Văn học, nghệ thuật và thế hệ bộ đội hôm nay
Cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với sự phát triển chóng mặt về kinh tế, khoa học, y tế...
Là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy... nên con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: Nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh... Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, tiền đề cho sự giao lưu văn hóa diễn ra như một tất yếu và ngày càng sâu sắc. Quá trình đó cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn trong giáo dục, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới...
Con người liên văn hóa
Có thể hình dung mỗi nhà văn hóa như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của họ đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa. Lại có thể hình dung liên văn hóa như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc, cái thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ nhà văn được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương, có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập... Hình dung như vậy để khẳng định càng là tác giả lớn tính liên văn hóa càng rõ.
Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (the intercultural philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu.
Xét theo nghĩa hẹp, liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống-hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hóa (intracultural communication). Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Liên văn hóa hiện nay chủ yếu hiểu theo quan niệm là sự giao tiếp giữa những nền văn hóa khác nhau.
Đặc trưng phổ quát của triết học con người trong văn hóa nhân loại hôm nay là con người liên văn hóa!
Sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, tự động hóa, như một lẽ tự nhiên, con người (theo nghĩa phổ biến), nhất là giới trẻ được tiếp xúc, hít thở, hấp thụ mọi luồng văn hóa trên khắp thế giới. Họ có ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin ở mức phổ thông (điện thoại thông minh) là đủ để có thể “truy cập” vào mọi ngõ ngách văn hóa khắp thế giới. Con người liên văn hóa hiểu biết nhiều, thông minh, là điều kiện để trở thành công dân toàn cầu. Mặt trái là nếu không được trang bị tinh thần dân tộc, thiếu bản lĩnh sẽ có xu hướng dời xa cội rễ Tổ quốc dẫn tới lai căng. Một bộ phận thanh niên ta biết sử nước ngoài, biết tên cầu thủ, danh ca, hoa hậu... quốc tế hơn nhiều sử nước nhà, các tấm gương anh hùng tổ tiên... là hiện tượng vừa bất thường, vừa bình thường.
Thông tin từ báo chí cho biết, tính riêng đợt tuyển quân năm 2022, ở Hà Nội có 3.662 thanh niên nhập ngũ, đạt 104,6%, trong đó có 25,6% viết đơn tình nguyện, trình độ từ cao đẳng, đại học chiếm 20,7%, 1.635 thanh niên là đối tượng Đảng. Nhiều tờ báo phản ánh, ở các địa phương, chất lượng thanh niên nhập ngũ năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy trình độ bộ đội có nhận thức chính trị và học vấn khá cao. Đây là tiền đề cơ bản để giáo dục bản lĩnh, nhân cách, cũng là sự đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải có phương pháp giáo dục, rèn luyện tương ứng, phù hợp, thích hợp. Phải luôn đổi mới và hiện đại hóa biện pháp.
Người lính hôm nay yêu nước, có ý chí, quyết tâm, tinh thần dân tộc cao nhưng trong không gian liên văn hóa khó có thể nói ý thức kỷ luật nhìn chung là tốt. Họ đã và đang học tập miệt mài làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. Họ cũng suy tư về cuộc sống gia đình, cá nhân không bắt kịp với tư duy, bước tiến và bước nhảy của kinh tế thị trường. Họ trăn trở ở trong quân ngũ phục vụ suốt đời thì cuộc sống của họ và gia đình sẽ ra sao? Hết thời gian tại ngũ, xuất ngũ sẽ làm gì? Họ băn khoăn trước các giá trị văn hóa bị đảo lộn, xuống cấp...
Những giải pháp chung giáo dục bản lĩnh, nhân cách bộ đội
Một là, về lãnh đạo, chỉ đạo. Người Việt sống trọng tình, trọng niềm tin. Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng. Họ kỳ vọng nóng bỏng vào Đảng là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả hơn nữa. Mà tham nhũng thì chỉ có ở những người có chức, có quyền. Triết lý muôn đời trước nay, ở bất kỳ thể chế chính trị nào thì cũng “nhà dột từ nóc”. Không chỉ đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, nguy hiểm hơn, tham nhũng đục khoét lòng tin của dân ta với Đảng, đục khoét vào các giá trị đạo lý, đạo đức, trách nhiệm, bổn phận... Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng, có như vậy mới có thể nói được với dân, thuyết phục, tuyên truyền, kêu gọi được dân.
Hai là, về sự kế thừa, quản lý. Những giá trị văn hóa có từ ngàn năm trong việc giáo dục đạo lý con người cần được nghiên cứu kế thừa, phổ biến. Ví như tác phẩm “Hậu tự huấn” (Nguyễn Trãi viết giúp vua Lê Thái Tổ để răn dạy các thái tử) hay “Nhị thập tứ huấn điều” (năm 1470) do vua Lê Thánh Tông cho công bố để huấn thị quan lại từ trung ương đến làng xã, rất cần để cán bộ, đảng viên hôm nay tham khảo, học tập, tu dưỡng. Rồi “Gia huấn ca” (tương truyền của Nguyễn Trãi) là những bài học về đạo lý làm người trong gia đình... Thời nhà Lê cực thịnh có sự góp phần không nhỏ của những tác phẩm văn học-nghệ thuật.
Cần làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền, phục hồi các hương ước tiến bộ, phù hợp với hôm nay. Văn hóa truyền thống ngấm rất sâu, biểu hiện rất tinh tế ở nghệ thuật truyền thống. Nên đưa vào chương trình giảng dạy một số bộ môn nghệ thuật dân tộc cơ bản (chèo, tuồng...). Đó là cách cơ bản góp phần tỏa sáng viên ngọc đạo lý của cha ông để soi sáng thêm cho ngày hôm nay.
Phải có những giải pháp chặt chẽ về mặt Nhà nước, sớm luật hóa lễ hội, có những văn bản pháp quy dưới luật làm căn cứ để xử lý những vi phạm... Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Những cái gì bất cập, không phù hợp với văn hóa hôm nay cần nghiên cứu loại bỏ, kết hợp với việc làm mới những giá trị truyền thống.
Ba là, về giáo dục. Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì mỗi cá nhân từ ấu thơ đến lúc trưởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống từ gia đình. Cách giáo dục tốt nhất là nêu gương. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân mỗi người là rất quan trọng. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. Cần có luật về internet, trẻ em chỉ được sử dụng không gian mạng riêng, không thể tự do như hiện thời!
“Không thầy đố mày làm nên”. Thời nào thì nhà trường và người thầy cũng quyết định chất lượng giáo dục. Đầu tư cho giáo dục thì trọng điểm là đầu tư cho việc giáo dục người thầy, tức nâng cấp hệ thống các trường sư phạm một cách căn bản. Khuyến khích người tài vào ngành giáo dục. Từng bước nâng cao đời sống giáo viên.
Bốn là, về hành chính. Trong xã hội hiện đại, con người điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo luật pháp. Thiếu niềm tin vào pháp luật sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng luật, dễ có hành động chệch khỏi các chuẩn mực pháp lý. Pháp luật bắt nguồn từ đạo đức. Đạo đức là gốc của nhân cách nên cũng là gốc của pháp luật. Do vậy, nâng cao ý thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị. Việc giảng dạy pháp luật ở nhà trường phổ thông và việc tuyên truyền giáo dục pháp luật thường xuyên ở các đơn vị hành chính cơ sở phải rất được coi trọng.
Nhóm giải pháp cụ thể với bộ đội hôm nay
Một là, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất, thường xuyên, liên tục. Thực tế cho thấy, chúng ta đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là đúng đắn, cần lan tỏa sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp nhân dân. Đấy cũng là một cách thiết thực ngăn ngừa tác hại mưu đồ của những kẻ xấu hòng bôi nhọ, hạ bệ thần tượng Bác Hồ. Sinh thời, được học sâu văn hóa truyền thống dân tộc, đi hầu khắp thế giới, biết rất nhiều ngoại ngữ, tiếp xúc với nhiều chủ nghĩa, tôn giáo, với nhiều chính khách, văn nghệ sĩ... nên Bác Hồ trở thành một hiện tượng liên văn hóa rất tiêu biểu của thế giới. Nghiên cứu, học tập về Bác rất phù hợp với giới trẻ, nhất là về phương diện lý tưởng.
Là nhà cách mạng thực tiễn, nhà triết học hành động, Bác sống ở trong dân, không ở trên dân, Bác là người sống đúng nhất với chân lý “một tấm gương sống hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, tất cả là học trò của Bác, học theo Bác, nhất là học tính liêm chính của Người thì dân sẽ tin và không một tư tưởng phản động nào, dù được ngụy trang bằng thứ nghệ thuật nguy hiểm, thâm độc nào có thể lung lay được. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Bác Hồ là một hiện tượng văn hóa mang tầm nhân loại với tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật lớn lao để sáng tạo đến khôn cùng!
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu một cách thiết thực, hiệu quả Chủ nghĩa Mác-Lênin-một trí tuệ lớn lao, một tài sản văn hóa tinh thần vô giá của nhân loại. Cần chứng minh sự gặp gỡ với các chủ nghĩa, các trào lưu tư tưởng lớn khác trên thế giới xưa nay để thấy được giá trị, chiều sâu và ý nghĩa phổ quát của Chủ nghĩa Mác. Cần khắc phục thực tế ở một số trường đại học hiện nay, dạy và học Chủ nghĩa Mác-Lênin còn đại khái, hình thức.
Ba là, khai thác thế mạnh truyền thống là hình tượng người lính trong lịch sử giữ nước theo con đường liên văn hóa được thể hiện sinh động trong văn học, nghệ thuật (người lính thời Lý, Trần, Lê, thời đánh Pháp, Mỹ). Chính sách “ngụ binh ư nông” là một “nội văn hóa” rất rõ trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, trong thơ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Nên có đề tài khoa học nghiên cứu về vấn đề này!
Bốn là, tạo ra các cuộc thi sáng tác chung quanh cuộc sống người lính hôm nay dưới nhiều hình thức (báo tường, hò vè, thơ truyện, kịch, tiểu phẩm...) ở nhiều môi trường sinh hoạt (cả chuyên lẫn không chuyên). Với giới chuyên nghiệp nên khuyến khích lối tiếp cận mới mẻ, giản dị, phù hợp văn hóa và tâm lý tiếp nhận lứa tuổi, nghề nghiệp.
Năm là, tạo ra diễn đàn tranh luận, trao đổi trên báo chí... để người lính được nói lên những suy nghĩ thật nhất, tươi mới nhất. Tâm lý học hiện đại thời toàn cầu hóa rất đề cao tiếng nói đối thoại ở khía cạnh chia sẻ, nói ra được những băn khoăn cũng là một cách giải tỏa những băn khoăn!
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận