A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Thiết lập “Thế trận” phối hợp phòng, chống thiên tai trên tuyến biên giới Việt - Lào, thực trạng và giải pháp

Bài 2: “Đánh giặc thiên tai” bên Tây Trường Sơn

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp Bạn thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các cụm bản... trên đất Bạn Lào. Dù ở đâu, làm gì, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn “xem việc của Bạn như việc của mình”, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân các dân tộc Lào phòng, chống, khắc phục, giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra. Qua tìm hiểu cách thức tiến hành và hiệu quả của việc làm này, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến mong muốn cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhằm chung sức phòng, chống thiên tai giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Bài 1: "Chung chiến hào đánh giặc thiên tai"

Xem việc phòng, chống thiên tai của Bạn như việc của mình

Ông Nhìa Dồng Vàng, 71 tuổi, người dân cụm bản Xẳn Luổng (huyện Mường Khùn, tỉnh Xiêng Khoảng) chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ sạt lở núi Pu Cà Phê tháng 8 năm 2014 khiến gia đình ông mất hết tài sản. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến ngọn núi đổ ập xuống, vùi lấp 1 trường học và 10 hộ dân trong bản, làm 1 người chết, 13 người bị thương. Ông nói: “Tôi nghe tiếng nổ lớn, kèm theo đó là tiếng ầm ầm, đất đá từ trên núi như dòng lũ dữ cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi. Nhờ có cán bộ, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn (Tổng Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4) cảnh báo nguy cơ, giúp sơ tán đến vị trí an toàn nên khi núi sạt lở, 6 người trong nhà tôi giữ được tính mạng. Các anh còn giúp dựng nhà tạm, hỗ trợ quần áo, vật chất, nhu yếu phẩm, động viên gia đình qua cơn hoạn nạn, chúng tôi biết ơn nhiều lắm!”.

Ông Nhìa Dồng Vàng (ngồi giữa) cùng vợ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ sạt lở núi Pu Cà Phê tháng 8 năm 2014 khiến gia đình ông mất nhà cửa.

 

Còn đối với ông Quỳnh Sách, người dân bản Ca Bồi (huyện Xa Muồi, tỉnh Sa la va), ông hết lời cảm ơn cán bộ, nhân viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 192 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế). Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, tháng 9 năm 2019, mưa lớn kéo dài gây ngập trên diện rộng, kèm theo giông lốc, lũ quét và sạt lở núi vùi lấp nhiều nhà cửa, đường giao thông và cầu cống trên địa bàn. Ông là một trong số nhiều hộ dân được bộ đội Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 192 giúp đỡ tránh được thiệt hại về người và tài sản.

Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 192 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) tuyên truyền Nhân dân Lào biện pháp phòng, chống thiên tai (Ảnh: TRẦN TÌNH).

 

Thượng tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội quy tập 192 cho biết: Quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội thường xuyên kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân Lào biện pháp phòng, chống thiên tai, chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, tránh vùng ngập lụt hoặc có nguy cơ sạt lở. Trận lũ lụt tháng 10 năm 2019, Đội đã cử lực lượng giúp bà con sửa chữa hàng chục ngôi nhà và cầu tạm; đào đắp, nạo vét hằng chục m3 bùn đất, khắc phục gần 10km đường sạt lở trên địa bàn; ủng hộ vật chất, nhu yếu phẩm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, vệ sinh môi trường với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

“Đứng chân làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ chủ yếu trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của nước Bạn Lào. Luôn xem Lào là quê hương thứ hai, bà con dân tộc Lào như anh em một nhà. Để tổ chức phòng, chống thiên tai nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế được thiệt hại cho bà con, tôi mong có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Đội quy tập với địa phương và các đơn vị bộ đội Lào trong một số nhiệm vụ, nhất là phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”, Thượng tá Nguyễn Tiến Chương bày tỏ. 

Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 tuyên truyền bà con nhân dân các Cụm bản huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng biện pháp phát triển kinh tế kết hợp phòng, chống thiên tai (ảnh HỒNG SƠN).

 

Những năm qua, bên cạnh việc phát triển có hiệu quả dự án trồng và chế biến mủ cao su, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động Lào; hằng năm, trước mùa mưa bão, Công ty Cổ phần công nghiệp Cao su COECCO (Tổng Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4) đều cử cán bộ, nhân viên thường xuyên tuyên truyền công nhân người Lào và người dân bản địa biện pháp phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đại úy Nguyễn Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty nói: “Con sông Nậm Thon (bản Nậm Thon, huyện Pắc Ca Đinh, tỉnh Bô Ly Khăm Xay), nơi đơn vị thực hiện dự án trồng cây cao su, rất hung dữ khi vào mùa mưa lũ. Người dân Lào Lùm và Lào Sủng ở đây quen sống dựa vào tự nhiên, thấy nước về mới lo chạy lũ, nên không kịp trở tay, nhà cửa bị ngập, tài sản bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề… Trước thực tế đó, cán bộ, nhân viên công ty trực tiếp đến các cụm bản, vừa chăm sóc cây cao su, vừa tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng tránh. Bây giờ bà con đã có thêm kỹ năng, biết gia cố nhà cửa, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn khi có thông báo lũ”.

Cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần công nghiệp Cao su COECCO tuyên truyền, cảnh báo bà con Nhân dân Lào nơi nguy hiểm dễ xảy ra lũ quét.

 

Cũng theo anh Anh, với phương châm “phòng hơn chống”, từ thực tế các đợt lũ lụt, sạt lở đất ở Việt Nam và Lào, phát huy trách nhiệm của đơn vị đứng chân trên địa bàn, công ty thường xuyên tuyên truyền trực tiếp tại các tổ sản xuất, xuống tận gia đình, cho bà con xem những phóng sự nói về sự tàn phá của “giặc hỏa”, “giặc thủy”; biện pháp phòng, chống lụt bão, cháy rừng và các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai của Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện Kim Viêng Chăn giúp Nhân dân bản Nậm Xiểm, huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng phát triển cây trồng vừa kết hợp tuyên truyền phòng, chống thiên tai.

 

Với mục tiêu giúp Bạn xây dựng các cụm bản vững mạnh, cùng với việc giúp Nhân dân Lào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các đơn vị Quân khu 4 đứng chân làm nhiệm vụ trên đất Bạn Lào còn chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí, sắp xếp các cụm bản khoa học, hợp lý cả về quy hoạch, số lượng dân cư cũng như thực hiện các dự án giúp dân phát triển kinh tế phù hợp với thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con kỹ năng phòng, chống thiên tai, xem đây là biện pháp căn cơ, quan trọng, lâu dài, hạn chế sự tác động và ảnh hưởng của thiên tai đến giao thông, kinh tế, đời sống…

Cán bộ y, bác sỹ Bệnh xá Laksao (Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng sau mưa lũ năm 2019. (Ảnh: HỒNG SƠN)

 

Sau những trận mưa lũ, các đơn vị cử bác sĩ quân y phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ của địa phương, có mặt kịp thời ở những vùng trọng điểm lũ giúp Nhân dân khử khuẩn môi trường, khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, không để dịch bệnh bùng phát. Bằng tinh thần quốc tế cao cả, cán bộ, nhân viên các đơn vị trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với Nhân dân những nơi bị giặc “thiên tai” tàn phá, giúp bà con khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Cần lắm sự phối hợp chung sức phòng, chống thiên tai

Đó là mong muốn của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Lào khi chúng tôi đến tìm hiểu về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tại trên đất nước Bạn Lào. Là địa phương từng bị thiệt hại nặng nề trong đợt sạt lở đất năm 2014, ông Nhìa Và Xồng, Bí thư, Trưởng bản Xẳn Luổng (huyện Mường Khùn, tỉnh Xiêng Khoảng) nói: Ngày trước Việt Nam và Lào cùng “chung chiến hào” đánh đuổi kẻ thù xâm lược, ngày nay việc phối hợp phòng, chống thiên tai là rất cần thiết. Khi Lào bị lũ lụt, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nếu tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với nhau thì rất tốt”. 

Đoàn công tác các sở, ban, ngành tỉnh Hủa Phăn, Lào nghiệm thu Dự án cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi Nậm Loong phục vụ cấp thoát nước, do Công ty Xây dựng COECCO Lào (Tổng Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4) xây dựng. 

 

Trung tá Vông Phon On Ma Lay Vông, Chỉ huy trưởng huyện Cà Lừm, tỉnh Sê Công khẳng định: “Việt Nam là nước có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai. Chúng tôi rất mong muốn Quân khu 4 tiếp tục quan tâm bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ ở nước tôi, để lực lượng này tiếp tục sang giúp đỡ địa phương tổ chức các cuộc diễn tập quy mô làng, bản, giúp Nhân dân chúng tôi biết cách và chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai”.

Thực tế trên đất nước Lào, Bạn rất quan tâm làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, chủ động lực lượng, vật chất và phương án sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt nên Bạn rất cần các tổ, đội tuyên truyền, xung kích, phản ứng nhanh tại cơ sở. Thực tế cho thấy, cán bộ, nhân viên Quân khu 4 đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ này, nhưng để mang tính bền vững, lâu dài cần có sự phối hợp tuyên truyền, diễn tập, hành động thiết thực, tạo lập “thế trận” phòng, chống thiên tai giữa hai nước Việt - Lào. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trao gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ 240 hộ dân thuộc các bản Xê Xáp, Ca Lô, huyện Cà Lừm, tỉnh Sê Kông và Bản Cô Tài, tỉnh Salavan, nước bạn Lào bị ảnh hương do thiên tai tháng 1 năm 2022 (Ảnh: LÊ SÁU). 

 

Đồng chí Bun Chăn Xi Vông, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Xiêng Khoảng nhấn mạnh: “Cũng như Việt Nam, tình hình thiên tai, mưa lũ ở Lào ngày càng diễn biến phức tạp. Nhờ có cán bộ, nhân viên và bộ đội Việt Nam tuyên truyền, giúp đỡ, nhận thức của bà con được nâng lên, biết chủ động trong phòng tránh. Tuy nhiên do dân cư phân tán, địa hình hiểm trở, nên việc luyện tập, xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai rất khó khăn, vì vậy, rất mong Việt Nam tiếp tục giúp đỡ. Đặc biệt rất cần có quy chế phối hợp và tổ chức các cuộc tập huấn, diễn tập để cùng nhau phòng, chống thiên tai, nhất là trên tuyến biên giới Việt - Lào thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả, từ đó nhân rộng trên toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam - Lào và cả nước”.

Bài và ảnh: HỒ LĨNH - HUY CƯỜNG - HOÀNG THÁI - HOÀNG TRUNG

Bài 3: Giải pháp tạo lập “thế trận”, chung sức phòng, chống thiên tai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội