Thứ sáu, 29/03/2024 - 02:34
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Tác nghiệp, Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

Đoàn công tác số 5 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 những ngày trung tuần tháng 4/2018 gồm lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, cơ quan, đơn vị; nhiều nhiếp ảnh gia, phóng viên, nhà báo kỳ cựu có tuổi nghề còn hơn cả tuổi đời của tôi nhưng tất thảy đều có một điểm chung: Lần đầu tiên được ra công tác tại Trường Sa.

Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi đã thấy thật vinh dự và tự hào biết bao khi vừa chập chững bước vào nghề đã được tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc. Tra cứu google, gọi điện hỏi kinh nghiệm... tôi thu thập tất cả những thông tin cần thiết cho chuyến đi của mình bởi tác nghiệp ở Trường Sa ngoài phát hiện đề tài mới lạ thì làm sao ghi lại được những tấm ảnh đầu tiên, “không đụng hàng”, những khoảnh khắc sống động, độc đáo là cả một vấn đề lớn. Con tàu KN - 491 vừa khởi hành thì đợt gió mùa tràn về khiến biển động, sóng lớn, bọt tung trắng xóa tràn lên cả boong tàu. Tất cả nằm ngoài dự kiến của chỉ huy đoàn công tác, bởi hôm triển khai kế hoạch hành quân, Đại tá Nguyễn Hưng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 còn trấn an các đại biểu bằng kinh nghiệm dân gian rằng: “Tháng Ba bà già đi biển”. Nhưng tàu vừa ra khỏi vịnh Cam Ranh, tuyệt nhiên không một bóng người trên boong dù trước đó nhộn nhịp người đi lại ngắm cảnh, chụp ảnh.

Các phóng viên Đoàn công tác số 5 năm 2018 tác nghiệp tại Trường Sa.

 

Tại phòng nghỉ, hầu hết mọi người đều say sóng. Thương nhất là chị em và các bác lớn tuổi. Bữa cơm đầu tiên tưởng chừng để gặp gỡ, làm quen lại trở thành nỗi ám ảnh với hơn 2/3 đại biểu. Phóng viên Hoàng Ngọc ở Tạp chí Văn hóa quân sự hai ngày chỉ ăn cháo loãng, giọng buồn bã: “Đi còn không vững làm sao em có thể tác nghiệp. Đến Trường Sa mà không có tư liệu thì...”, bỏ lửng câu nói, Ngọc lại thiếp đi. Cũng từ đây, những con người vốn xa lạ trở nên gần gũi, ấm áp tình người. Anh Trần Quang Trung ở đoàn Cục Tần số vô tuyến điện không kể ngày hay đêm luôn túc trực ở các phòng, thăm hỏi từng người, bón từng thìa cháo loãng cho cô diễn viên múa tên Liên ở đoàn Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình vừa bị say sóng vừa bị tụt huyết áp, rồi lả đi vì kiệt sức. Anh giản dị chia sẻ: “May mắn hơn mọi người là mình không bị say sóng”.

Đó là những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt chị Huyền ở đoàn Kho bạc Nhà nước khi nghe tin do sóng dữ nên không thể lên thăm đảo Song Tử Tây được. Mượn tôi cây bút, chị viết vội dòng chữ “Thương lắm Song Tử Tây” lên bì thư chuyển vội xuống xuồng rồi nhoài người hướng về hòn đảo bị vần vũ bởi những con sóng biển cao hàng mét, giọng chị khản đặc, như lạc đi: “Thương lắm người lính đảo! Thương lắm Song Tử Tây!”. Chứng kiến các chiến sĩ vốn thiếu thốn đủ đường, đến hy vọng nhỏ nhoi được gặp gỡ, giao lưu với đồng bào đất liền cũng tan theo bọt biển nay dập dềnh, ướt sũng nhận quà tặng, nước mắt chỉ chực trào ra.

Chuyển quà cho bộ đội ở đảo Song Tử Tây.

 

Đối với cánh phóng viên chúng tôi, việc tác nghiệp giữa biển cực kỳ khó khăn dù được ưu tiên đi chuyến xuồng đầu tiên. Khó khăn nhất là bảo quản máy ảnh, không bọc túi thì ướt, mà bọc thì lỡ mất những khoảnh khắc đẹp. Còn nếu để rơi máy thì coi như “trắng tay”. Chứng kiến hình ảnh đồng nghiệp miệt mài tác nghiệp, tôi chợt nhận ra họ đều giống nhau ở chỗ luôn xông pha mọi lúc, mọi nơi để ghi, chụp ảnh, được thật nhiều hoạt động của bộ đội. Không còn quần áo phẳng phiu, “đóng hộp” mà là quần ống cao, ống thấp, ướt nhèm vì sóng táp, lưng áo thì đầm đìa mồ hôi dưới cái nắng gay gắt của Trường Sa. Mỗi người một nơi, một cơ quan, đơn vị công tác, song khi tới đây, ai cũng tranh thủ ghi lại cảm xúc của những người có vinh dự được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng này.

Hai ngày liền anh Nguyễn Việt Hồng, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Trưởng đoàn công tác vốn là người rất hòa đồng, vui tính mới đến gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi các thành viên trong đoàn. Hỏi ra mới biết anh cũng bị say sóng hành hạ. Ngồi trên boong tàu, dõi ánh mắt suy tư ra biển lớn, anh tâm sự: “Được đi trên con tàu hiện đại bậc nhất của kiểm ngư nhưng vẫn say sóng mới thấy khâm phục ý chí của cha ông ta trước đây chòng chành hàng tháng trời trên những chiếc thuyền thô sơ vẫn ra Hoàng Sa, Trường Sa mà chiến đấu, mà hy sinh. Hòa bình rồi mà vẫn còn đó trên đảo những hy sinh, mất mát của lứa tuổi đôi mươi, các chiến sĩ của chúng ta đang chịu đựng quá nhiều thiệt thòi, gian khổ... Chỉ bấy nhiêu thôi, mỗi chúng ta phải sống trách nhiệm hơn, có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ thiết thực với Trường Sa thân yêu”.

Phóng viên Mạnh Hùng, Báo Quân khu 4 tác nghiệp tại đảo Núi Le B.
                                                                                                                      Ảnh: C.T.V

 

Với phóng viên trẻ Chu Thị Hồng Kiều (Báo VietnamPlus), đây là lần đầu tiên chị được đến thăm quân dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và được tác nghiệp ở một môi trường đặc biệt. Chị xem đây vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của các phóng viên để đem đến những hình ảnh sinh động, những bài viết nóng hổi về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Chị chia sẻ: “Làm nghề báo mỗi lần đi tác nghiệp luôn mang lại những cảm xúc mới lạ. Nhưng Trường Sa là điểm đến thật đặc biệt. Cái tên “Trường Sa” thật thân thuộc nhưng có đặt chân lên các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn mới hiểu hai chữ “chủ quyền” nó thiêng liêng đến thế nào đối với mỗi người dân đất Việt”.

Hình hài của những hòn đảo thân thương, máu thịt với đất liền; cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Trường Sa - những cột mốc sống giữa trùng khơi sẽ luôn là những nhân vật sống động, đề tài hấp dẫn khi tác nghiệp nơi đây. Ở Trường Sa, được thâm nhập thực tế, tôi cảm nhận được ý thức bảo vệ chủ quyền và hiểu được tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây với biển đảo quê hương. Với mỗi phóng viên, chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền nhiều hơn về Trường Sa để người dân cả nước tin tưởng, yên tâm hơn với những cột mốc chủ quyền sống trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Để cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiểu rằng tấm lòng đồng bào cả nước luôn hướng về Trường Sa, tất cả vì Trường Sa thân yêu.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội