A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệp định Geneva - Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp (từ ngày 8/5 đến 21/7/1954) với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneva đã được ký kết, đánh dấu quá trình đấu trí và đấu lực thể hiện trí tuệ và bản lĩnh ngoại giao Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hội nghị Geneva bắt đầu họp từ ngày 26/4/1954 để bàn về giải pháp chính trị ở Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt kết quả và đặc biệt là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ ngày 8/5/1954, Hội nghị tập trung vào khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hội nghị có 9 thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào. Pathet Lào và Khmer Issarak đến Geneva nhưng không được dự. Đồng chủ tịch hội nghị là Anthony Eden-Ngoại trưởng Anh và Vyacheslav Molotov-Ngoại trưởng Liên Xô. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Là hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng các nước dự hội nghị có lợi ích, chiến lược và mục tiêu khác nhau. Đối với đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ; thực hiện dựa theo phương châm “vừa đánh, vừa nói chuyện; chủ động cả quân sự lẫn ngoại giao”.

Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954-2024)-Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam: Bài 2: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva, ngày 8-5-1954 - Ảnh tư liệu.

 

Hội nghị diễn ra qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 8/5 đến 19/6/1954): Các bên trình bày lập trường về giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Trong phiên họp đầu tiên, đoàn Pháp trình bày lập trường chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập giải pháp chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi Việt Nam. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu có đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia tham dự. Trong phiên họp ngày 10/5, đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đưa ra lập trường 8 điểm, yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Lập trường này được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ.

Trong phiên họp thứ ba, Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai ủng hộ 8 điểm của Việt Nam và đề nghị hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Mỹ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương. Phiên họp thứ tư, Trưởng đoàn Liên Xô Vyacheslav Molotov ủng hộ kế hoạch của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và đề nghị lấy hai phương án của Pháp và Việt Nam làm cơ sở thảo luận. Tuy nhiên, đến ngày 19/5, hội nghị vẫn chưa thỏa thuận về chương trình nghị sự.

Sau 4 phiên mở rộng, hội nghị quyết định họp hẹp. Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị bàn song song các vấn đề quân sự, chính trị và ba nước. Ngày 25/5, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho đình chiến: Ngừng bắn hoàn toàn trên toàn Đông Dương; điều chỉnh vùng trong mỗi nước trên cơ sở đất đổi đất để thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh liên quan nghiên cứu biện pháp ngừng bắn.

Đến phiên họp thứ bảy (27/5), đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam làm cơ sở thảo luận. Ngày 29/5, Hội nghị Geneva quyết định: Ngừng bắn toàn diện và đại diện hai bên gặp nhau ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

Giai đoạn 2 (20/6 đến 10/7): Trong giai đoạn này, các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam ở lại. Các quyền trưởng đoàn họp hẹp và họp Tiểu ban Quân sự Việt-Pháp bàn về tập kết, chuyển quân, thả tù binh và đi lại giữa hai miền. Bên ngoài hội nghị diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, các cuộc tiếp xúc của các trưởng đoàn và gặp gỡ tại các thủ đô liên quan. Các cuộc họp hẹp ở Geneva trong giai đoạn này không có tiến triển gì đặc biệt.

Giai đoạn 3 (11 đến 21/7): Hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn, đàm phán về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị. Ngày 11/7, các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng được nối lại để giải quyết vấn đề giới tuyến. Pháp giữ lập trường vĩ tuyến 18; Việt Nam kiên quyết vĩ tuyến 16. Đến phiên họp chiều tối 20/7, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng chấp nhận vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Ngày 21/7, các bên ra bản tuyên bố cuối cùng và kết thúc Hội nghị Geneva.

Hiệp định Geneva được ký kết đã trở thành văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên các mặt quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao và pháp lý, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Nguồn: QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội