trọng tâm là tuyên truyền vạch trần âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, vận động đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác dân vận, sát thực tiễn, phù hợp với địa bàn, từng đối tượng người dân.
Hiện nay, trên địa bàn Quân khu 4 có nhiều dân tộc anh em sinh sống như: Mông, Mường, Thái, Thổ, Khơ mú, Pa cô, Vân Kiều, Cơ tu, Pa Hy, Chứt với gần 1,2 triệu người chiếm 11,24% số dân, sinh sống ở 1.555 bản, có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, hơn một triệu tín đồ, chiếm 10,58% dân số, đây là đối tượng các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận lên một bước mới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng biên giới, hải đảo. Tiếp tục đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; kịp thời, nhạy bén nhận diện, phân loại và kiên quyết đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn, những quan điểm sai trái thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe theo kẻ xấu kích động, gây rối trật tự an toàn xã hội, làm trì trệ sản xuất, kinh doanh, không vượt biên trái phép, tham gia “tà đạo, đạo lạ” và các tổ chức bất hợp pháp.
Phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ tăng cường tại các địa bàn trong xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình địa bàn, sớm phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, quan điểm ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển với nước bạn Lào. Tích cực tham gia giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với các lực lượng công an nhân dân, chính quyền địa phương, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, có đời sống văn hóa mới,... Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực sự là những điểm sáng về văn hóa, có sức lan tỏa lớn trong địa bàn đóng quân và địa phương.
Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng kiện toàn cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chất lượng, hiệu quả các hoạt động tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công tác của đội ngũ cán bộ. Vì thế, chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng. Cùng với giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức, ý thức trách nhiệm của bộ đội, cần coi trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, khả năng truyền thụ tri thức văn hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất,... của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động này. Đối với những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải quan tâm bồi dưỡng cho bộ đội biết nói tiếng dân tộc, hiểu biết về phong tục, tập quán, truyền thống, bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc nơi đứng chân và hoạt động. Chú trọng bồi dưỡng tác phong tiếp xúc với nhân dân, kỹ năng tiến hành công tác vận động quần chúng trong các hoàn cảnh khác nhau; thực hiện tốt phương châm: “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, từ đó tập hợp, hướng dẫn, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, v.v.
Quán triệt quan điểm ''Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao ý thức phụng sự Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dân vận cần lồng ghép công tác dân vận với phong trào thi đua quyết thắng, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương phát động, làm cho công tác dân vận phát triển toàn diện, rộng khắp, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực; duy trì, phát triển, nhân rộng những mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt” trên địa của Quân khu.
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh của nhân dân trong chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là cơ sở để xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu cũng luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng TRẦN MINH THANH
Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận