A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ vị Đại tướng tài ba, nhân hậu

Đã gần 8 năm, kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta. Thế nhưng hình ảnh vị Đại tướng tài ba, nhân hậu vẫn còn mãi trong lòng Nhân dân, kể cả những người đã gặp ông hoặc chỉ biết về ông qua hình ảnh, trang sách. Trong những ngày lễ trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam, của đất nước, các thế hệ công dân Việt Nam lại bồi hồi, xúc động nhớ về ông.

Tôi chưa bao giờ được gặp, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chỉ một lần duy nhất, dịp tháng 9/1984, trong đoàn đại biểu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đi viếng lễ tang Giáo sư Đặng Thai Mai, tôi được nhìn thấy ông. Khi ấy, Đại tướng đứng trong hàng tang lễ với vai trò là con rể của Giáo sư Đặng Thai Mai. Thế nhưng, cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, tôi đã nghẹn ngào khóc khi nghe tin ông qua đời.

Ngay từ thời còn nhỏ, cũng như nhiều trẻ em trong xóm nghèo ngày ấy, tôi đã rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những bài học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, qua những câu chuyện mà bố tôi - một người rất thần tượng Đại tướng kể lại. Tôi còn nhớ những đêm tháng Năm vào mùa gặt, bố tôi vừa quàng dây thừng trên vai kéo trục đá chạy vòng quanh sân để tuốt lúa, vừa kể cho chúng tôi nghe về chuyện bộ đội ta hò dô… kéo pháo qua dốc đèo Pha Đin tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp tài ba lỗi lạc, chỉ huy quân ta đánh chiếm cứ điểm Mường Thanh, đồi A1. Bọn giặc Tây “mũi lõ” cứ huênh hoang có vũ khí tối tân hiện đại, nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của tướng Giáp, chúng bị đánh úp bất ngờ nên đã thua to, phải giơ tay xin hàng…

Nhớ vị Đại tướng tài ba, nhân hậu
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.

Lúc ấy trong trí óc non nớt của cô bé mới 9-10 tuổi, tôi cứ hình dung hình ảnh thật oai hùng về một vị Đại tướng mắt sáng như sao, mặc áo trấn thủ, đi dép cao su, hông đeo súng lục, đầu đội mũ giắt đầy lá ngụy trang, lúc ẩn, lúc hiện chỉ huy quân đánh trận. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh theo tôi mãi. Cả những buổi tối theo bọn con trai dọc tàu lá chuối tươi trong vườn làm súng chơi đánh trận giả bắn nhau, “súng” kêu roàn roạt, trong đầu tôi vẫn liên tưởng về những câu chuyện bố tôi đã kể về ông.

Đến sau này lớn hơn, qua tìm hiểu tôi được biết ông không chỉ là một tướng võ mà còn là một nhà trí thức, một thầy giáo dạy sử, một người rất giỏi văn, cuộc đời ông đã trải qua không ít những biến cố, thăng trầm, tôi càng ngưỡng mộ, kính trọng và thương ông nhiều hơn. Với tài năng, đức độ, lý tưởng và phong cách sống, ông xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, như có lần ông đã tâm sự: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.

Gần đây, có dịp xem ảnh và đọc những trang tư liệu viết về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có kể về mối duyên đầu, cũng là mối tình đầu của ông với liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai), tôi đã khóc ròng vì thương ông. Thật bất ngờ khi qua những dòng tư liệu tôi được biết tại đúng lúc Hội nghị quân sự Cách mạng Bắc kỳ (tháng 4-1945) đang diễn ra tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, người chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nhận được tin người vợ trẻ đã hy sinh tại nhà lao Hỏa Lò. Ông đã gác lại nỗi đau riêng, dành trọn vẹn cuộc đời mình cho cách mạng, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với vai trò là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những hoạt động, cống hiến xuất sắc trong chỉ đạo hoạch định kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Đại thắng mùa xuân năm 1975. Tên tuổi ông đã khiến kẻ thù khiếp sợ, dư luận thế giới kinh ngạc và khâm phục.

Với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, ông luôn là người Anh Cả bình dị. Với nhân dân, ông là vị tướng nhân hậu, thấu hiểu dân. Dường như ông sinh ra là để thuộc về Quân đội, thuộc về Nhân dân. Ông không bao giờ tự nhận mọi công lao thuộc về mình. Với ông, cội nguồn thành tựu của chiến thắng chống mọi kẻ thù thuộc về Quân đội, thuộc về Nhân dân. Như trong lần trả lời phóng viên báo chí nước ngoài, ông đã nói: “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có Nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”…

Nhớ vị Đại tướng tài ba, nhân hậu
Tác giả chụp ảnh tại nhà ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ ngày 21/5 đến 16/8/1945, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng với 103 tuổi đời thanh cao, trong sáng. Ông trở về thanh thản trong lòng Đất mẹ với gió cát Quảng Bình, bình dị như những người lính của mình. Kể từ khi Đại tướng mất, khu vực đặt mộ ông tại Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) luôn có rất đông các đoàn khách đến viếng thăm. Nhiều nhất vẫn là các đoàn đại biểu cựu chiến binh, học sinh, thanh niên. Không chỉ ở Quảng Bình mà bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam Đại tướng đã sống và hoạt động cách mạng, cũng trở thành điểm đến yêu thương của du khách trong và ngoài nước. Mọi người tới đây để biểu thị lòng ngưỡng mộ, yêu kính, nhớ thương ông và để hiểu thêm về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kể từ khi ông ra đi, mỗi lần có dịp vào miền Trung, tôi lại đến thăm mộ ông. Cảnh sắc thật thư thái, bình yên. Ông nằm đó giữa rừng thông reo và tiếng sóng biển rì rầm. Lối vào mộ Đại tướng có rất nhiều cây xanh mà cán bộ Nhân dân các tỉnh, thành phố mang tới trồng lưu niệm.

Tôi chợt nghĩ, có lẽ cũng như tôi - không chỉ là lòng ngưỡng mộ, kính yêu - trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhiều người muốn đến thăm ông, thăm những nơi ông đã đi qua để tìm cho mình một điểm tựa niềm tin vững chắc vào những điều thiêng liêng, tốt đẹp của cuộc sống này.

LÊ THỊ HUYỀN (nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập - Đài PT-TH Bắc Giang; nguyên Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang)

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội