Thứ ba, 19/03/2024 - 11:27
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lịch sử là hồn cốt của dân tộc

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 28-11-2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về “Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”, lịch sử được coi là một trong những nội dung quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục phổ thông và trong chương trình sách giáo khoa mới.

Với mong muốn có những lời giải đáp thấu đáo về vấn đề dạy và học môn Lịch sử, xin giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và những người nặng lòng, yêu mến lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Lịch sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc ở cấp Trung học phổ thông (THPT) trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018? Nếu trở thành tự chọn, vai trò của môn học sẽ ra sao và điều gì sẽ xảy ra nếu ít học sinh đăng ký học môn tự chọn này?... Đó là những vấn đề đang rất được dư luận quan tâm. Trao đổi với phóng viên về nội dung này, PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Lịch sử là hồn cốt của dân tộc. Vì vậy, lịch sử cần đi theo mỗi người Việt Nam cả cuộc đời, cần phải giữ môn Lịch sử như rường cột cho cả nền giáo dục từ lớp 1 đến hết THPT.

Lịch sử là hồn cốt của dân tộc
PGS, TS Trần Đức Cường.  
 

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình khi Chương trình GDPT 2018 đưa Lịch sử thành môn học tự chọn?

PGS, TS Trần Đức Cường: Chúng tôi là những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, thành viên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rất ngạc nhiên là tại sao vấn đề này lại được đặt ra thêm lần nữa. Năm 2015, đã có những cuộc trao đổi trong giới và trong xã hội, tiếng nói chung của mọi người đều thấy môn Lịch sử có tầm quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng của đất nước ta.

Trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cũng như tiếp thu rất nhiều những thành tựu của văn hóa nhân loại, điểm cốt lõi nhất để chúng ta giữ được diện mạo như ngày hôm nay chính là niềm tự hào dân tộc, là lòng yêu nước hay còn gọi là chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam. Ngay cả khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ suốt hơn 1.000 năm, điều họ không thể đồng hóa được chính là cốt cách văn hóa, tình yêu đất nước, chủ nghĩa dân tộc hết sức chính đáng của chúng ta.

PV: Vậy theo ông, môn Lịch sử cần đứng ở vị trí nào trong Chương trình GDPT 2018?

PGS, TS Trần Đức Cường: Bộ môn Lịch sử là bộ môn gắn với giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho tất cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Tham khảo vị trí, vai trò của bộ môn Lịch sử ở các nước, tôi biết ở Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Đức, môn Lịch sử là một môn rất quan trọng. Đối với chúng ta, tôi chỉ nói hơn trăm năm trở lại đây, việc Phan Bội Châu, một trong những nhà yêu nước vĩ đại đầu thế kỷ 20 đã viết những công trình lịch sử như "Việt Nam quốc sử khảo", "Trùng Quang tâm sử" nhằm thức tỉnh lòng yêu nước khi đất nước nằm trong vòng nô lệ. Bác Hồ là một trong những người sử dụng sử học mác-xít để đánh thức tình yêu nước của nhân dân, như tác phẩm "Lịch sử nước ta"... Từ đó, ta mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay.

Học lịch sử để có một thế giới quan đúng đắn, hiểu được mỗi bước đi của dân tộc để không chỉ tôn vinh những thế hệ người Việt Nam đã làm nên cơ đồ đó, mà còn biết ứng xử, dự báo để có cuộc sống bình yên, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều thách thức như ngày nay. Vậy tại sao không cho học sinh học một cách kỹ lưỡng về vấn đề này? Tôi nghĩ môn Lịch sử phải là một môn độc lập và bắt buộc.

Lịch sử là hồn cốt của dân tộc
 Học sinh tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Quân khu 4.

PV: Xã hội và đặc biệt trong giới sử học hẳn chưa quên dự thảo Chương trình GDPT tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từng ghép môn Lịch sử với hai phân môn khác là Đạo đức-Công dân và Quốc phòng-An ninh thành môn bắt buộc “Công dân với Tổ quốc”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn kết quả kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lên cấp cao nhất?

PGS, TS Trần Đức Cường: Năm 2015 từng có dư luận như thế. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có đơn kiến nghị để bảo vệ lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở (THCS) đến cấp THPT và rất vui mừng khi Đảng, Nhà nước đã đánh giá rất đúng vai trò của môn Lịch sử. Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về “Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa 13 về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”, tại Điều 10 ghi rõ: “Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới...”.

Vậy ai có thể bỏ được nghị quyết như thế của cơ quan nhà nước cao nhất là Quốc hội?

PV: Ngày 23-4, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi chính thức về vấn đề này. Trong đó khẳng định sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Ông có đồng tình với nhận định này?

PGS, TS Trần Đức Cường: Tôi nghĩ cần phải suy nghĩ cho đúng khi học hỏi thế giới. Mỗi một dân tộc trong quá trình phát triển của mình đều có đặc điểm riêng. Chúng ta đi lên từ hàng nghìn năm lịch sử. Chúng ta luôn bị kẻ thù đe dọa và bao giờ cũng gắn công cuộc dựng với giữ nước. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Còn cần thiết đến mức nào tôi thiết tưởng những công việc này đã được nói rõ rồi. Những bài học lịch sử sẽ là những bài học kinh nghiệm cho chúng ta-thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau trong công cuộc giữ gìn bảo vệ và phát triển đất nước.

Kẻ thù của chúng ta luôn đánh vào văn hóa và trong văn hóa hệ tư tưởng lịch sử hết sức quan trọng. Năm 1407, khi Minh Thành Tổ nhân cơ hội nước ta có những trục trặc đã đưa quân đánh vào nước ta. Họ mang theo lời dặn đốt hết giấy tờ, sách vở, phá hết những bia do người An Nam lập nên, một chữ cũng không để lại. Như vậy, họ muốn xóa ký ức của người Việt Nam về quá khứ hào hùng của dân tộc, về những chiến thắng quân Nam Hán, quân Tống, những trận đánh lớn chống quân xâm lược Mông Nguyên... để đồng hóa dân tộc ta, để xóa đi ý chí đấu tranh giành lại đất nước.

Lịch sử là ký ức. Quên lịch sử là xóa đi ký ức, quá khứ hào hùng đã hun đúc nên dân tộc ta. Tôi nghĩ rằng chủ trương này nên xem lại có phù hợp với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng...

PV: Theo Bộ GD&ĐT, với cách thiết kế Chương trình GDPT 2018, học sinh cấp tiểu học và THCS đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Còn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10 đến lớp 12, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội để học sinh lựa chọn đáp ứng nhu cầu của người học. Ông thấy cách tiếp cận này thế nào?

PGS, TS Trần Đức Cường: Mỗi lứa tuổi tiếp nhận kiến thức lịch sử theo sự trưởng thành của họ. Đối với học sinh tiểu học rất đơn giản. Học sinh THCS thì biết hơn và THPT phải biết hơn nữa. Những kiến thức về chủ nghĩa yêu nước, tự hào về dân tộc sẽ đi theo họ suốt cuộc đời, chứ không phải học sử để làm người nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử.

Tôi nghĩ lập luận đó phải xem lại, bởi có phải học sinh nào cũng thích môn Toán, Ngữ văn hoặc một số môn học khác. Bộ GD&ĐT giải thích thế nào về chuyện người ta không thích mà vẫn phải học. Có những bộ môn dứt khoát phải giữ như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Tôi nghĩ, môn Lịch sử cũng vậy, cần phải giữ như là rường cột cho cả nền giáo dục từ lớp 1 đến hết THPT. Đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến kiến thức về lịch sử mà Đảng và Nhà nước ta muốn phổ quát rộng rãi trong các thế hệ người Việt Nam không đạt được.

PV: Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nội dung môn Lịch sử trong chương trình mới đã hấp dẫn và cải tiến hơn rất nhiều. Vậy nên chúng ta không cần phải lo lắng khi cho rằng ít học sinh chọn môn học này?

PGS, TS Trần Đức Cường: Tôi rất vui mừng vì các nhà giáo, nhà nghiên cứu đang rất chăm chút, cải tiến cho bộ sách giáo khoa này. Nhưng điều đó phải đi cả hai chân. Có một bộ sách mới hấp dẫn hơn là việc cần phải làm, một mặt phải xác định đúng vị trí của lịch sử trong nền phát triển công tác tư tưởng của nước nhà. Hệ tư tưởng đó không bao giờ thay đổi.

Những người làm chương trình lý giải thế nào về việc một số môn là bắt buộc? Tôi nghĩ không nên đưa những thông tin nhiễu loạn như vậy mà cần phải xác định vị trí của môn Lịch sử thì sẽ đúng hơn. Chúng ta coi trọng môn Lịch sử thì lập tức người ta sẽ tìm cách để môn học ngày càng hoàn thiện hơn, đấy mới là biện chứng.

PV: Quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng, môn Lịch sử đã được tăng thời lượng so với chương trình hiện hành, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác. Như vậy, nếu học sinh không chọn môn Lịch sử thì vẫn được tiếp thu kiến thức về lịch sử?

PGS, TS Trần Đức Cường: Tôi không thỏa mãn với sự lý giải đó. Thứ nhất, việc tăng thời lượng môn học với việc có lựa chọn học hay không là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Thứ hai, trong cuộc sống có điều gì mà không liên quan đến lịch sử. Chẳng hạn, những môn khoa học tự nhiên tưởng rất xa xôi đối với lịch sử như môn Toán, chúng ta cũng phải học lịch sử để biết con số 0, số 1, số La Mã, số Pi, những định luật... là phát kiến của ai. Không thể nói trong cái này có cái kia, như vậy đã là học lịch sử. Vậy sao không nói lịch sử tích hợp trong môn Toán?

C.Mác từng nói, chỉ có một ngành khoa học duy nhất đó là khoa học lịch sử. Đó không phải là bộ môn Lịch sử hẹp như chúng tôi đang nói, mà C.Mác muốn nhấn mạnh đến phép biện chứng trong mỗi lĩnh vực hoạt động bao gồm văn hóa và khoa học. Phải hiểu một cách hệ thống thì mới có nhận thức một cách hệ thống. Nhận thức chân thực về lịch sử mới thấy được chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam là thế nào. Do đó, cần coi trọng và đặt đúng vị thế của môn Lịch sử trong sự phát triển của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội