A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những mùa bí xanh

Hơn 10 mùa rẫy rồi, cứ mỗi dịp cuối vụ mùa, Vừ Tổng Mà lại làm bữa cơm mừng cho vụ mùa bội thu; mừng cho cái nghèo, cái khó ra khỏi bản. Mỗi dịp như thế, dân bản tập trung về nhà Vừ Tổng Mà đông lắm! Mâm cơm của Tổng Mà tuy giản dị nhưng nó đo được cả một câu chuyện dài mà bà con người H’ Mông ở bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền, Tương Dương, Nghệ An) chẳng bao giờ quên. Vì bản nghèo này đã từng chìm trong mê muội, đói nghèo, thuốc phiện. Lúc ấy, cái bụng Tổng Mả buồn lắm! Ông đã tìm nhiều cách để đuổi “con ma” thuốc phiện ra khỏi bản, khỏi con cháu, dòng họ mình nhưng chẳng hiệu quả.

Vợ chồng Vừ Tổng Mả thu hoạch bí xanh.

Thế rồi vào một ngày cách đây hơn chục năm, trong một lần đi thăm người anh em kết nghĩa ở bản làng người Thái, Tổng Mả nhìn thấy người dân nơi đây đang gùi những quả bí xanh xuống chợ bán lấy tiền. Nghe đâu cuộc sống của bà con dân bản nơi đây nhờ cây bí mà ai cũng đủ ăn, đủ mặc, con cháu được đi học cái chữ. “Bí còn dễ trồng hơn cả cây lúa, cây ngô trên rẫy” - người anh em của Tổng Mả đã nói thế nên Tổng Mả quyết định xin hạt bí về trồng ở bản Lưu Thông. Lúc đó, ông hăm hở lắm vì nghĩ bụng cây bí mà trồng được như ở bản người Thái thì dân bản sẽ thoát nghèo, sẽ đuổi được “con ma” thuốc phiện. Về bản, ông gọi con cháu trong dòng họ Vừ và những người già, uy tín trong bản để bàn chuyện trồng bí. Thấy giống cây lạ nên lúc ấy cái bụng của nhiều người hoài nghi, không tin vào loại quả này. Nhưng ý Tổng Mả đã vậy, ông nhất quyết trồng thử. 

Vụ đầu tiên, Tổng Mả trồng bí xen dắm với lúa, bụng ông nghĩ như vậy sẽ tiện cho việc chăm sóc. Nhưng năm ấy, bí không được tốt, lá bị sâu ăn nhiều, chậm lớn và không có quả. Ông còn bị anh em trong họ, bà con dân bản chê cười. Tổng Mả buồn và trăn trở lắm! Nhưng ông nghĩ rằng có lẽ mình trồng chưa đúng nên cây bí không cho quả. Ông lại khăn gói đến hỏi lại người đã cho mình hạt bí. Vụ thứ hai, ông không trồng với lúa nên bí ra hoa, kết trái nhưng trái bí còi cọt, bán không ai mua. Tổng Mả buồn đến nỗi bỏ ăn, mất ngủ. Ông cứ trằn trọc, trong đầu lúc nào cũng nghĩ phải làm thế nào để quả bí to đẹp. Lúc ấy dù cái chân đã mỏi nhưng bằng ý chí nhẫn nại, Tổng Mả quyết định xuống trung tâm huyện để gặp cán bộ khuyến nông. Gần một ngày vượt đèo cao, suối sâu, ông cũng gặp và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn: Cây bí trồng muốn quả nhiều, quả to phải đúng thời vụ. Nếu trồng muộn quá, khi ra hoa gặp nắng, bí sẽ bị hạn chế đến năng suất, chất lượng quả. Trồng bí có 2 vụ: Vụ Xuân trồng vào tháng 2, tháng 3; vụ Hè Thu trồng vào tháng 5, 6…

Học được kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, ông trồng bí gần nguồn nước, làm giàn nên vụ mùa năm ấy, bí lên xanh tốt, không bị sâu ăn lá, cho nhiều quả to. Gia đình Tổng Mả thu bí đầy nhà. Khi ấy bí không chỉ làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày mà gia đình Tổng Mả còn đem bí cho người thân, bà con, rồi đi bán cho người Thái, người Khơ Mú, người Kinh ở chợ. Có thêm tiền, cứ như vậy mỗi mùa cả nhà Tổng Mả lại làm từ 2 – 3 rẫy bí trở lên. Khi đó, Tổng Mả đến từng hộ tuyên truyền, thuyết phục bà con trồng bí. Có quả bí ngon để ăn mát cái ruột lại được Tổng Mả cung cấp giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, vài người làm theo rồi cả bản nhờ bí mà thoát nghèo, không phải lén lút như khi trồng cây thuốc phiện nữa. Trong số đó, có nhiều người trước kia không tin vào cây bí, nhưng giờ họ còn làm nhiều rẫy, thu được nhiều bí hơn cả nhà Tổng Mả. Vừ Bá Thái là một trường hợp như thế. “Nhờ học trồng cây bí từ ông Tổng Mả mà mùa nào gia đình tôi cũng thu được hơn 50 triệu đồng. Giờ không còn sợ cái đói, cái khổ như xưa nữa rồi!” - Vừ Bá Thái hào hứng nói với tôi.

Nghe theo lời Vừ Tổng Mả, người H’ Mông ở Lưu Thông còn hiểu rằng muốn con cháu đoạn tuyệt hẳn với thuộc phiện cần phải cho con cháu đi học cái chữ để trở thành người tốt và biết được cái xấu mà nó mang lại. Con cháu bản Lưu Thông hiện nay nhiều người đã trở thành cán bộ, giáo viên, công an, bộ đội… Cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên nhờ biết trồng bí, khoai sọ làm hàng hóa. Do vậy, người Thái, người Khơ Mú, người Kinh có câu ví rằng: “Muốn ăn cà ngọt thì qua cửa Rào/ Muốn mua bí xanh, khoai sọ thì vào Lưu Thông”. Câu nói cũng giải thích vì sao, cứ đến mùa thì cả bản Lưu Thông bí xếp đầy hiên, tấp nập kẻ bán, người mua. 

Vụ mùa năm nay bản Lưu Thông lại được mùa nhưng cái mà Vừ Tổng Mả ưng cái bụng nhất là “con ma” thuốc phiện đã bị đẩy lùi khỏi suy nghĩ của đồng bào mình. Con đường trước đây lầy lội nay đã được bê tông hóa, cuộc sống của dân Lưu Thông ngày càng đổi mới nhờ vào những mùa bí xanh.

Bài, ảnh: Đức Trường
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội