A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ung thư phổi nguy hiểm đến mức nào?

Phổi là một bộ phận của hệ hô hấp, giữ vai trò quan trọng là đưa oxy từ không khí vào và thải ra khí CO2 (carbon dioxide) ra khỏi cơ thể. Cấu tạo của phổi gồm có khí quản là ống dẫn khí chính (hay còn gọi là cuống phổi) và buồng phổi được chia đều sang 2 bên trái, phải của cơ thể, mỗi buồng phổi đều có ống dẫn khí. Bên trong các ống dẫn khí có lớp màng nhầy mỏng, có tác dụng giữ bụi và các chất bẩn khác.

Ung thư phổi là căn bệnh có sự xuất hiện của những khối u ác tính trong các tế bào của ống dẫn khí. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, khối u này sẽ dần lan ra ngoài phổi và đi đến các mô hoặc bộ phận khác trong cơ thể, đây cũng được biết đến là quá trình di căn.

Hầu hết, các loại ung thư khởi nguồn từ trong phổi được gọi là ung thư biểu mô. Có 2 loại ung thư chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC).

Ung thư phổi chính là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao ở nam giới. Ngoài ra, ở nữ giới thì số người mắc bệnh và chết vì ung thư phổi cũng rất cao.

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh có xu hướng gia tăng, gần đây xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi.

Thường khi bệnh ở giai đoạn di căn, khoảng 70% bệnh nhân có triệu chứng ho, tức ngực. Bệnh nhân có thể khan tiếng do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm. Khi ung thư ở đỉnh phổi đã xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, có thể sụp mi, sa mí mắt, đồng tử co lại, lõm mắt...

Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá, tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Một số yếu tố nguy cơ khác là tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ công nghệ kim loại nặng, amiăng, mỏ phóng xạ uranium, công nghiệp hóa dầu, yếu tố gia đình...

Phát hiện sớm 

Bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng. Người có nguy cơ trung bình là từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm. Nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

Hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Hướng dẫn của Bộ Y tế Mỹ, tầm soát ở tuổi 55-74 bằng chụp CT ngực mỗi năm. Nếu có bất thường, chụp CT ngực, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực...

Kết quả và thời gian điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tầm soát giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm có khả năng cao điều trị khỏi bệnh, 92% sống 5 năm. 

Phòng ngừa

Bỏ thuốc lá

 

Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá cao hơn 10 lần so với người không hút. Việc đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá, tránh xa làn khói thuốc xung quanh.

Tập thể dục thường xuyên

Vận động thể lực kể cả hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần một tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả

Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hãy ăn đa dạng loại rau và nhiều màu sắc như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh mà còn rất tốt cho bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành...

Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng

Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Thành Vinh (Tổng Hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội