A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôi đi "đánh giặc" thời bình

Tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa). Khi nghe thông tin tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp, tôi tha thiết muốn cống hiến sức mình, chung tay cùng toàn dân đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, khi có thông báo cần lực lượng lên biên cương chống dịch, tôi liền xung phong thực hiện nhiệm vụ.

Chuẩn bị lên đường, tôi mượn điện thoại của chỉ huy đơn vị gọi về báo tin cho gia đình. Giọng mẹ trầm tư: “Mẹ lo con lên biên giới vất vả, hiểm nguy... Nhưng bố mẹ rất mừng và tự hào về con khi được rèn luyện trong môi trường Quân đội đã trưởng thành hơn, không những biết lo lắng cho gia đình mà còn nghĩ cho quê hương, cho đất nước”.  

Binh nhất Lữ Văn Tuấn nhóm bếp thổi cơm.

Hơn 3 tháng nay, tôi lên tăng cường cho chốt 328, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa) để phòng, chống dịch Covid-19. Điểm chốt được dựng dã chiến dưới những tán cây rừng, không có điện, sóng điện thoại lúc có lúc không và thiếu nước sinh hoạt. Hằng ngày, tôi cùng đồng đội men theo những con suối, vượt qua những cánh rừng sâu, theo lối mòn xuyên qua rừng trong đêm để tuần tra kiểm soát.

Ban ngày trời nắng nóng, oi bức, nhất là gió Tây Nam thổi mạnh, kèm theo cát bụt phả vào rát cả thịt da, còn ban đêm thì nhiệt độ xuống thấp, lạnh run người khiến công tác tuần tra biên giới gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì bình yên cuộc sống của Nhân dân, chúng tôi động viên nhau cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Một khó khăn chúng tôi phải đối mặt đó là sự tấn công từ các loài bò sát, côn trùng như: rắn rết, bọ cạp, muỗi, vắt... Có lần, đi tuần tra tôi phát hiện một con rắn cạp nong chui vào trong ba lô từ lúc nào không biết. Tôi liền kiếm cành cây để đuổi con rắn và nó đã lủi đi khá nhanh. Còn những lúc trời mưa, đi tuần tra trong rừng, chúng tôi luôn phải đối mặt với những đàn vắt, đàn muỗi đói vây quanh... Ban đầu tôi cảm thấy lo ngại, nhưng được các đồng đội hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nên quen dần và biết cách xử lý chúng.

Binh nhất Lữ Văn Tuấn (người đi sau cùng) đi tuần tra cùng đồng đội.

Những ngày đầu mới lên chốt, ban ngày đi làm còn đỡ nhưng màn đêm buông xuống là khi lòng người được thử thách nhất. Ở nơi rừng sâu, không điện, chỉ có tiếng ếch nhái và tiếng của các loài côn trùng, lòng tôi bâng khuâng, bồn chồn, nhớ bố mẹ, nhớ người thân da diết. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, của người lính đối với đất nước và được các đồng đội động viên, tôi xua nhanh nỗi nhớ để nghĩ đến việc cố gắng hết sức mình góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Có lần, một anh trong chốt tâm sự với tôi: “Tuấn à, các anh hiểu chú còn trẻ, rời ghế nhà trường, nhập ngũ vào Quân đội, thực hiện nhiệm vụ ở đảo xa, nhưng vẫn xung phong lên biên cương chống dịch, các anh rất quý... Dù ngoài biển đảo hay trên biên cương cũng đều là nhà, chúng ta cứ đoàn kết thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy anh em mình cũng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tôi cùng đồng đội tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn những kiến thức về y tế, pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19. Ban đầu bà con còn chủ quan, thực hiện chưa tốt, nhưng đến nay bà con đã thay đổi hẳn và chấp hành nghiêm các quy định.

Thực hiện nhiệm vụ nơi rừng sâu, gian khó, hiểm nguy, nhưng nhớ lời động viên của mẹ, lời chỉ bảo của các anh, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, bám chốt, bám rừng bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Tôi tâm niệm rằng, khi khoác lên mình bộ quân phục thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần bảo vệ biên cương, kiểm soát tốt dịch bệnh, đó cũng là nhiệm vụ “đánh giặc thời bình”.

Binh nhất LỮ VĂN TUẤN (Chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội