A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết lập thế trận phòng thủ vững chắc, giành và giữ quyền chủ động trong mọi tình huống

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đến nay đã qua 50 năm. Thời gian là nhân chứng lịch sử trung thực nhất, chứng minh: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi rất to lớn, như khẳng định của Hội nghị Trung ương lần thứ 21, năm 1973: “Cuộc Tổng tiến công chiến lược ấy đã giành những thắng lợi rất to lớn buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng…”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã tổ chức rộng khắp và huy động tổng lực từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đến dân quân du kích, biệt động…, được nhân dân hết lòng ủng hộ, tích cực phối hợp tham gia chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa sự nổi dậy rộng khắp của quần chúng, sự chuẩn bị rất công phu của các lực lượng, giữ được yếu tố bí mật tuyệt đối ở tất cả các cấp, các lực lượng, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta để làm nên một kỳ tích “có một không hai” trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang ba thứ quân; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sâu sắc về nghệ thuật quân sự, trong đó điển hình là tạo những yếu tố bất ngờ, khiến cho địch phải chịu nhiều tổn thất. Trước hết, đó là ta đã tạo nên sự bất ngờ về lựa chọn khu vực, mục tiêu tiến công. Ta không chọn khu vực, mục tiêu chủ yếu ở địa hình rừng núi và nông thôn, mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi địch đang có những sơ hở, cũng là nơi nhạy cảm, dễ gây chấn động và tạo tiếng vang lớn. Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, ta mở hướng tiến công phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh trước thời điểm tiến công 10 ngày. Ta tiến công một số đơn vị của Mỹ, ngụy ở Khe Sanh nhằm nghi binh thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch. Trong khi đó bộ đội ta thực hiện đòn tiến công chiến lược đánh vào các thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn, mà trọng điểm là thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.

Thiếu tướng Đặng Trọng Quân, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu kiểm tra mô hình học cụ tại Lễ ra quân huấn luyện của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324.
                                                                                                                                            Ảnh: LÊ THẮNG

 

Tiếp đến là bất ngờ về mục tiêu tiến công. Mục tiêu tiến công chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực địch mà nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh Mỹ - ngụy, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa phá hủy phương tiện chiến tranh. Đây là chỗ hiểm yếu dễ chấn động nhất. Một bất ngờ khác là về quy mô. Cuộc tiến công không chỉ diễn ra ở một vài vùng mà diễn ra trên toàn miền Nam, tiến hành đồng loạt trên địa bàn rộng lớn, làm bất ngờ không chỉ toàn bộ chính quyền Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, mà làm bất ngờ và chấn động cả nước Mỹ và dư luận trên toàn thế giới. Về thời gian tiến công, ta cũng tạo nên sự bất ngờ cho địch. Thời gian phối hợp hành động toàn miền Nam được chọn vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 làm hiệu lệnh hiệp đồng tổng tiến công đồng loạt cho các chiến trường trọng điểm. Đây là thời điểm có nhiều yếu tố bất ngờ nhất cho cả Mỹ và ngụy khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đang về quê nghỉ Tết. Cuối cùng là bất ngờ về phương châm đánh địch, đó là tổng công kích, tổng tiến công, kết hợp với tổng khởi nghĩa, kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, trên một diện rộng ở cả ba vùng chiến lược.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại những bài học sâu sắc về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ, chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công sáng tạo với cách đánh (phương pháp, phương thức) tác chiến linh hoạt, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào dinh lũy đối phương; nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng quân sự, lực lượng chính trị; nghệ thuật xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược... Những bài học đó là thực tiễn hết sức quý giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cho nên, trên cơ sở các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được chuẩn bị từ thời bình, phải xây dựng thế trận phòng thủ của Quân khu bảo đảm “vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt, có chiều sâu”, phòng thủ trong thế chủ động tấn công, phản công địch; đánh địch nhiều hướng, cả trên không, trên biển và đất liền, cả phía trước, phía sau, căng kéo, chia cắt, kìm giữ, không cho địch phát triển tiến công. Chiến tranh luôn vận động, phát triển theo ý đồ của cả hai bên tham chiến, nên thế trận ban đầu sẽ không còn phù hợp. Vì vậy cần phải chủ động thiết lập thế trận phòng thủ để giành và giữ quyền chủ động chiến trường.

Để thiết lập thế trận phòng thủ giữ và giành quyền chủ động trong mọi tình huống, việc làm hết sức quan trọng là phải xây dựng khu vực phòng thủ “Cơ bản, liên hoàn, vững chắc” theo Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong KVPT. Đây là vấn đề cơ bản, nền tảng để xây dựng thế trận, các tiềm lực khác của KVPT và càng trở nên quan trọng trong điều kiện các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, từng bước thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT, cơ quan quân sự các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP - AN làm cho toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, xây dựng KVPT tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trong tình hình mới; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” trong KVPT, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần với tập trung xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh, trọng tâm là xây dựng lực lượng và thế trận trong KVPT; đồng thời, tập trung xây dựng tiềm lực tổng hợp của KVPT. Xác định rõ: Toàn dân là lực lượng của KVPT, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự và công an. Do đó, trong xây dựng KVPT cần coi trọng xây dựng hai lực lượng này theo hướng: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đi nhanh vào hiện đại trong những lĩnh vực cần thiết. 

Chú trọng gắn phát triển kinh tế với QP - AN; QP - AN với phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực kinh tế đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng nhiều mô hình nhà máy, xí nghiệp mang tính lưỡng dụng (thời bình phục vụ đời sống dân sinh, chiến tranh chuyển sang phục vụ cho quốc phòng). Cần có chiến lược phát triển kinh tế cân đối, đồng đều, rộng khắp, phát huy được thế mạnh của vùng miền.

Quá trình xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; tiềm lực kinh tế phải luôn gắn với quá trình chuyển hóa, hoàn thiện thế trận quân sự - an ninh, phát huy được sức mạnh tổng hợp, bảo đảm đánh địch rộng khắp, tập trung vào hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu, các chiến dịch và trận đánh quan trọng; vừa có lực lượng phòng thủ, phòng ngự, vừa có lực lượng cơ động, bảo đảm tác chiến liên tục, dài ngày khi có chiến tranh. Trong đó cần phát huy hiệu quả của các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng trên địa bàn Quân khu, gắn thực hiện các dự án phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quân sự - an ninh nơi địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, vì thế để xây dựng thế trận phòng thủ “vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, linh hoạt, có chiều sâu”, luôn giành thế chủ động trong mọi tình huống cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ đối tác, đối tượng, phối hợp chặt chẽ các hoạt động QP - AN với đối ngoại nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất. Quá trình tổ chức thực hiện, phải nắm vững quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thiếu tướng Đặng Trọng Quân, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội