A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiên phong chống dịch: Bài 4. Lan tỏa những việc làm hay

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", một lần nữa quân và dân Quân khu 4 lại sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” gian nan, nguy hiểm. Từ những việc làm, hình ảnh đầy nghĩa tình, trách nhiệm của đảng viên "Bộ đội Cụ Hồ" đã làm lan tỏa trong Nhân dân những việc làm hay chung tay chống dịch.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4, đặc biệt là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Bộ đội Hóa học Quân khu 4 đã điều lực lượng và xe chuyên dụng phun hóa chất khử khuẩn ngăn chặn dịch lây lan. Lực lượng Công an, bộ đội, dân quân, y tế cùng các lực lượng khác trắng đêm truy vết F1, F2; ngày đêm túc trực tại các chốt chặn; tuyên truyền, nhắc nhở bà con chấp hành các quy định phòng, chống dịch; bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ cách ly chu đáo…; hình ảnh đó đã làm lay động lòng người, tạo sức lan tỏa lớn, thôi thúc mỗi người dân nêu cao ý thức chung tay chống dịch.

Bộ đội Hóa học Quân khu 4 phun khử khuẩn trên địa bàn thị xã Hoàng Mai.

Chung sức, đồng lòng chống dịch

Cảm kích trước hình ảnh cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, mà nòng cốt là bộ đội, Công an, y tế ngày đêm lo lắng cho công tác phòng, chống dịch, anh Hồ Sỹ Sơn, Giám đốc khách sạn Sông Quỳnh, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) không chỉ vui vẻ dùng khách sạn phục vụ 41 công dân cách ly mà còn ủng hộ 50 triệu đồng giúp địa phương phòng, chống dịch. "Từ khi dịch bùng phát trên địa bàn Thị xã, tôi cảm nhận được sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, nhất là sự chung tay đầy trách nhiệm của bộ đội, Công an, y tế; tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh góp phần khống chế dịch lây lan ra cộng đồng. Việc đồng ý đưa khách sạn Sông Quỳnh vào phục vụ công dân cách ly đó là trách nhiệm của mỗi người dân như chúng tôi để góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống Covid-19" - anh Hồ Sỹ Sơn nói.

Quân và dân thị xã Hoàng Mai chung tay chống dịch.

Cuối tháng 8/2021, công dân từ miền Nam trở về địa phương gia tăng khiến công tác tổ chức cách ly gặp khó khăn, chị Đặng Ngọc Bội Ngọc, trú xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã quyết định cho địa phương trưng dụng 2 dãy nhà nghỉ liền kề với tổng số 29 phòng khép kín của gia đình để làm khu cách ly công dân. Khu nhà có đầy đủ hệ thống điện, nước, quạt mát, bảo đảm tốt các yêu cầu về cách ly công dân tập trung theo quy định của ngành Y tế.

Đó là hai trong số rất nhiều việc làm chung tay chống dịch của bà con Nhân dân. Cùng với đó, nhờ sự cộng đồng trách nhiệm, rất nhiều người dân và các nhà hảo tâm đã quyên góp tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch. Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt và vật chất quy đổi được quân và dân khu 4 quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Chị Đặng Ngọc Bội Ngọc cho mượn khu nhà nghỉ gia đình đón công dân về cách ly (ảnh: CTV).

Trong những đợt dịch bùng phát, hành động, việc làm đầy trách nhiệm vì tính mạng, sức khỏe Nhân dân của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã chạm đến trái tim mỗi người con đất Việt. Từ đó, “ý Đảng, lòng dân” càng thêm khăng khít, bền chặt; người dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, miền xuôi, miền ngược, vùng biển, ở trong nước hay nước ngoài; người già, trẻ em… ai cũng ra sức "chi viện" cho tâm dịch.

Những "Chuyến xe không đồng", "Gian hàng không đồng", "Tủ bánh mỳ không đồng", tiền mặt, gạo, mỳ tôm, khẩu trang, nước sát khuẩn... ồ ạt chuyển về hỗ trợ người dân tâm dịch; từ con gà, cân thịt, mẻ cá, quả trứng đến mớ rau, chai nước mắm… Ai có cá ủng hộ cá, có rau ủng hộ rau và hăng hái tham gia tuyên truyền kêu gọi, quyên góp. Hẳn trong mỗi chúng ta không bao giờ quên được hình ảnh những mẹ già vào tuổi “xưa nay hiếm” dù đang khó khăn vẫn góp 50 hay 100 ngàn đồng ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, chắt chiu từng cân gạo, bó rau, quả trứng, chống gậy tới ủng hộ khu cách ly. Hay những thương binh, cựu chiến binh dù mỗi khi “trái gió trở trời” cần tiền mua thuốc điều trị, nhưng họ đã nén cơn đau để dành số tiền ít ỏi ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu. Các em nhỏ dù chưa nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, song thấy các cô, các chú vất vả ngày đêm đã mổ heo tiết kiệm ủng hộ công tác phòng, chống dịch... Tất cả đều hướng về nơi tâm dịch với tinh thần "của ít, lòng nhiều", giúp đỡ nhau vượt qua gian khó.

Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban  MTTQ Việt Nam thành phố Vinh và Thành đoàn Vinh khai trương "Gian hàng 0 đồng - Ấm lòng mùa dịch".

Ai có của thì hỗ trợ của, ai không có thì chung tay góp công. Hình ảnh cựu chiến binh xung phong chốt chặn kiểm soát dịch, bác sĩ nghỉ hưu dù tuổi cao vẫn xung phong lên tuyến đầu với lý do "Tôi vẫn còn đủ sức khỏe và minh mẫn"; hội viên hội phụ nữ, đoàn viên, thành niên các địa phương thay nhau có mặt ở khu hậu cần, chăm lo bữa ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch và người dân đang cách ly. Gần 3 tháng nay, chị Trần Thị Chuyên, 53 tuổi, ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cùng với hơn 30 phụ nữ xã tình nguyện đến bếp ăn do Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Huế điều hành để hỗ trợ bộ đội nấu cơm phục vụ khu cách ly tập trung. Chị cho hay: "Thấy các chú bộ đội nấu ăn vất vả nên tôi và mấy chị em trong xã tình nguyện vào giúp. Hằng ngày, chị em chúng tôi có mặt tại bếp ăn từ sớm để cùng nhiều bà con, tình nguyện viên nhặt rau, nấu cơm, chia khẩu phần ăn… phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và công dân cách ly, chỉ mong sao chính quyền sớm dập được dịch để trở về cuộc sống bình yên".

Phụ nữ xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) tình nguyện nấu ăn phục vụ khu cách ly (ảnh: CTV).
Cựu chiến binh phường Bến Thủy (thành phố Vinh) tham gia chốt chặn trên địa bàn (ảnh: CTV).

Bà Hoàng Thị Hải, ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), hằng ngày dậy rất sớm đến khu cách ly T3 ở Trường Công Thương Huế giúp đỡ các lực lượng quét dọn vệ sinh. Theo như lời bà kể, con trai bà từng được các cô, chú bộ đội, y tế phục vụ cách ly thời gian trước, giờ dịch tiếp tục bùng phát, bà thấy mình phải có trách nhiệm chung tay cùng các lực lượng để đẩy lùi dịch bệnh…

Bức tranh vẽ bộ đội Hóa Học Quân khu 4 phun khử khuẩn nhiều màu sắc, chan chứa yêu thương của cô giáo Lê Trà Giang, giáo viên trường THCS Hưng Bình, thành phố Vinh.
Các thầy, cô giáo Trường THCS Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chuẩn bị các bữa ăn cho gần 1000 người cách ly tại Trường Đại học Hà Tĩnh (ảnh: CTV).

Đó là hình ảnh đầy cảm kích của 15 thầy, cô giáo Trường THCS Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xung phong vào chuẩn bị các bữa ăn cho gần 1000 người cách ly tại Trường Đại học Hà Tĩnh; các cô giáo Trường mầm non xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cùng nhiều tổ chức, cá nhân luân phiên đăng ký quyên góp ủng hộ kinh phí và nấu ăn phục vụ công dân cách ly; cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, giáo viên trường THCS Trần Mai Ninh, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), Đoàn viên thanh niên xã, giáo viên các trường học ở huyện Hương Sơn, Nghi Xuân (Hà Tĩnh)…  đã tự làm hàng nghìn mũ chắn giọt bắn, gửi tặng các đơn vị, lực lượng chức năng ở tuyến đầu…

Giáo dân đồng hành chống dịch

Những ngày dịch bùng phát trên địa bàn, cùng với chính quyền địa phương, Giáo xứ Lộc Thủy, Thạch Long, Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng hết sức nỗ lực, tập trung cao cho công tác phòng dịch. Ngoài việc đọc kinh, cầu nguyện ở nhà, bà con giáo dân cũng thực hiện nghiêm túc thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, Hội đồng mục vụ, Cha xứ, Ban truyền thông, Ban bác ái của Giáo xứ đã nỗ lực kêu gọi các nhóm thiện nguyện chung tay quyên góp hàng tấn cá và gạo cùng hàng trăm suất cơm, lương thực, thực phẩm hỗ trợ các lực lượng chống dịch.

Linh mục Nguyễn Xuân Hồng - quản xứ An Nhiên (TP Hà Tĩnh) cùng Hội đồng mục vụ Giáo xứ An Nhiên tặng quà tại khu cách ly Trường THCS Quang Trung (ảnh: CTV).

Giáo dân Giáo xứ Kim Lâm, Can Lộc (Hà Tĩnh) đã ủng hộ 500 kg nông sản, 1.340 suất cơm cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh). Ngay khi có ca nhiễm liên quan đến cán bộ làm việc tại Trung tâm Hành chính xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh), Giáo xứ An Nhiên đã sử dụng nhà dạy học giáo lý làm điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung SASR-CoV-2 cho hơn 3.000 người.

Giáo xứ An Nhiên đã sử dụng nhà dạy học giáo lý làm điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung SASR-CoV-2 cho hơn 3.000 người để khoanh vùng dập dịch (ảnh: CTV).

Linh mục Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Ban Bác ái xã hội - Caritas Giáo phận Hà Tĩnh chia sẻ: “Các suất cơm và quà hỗ trợ nhằm động viên các lực lượng chống dịch, hỗ trợ các bệnh nhân giúp họ vơi bớt khó khăn trong những ngày dịch bệnh hoành hành”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã phát động và kêu gọi mọi tăng ni, phật tử tham gia ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” với số tiền 700 triệu đồng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tòa Giám mục Thanh Hóa đã quyết định chuyển hình thức cử hành Thánh lễ có đông người tham dự sang hình thức trực tuyến để tập trung phòng, chống dịch. Kêu gọi bà con giáo dân tự ý thức tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện các hoạt động quảng đại bác ái, chung sức với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh...

Đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà ủng hộ khu cách ly tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: CTV).

Nhiều tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Công giáo và Phật giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tích cực hưởng ứng, đóng góp "Quỹ phòng, chống dịch Covid-19", tiêu biểu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ 50 triệu đồng; giáo xứ Kim Lũ (Tuyên Hóa), giáo xứ Văn Phú (thị xã Ba Đồn), giáo họ Bàu Sen, Hội Nghĩa (Bố Trạch)… ủng hộ gần 100 triệu đồng… Đặc biệt, tại giáo họ Bàu Sen, xã Phúc Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình), Linh mục Võ Minh Danh hàng ngày tại Nhà thờ giáo họ đã dùng loa phát thanh tuyên truyền, kêu gọi giáo dân tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch Covid-19. Linh mục còn tích cực tham gia tại các chốt chặn kiểm soát dịch cùng các lực lượng.

Linh mục Võ Minh Danh (người đội mũ vàng) cùng Công an, dân quân trực chốt chặn tại xã Phúc Trạch (ảnh: CTV).

Cùng với gương sáng đảng viên "Bộ đội Cụ Hồ" trên tuyến đầu chống dịch, thì những hành động đẹp của người dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đã góp phần tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và khơi dậy tinh thần đoàn kết, toàn dân chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Có thể khẳng định rằng, trong hoạn nạn, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…, tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau càng được phát huy”. Sự dấn thân bất chấp nguy hiểm, làm điểm tựa cho Nhân dân của đảng viên các cấp, trong đó nòng cốt là lực lượng y tế, bộ đội, công an đã tạo sức lan tỏa lớn, làm cho “nghĩa đồng bào” càng được phát huy cao độ, tạo nên “pháo đài” Đảng với dân vững chắc chiến thắng mọi “giặc thiên tai”, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… để đất nước ngày càng phồn vinh, người dân ngày càng hạnh phúc.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội