A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mong sớm trở lại phục vụ bệnh nhân

Gần 7 tháng phục vụ tại Khu cách ly và nay là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 lúc nào tôi cũng chú ý bảo đảm an toàn, phòng dịch. Những hàng ngày lượng bệnh nhân nhập viện không ngừng tăng, theo đó tần suất tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày của tôi cũng tăng lên. Đúng vào thời điểm bệnh nhân tăng đột biến cũng là lúc tôi bị nhiễm SARS-CoV-2. Những ngày trở thành bệnh nhân, tôi vừa mong sớm bình phục để trở lại phục vụ bệnh nhân.

Thượng úy QNCN Lê Đăng Tâm (thứ hai từ trái sang) chuẩn bị bữa ăn phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 Thanh Hóa,

Ngày 02/5/2021 đến nay, từ Nhân viên quản lý Ban Chỉ huy Quân sự Nông Cống (Thanh Hóa) tôi xung phong vào thực hiện nhiệm vụ tại Khu cách ly Trường Trung học cở sở Triệu Thị Trinh và ngày 01 tháng 11 chuyển thành Bệnh viện dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân Covid-19. Đều đặn 2 ngày, chúng tôi được xét nghiệm, tets nhanh Covid một lần. Và trải qua gần 7 tháng với hơn 100 lần xét nghiệm, tôi và đồng đội đảm nhiệm công tác hậu cần phục vụ bệnh nhân nươi đây vẫn bảo đảm an toàn.

Như thường lệ, ngày 8 tháng 12, sau khi phục vụ bữa sáng cho bệnh nhân, đội ngũ y tế tiến hành lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho chúng tôi. Sau hơn 30 phút, kết quả mọi người vẫn bình thường, riêng mình tôi biểu hiện nghi ngờ nhiễm SARS- CoV-2. Nhanh chóng tôi được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Trải qua gần 24 giờ đồng hồ chờ kết quả, khiến tôi đứng ngồi không yên. Bao nhiêu suy nghĩ, giằng xé trong tôi. Tôi bị nhiễm Covid-19 thì thủ trưởng, đồng đội và những người tiếp xúc với tôi liệu có sao không?...

Sáng ngày 9 tháng 12, Trung tâm CDC Thanh Hóa thông báo, kết quả tôi bị nhiễm Covid-19. Chao ôi, vậy là từ người phục vụ bệnh nhân nay tôi trở thành bệnh nhân và làm liên lụy đến đồng đội, đơn vị.

Ngay trong sáng ngày 9 tháng 12, tôi được chuyển vào khu điều trị ngay trong Bệnh viện dã chiến số 1. Đồng đội những người đảm nhiệm công tác hậu cần phục vụ bệnh nhân cùng tôi cũng chuyển vào khu cách ly. Công tác phục vụ hậu cần của bệnh viện được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Nông Cống phân công cho cán bộ, y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện đảm nhiệm.

Những ngày trở thành bệnh nhân Covid-19 nhưng sức khỏe của tôi vẫn bình thường. Chỉ có tinh thần bị suy sụp vì do tôi suy nghĩ quá nhiều. Tại sao mình lại bị nhiễm Covid được nhỉ? Lúc nào tôi cũng hết sức cẩn trọng rồi mà. Tôi chợt nghĩ ra, hôm trước trong lúc đưa cơm vào cho bệnh nhân do mồ hôi chảy nhòe hai hàng mi, tôi đưa tay gạt giọt mồ hôi, làm lệch khẩu trang…

Thời gian nằm trong khu điều trị, tôi nhớ lại những giây phút đầu tiên bước vào khu cách ly với bao trăn trở, lo lắng. Liệu mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ công dân mà đơn vị tin tưởng không? Công việc thường xuyên tiếp xúc với người nguy cơ trở thành bệnh nhân và cả bệnh nhân Covid nữa có nguy hiểm không? Nhưng tôi và đồng đội trấn an, động viên nhau rằng, mình là lực lượng tuyến đầu đã được tiêm 2 mũi vắc xin rồi và bao nhiêu y, bác sỹ điều trị bệnh nhân Covid có sao đâu… Rồi hình ảnh mỗi tối trước khi đi ngủ, tiếng con bé thứ hai của tôi năm nay mới hơn hai tuổi cứ bắt mẹ gọi điện thoại qua Zalo để được gặp bố cứ miên man trong tôi. Gần 7 tháng từ nơi tôi làm việc chỉ cách nhà chưa đầy 10 km, thế mà tôi chưa một lần về thăm nhà. Vậy là bao nhiêu công sức và sự cẩn trọng, gìn giữ chỉ một chút bất cần tôi đã trở thành người gây phiền toái cho đồng đội.

Ngày 12 tháng 12, sau hai lần test nhanh và hai lần xét nghiệm PCR, tôi đều có kết quả âm tính với SARS – CoV-2. Tôi báo cáo với bác sỹ điều trị, xin được xuất viện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhưng bác sỹ nói rằng, theo quy định người bị nhiễm Covid-19 tuy không có triệu chứng vẫn phải điều trị đủ 7 ngày. Nằm trong khu điều trị, tôi đếm từng ngày mong sao sớm được ra viện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phục vụ bệnh nhân.

Ngày 15 tháng 12, sau lần thứ tư xét nghiệm PCR kết quả tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn và cũng là thời điểm tôi hoàn thành thời gian điều trị theo quy định. Ngay trong buổi sáng, tôi chuyển từ khu điều trị về khu vực hậu cần tiếp tục bắt tay vào công việc phục vụ bệnh nhân. Trở lại nhiệm vụ phục vụ bữa ăn bệnh nhân vốn quen thuộc đã nhiều tháng nay thực sự là niềm hạnh phúc với tôi.

Vậy nhưng, qua đây tôi rút ra bài học rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ phục vụ trong các khu cách ly, Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 phải luôn hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút bất cẩn, sơ suất có thể trở thành bệnh nhân Covid-19. Nhưng chúng ta cũng không quá hoang mang, lo lắng khi làm việc trong môi trường nguy cơ lẫy nhiễm cao và nếu trở thành F0 cũng hết sức bình tĩnh. Bởi chúng ta luôn được trang bị các thiết bị bảo hộ, phóng dịch an toàn và đã được tiêm 2 – 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, cùng với đó trình độ y, bác sỹ, điều kiện hệ thống y tế nước ta đủ khả năng điều trị, chiến thắng dịch Covid-19.

Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đăng Tâm, 

Nhân viên hậu cần tại Bệnh viện dã chiến số 1 huyện Nông Cống, Thanh Hóa


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội