Điểm mặt những vũ khí phòng không tầm thấp uy lực của Nga
Trong tác chiến hiện đại, các tổ hợp tên lửa phòng không luôn đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế chiến trường đã chứng minh, các tổ hợp pháo phòng không tầm thấp đã phát huy tốt uy lực của mình để đối phó với phương tiện bay, tên lửa cơ động ở độ cao thấp.
Trong tác chiến hiện đại, các tổ hợp tên lửa phòng không luôn đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế chiến trường đã chứng minh, các tổ hợp pháo phòng không tầm thấp đã phát huy tốt uy lực của mình để đối phó với phương tiện bay, tên lửa cơ động ở độ cao thấp.
Thậm chí, khi cần pháo phòng không tầm thấp có thể sử dụng như hỏa lực chống lại lực lượng trên bộ của đối phương. Pháo phòng không vẫn thực sự là một lực lượng cần được tính đến trong trang bị quân đội các quốc gia trên thế giới.
Do đặc thù trang bị, Nga là quốc gia có số lượng và chủng loại pháo phòng không đa dạng hàng đầu thế giới. Nhiều trong số chúng đã được thời gian khẳng định là loại vũ khí phòng không hiệu quả, tin cậy, dễ sử dụng. Dưới đây là một số tổ hợp pháo, tên lửa phòng không tầm thấp của Nga đã khẳng định được “thương hiệu” sau hàng thập kỷ có mặt trong trang bị quân đội các nước.
Uy lực 4 nòng
Được đưa vào trang bị Quân đội Liên Xô từ những năm 1960, pháo tự hành ZSU-23-4 Shilka là dòng vũ khí phòng không đáng sợ đối với các mục tiêu bay thấp.
Tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 Shilka.
Một biến thể nâng cấp của tổ hợp ZSU-23-4 với hệ thống điều khiển hỏa lực mới và tăng cường hỏa với đạn tên lửa phòng không vác vai.
Không chỉ có trang bị trong Quân đội Liên Xô trước đây, tổ hợp ZSU-23-4 Shilka còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Chính uy lực của dòng vũ khí phòng không này đã buộc phi công đối phương phải nâng độ cao tác chiến để thỏa khỏi “cơn mưa đạn”. Tuy nhiên, khi nâng cao trần bay, phương tiện bay của đối phương sẽ “làm mồi” cho các tổ hợp tên lửa phòng không vốn không đạt được hiệu suất tác chiến tối đa chống lại các mục tiêu bay thấp.
Với khả năng tác chiến tin cậy như súng trường tấn công AK, tổ hợp ZSU-23-4 Shilka được trang bị 4 nòng pháo cỡ 23mm với tốc độ bắn đạt 3.400-4.000 viên đạn/phút, tạo ra hỏa lực có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu trên không nào ở khoảng cách 2,5km.
Cùng với đó, trong thực chiến, tổ hợp ZSU-23-4 Shilka cũng khẳng định được uy lực chống mục tiêu trên mặt đất với “cơn mưa đạn” 23mm bắn trực xạ với mục tiêu.
Pháo phòng không “bỏ túi”
Tổ hợp pháo phòng không ZU-23-2 được giới thiệu trong thập kỷ 1960 là một trong những dòng vũ khí phòng không phổ biến nhất trên thế giới và được đánh giá cao ở tính nhỏ gọn, tin cậy và dễ sử dụng, sửa chữa.
Tổ hợp pháo phòng không ZU-23-2
Biến thể nâng cấp của ZU-23-2 do Ba Lan giới thiệu.
Tổ hợp ZU-23-2 gồm 2 pháo cỡ 23mm 2A14 có thể bắn được 2.000 viên đạn/phút, có hiệu quả tác xạ đạt 2,5km.
Chính vì sự nhỏ gọn, tổ hợp ZU-23-2 có thể dễ dàng lắp đặt trên khung gầm xe tải hạng nhẹ để tăng cường khả năng cơ động. Hình ảnh những khẩu pháo ZU-23-2 đặt trên xe bán tải tham chiến tại nhiều chiến trường đã trở nên rất phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng nhờ hiệu quả tác chiến cao, tổ hợp ZU-23-2 hiện có nhiều biến thể nâng cấp. Với hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, hệ thống ngắm bắn quang-ảnh hồng ngoại kết hợp đo xa la-de đã nâng cao đáng kể xác suất tiêu diệt mục tiêu.
Tổ hợp 2K22 Tunguska
Khi đạn 23mm không phải là dòng vũ khí đạt hiệu quả tiêu diệt cao đối với các dòng máy bay cường kích yểm trợ hỏa lực mặt đất, trong đó có máy bay A-10 Warthog, thì tổ hợp pháo-tên lửa phòng không 2K22 Tunguska chính là câu trả lời cho vấn đề này. Với vai trò tạo hỏa lực bảo vệ các đơn vị lục quân hành tiến trên mặt đất, tổ hợp 2K22 Tunguska với pháo 30mm được chấp nhận vào biên chế Quân đội Liên Xô trong những năm 1980.
Mang tên một khu vực từng bị hủy diệt bởi thiên thạch tại Nga, tổ hợp pháo-tên lửa Tunguska là một trong những dòng vũ khí phòng không tầm thấp lợi hại.
Tốc độ bắn của hai pháo 30mm đạt tới 5.000 viên/phút của tổ hợp Tunguska như "lưỡi cưa máy" có thể cắt rời các mục tiêu trên không.
Hai khẩu pháo 30mm trên tổ hợp 2K22 Tunguska có tốc độ bắn tới 5.000 viên đạn/phút, đủ để cắt đôi mục tiêu trong tầm ngắm. Cùng với đó, để tăng cường khả năng chiến đấu, tổ hợp Tunguska còn được trang bị thêm 8 đạn tên lửa 9M311-M1.
Trong khi pháo 30mm đảm bảo khả năng tiêu diệt các mục tiêu tầm ngắn và cực ngắn, tên lửa 9M311-M1 cung cấp hỏa lực tiêu diệt mục tiêu bay thấp, trực thăng ở khoảng cách 10km.
Để đảm bảo tổ hợp hoạt động hiệu quả, 2K22 Tunguska có hệ thống ra-đa cảnh giới, dẫn bắn độc lập với các kênh dẫn ra-đa, quang học.
Lá chắn Pantsir-S1
Là dòng pháo-tên lửa phòng không thế hệ mới của Nga, tổ hợp Pantsir-S1 có thiết kế mô-đun hóa phù hợp để trang bị trên nhiều phương tiện khác nhau. Sự kết hợp hỏa lực giữa pháo bắn nhanh 30mm và đạn tên lửa phòng không tầm ngắn cung cấp tầm kiểm soát tới 20km.
Thế kế dạng mô-đun cho phép Pantsir-S1 có thể trang bị trên nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau. Tầm bắn lớn, khả năng tác chiến bất kể ngày đêm là những lợi thế của Pantsir-S1.
Điểm mạnh của tổ hợp Pantsir-S1 là việc trang bị đạn tên lửa thế hệ mới có khả năng “bắn và quên” với tầm bắn đạt 20km, trần bắn 15km. Ưu thế này đảm bảo tiêu diệt các mục tiêu bay, trực thăng tầm thấp trước khi chúng có thể sử dụng hỏa lực không đối đất để áp chế. Hệ thống cảm biến quang-hồng ngoại mới cũng cho phép tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận