A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản Vân Kiều chống dịch

Nằm cách tuyến tỉnh lộ nối hai đường Hồ Chí Minh nhánh Đông - Tây non cây số, bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình) ngày thường vốn thanh bình nay càng trầm lắng hơn khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Cũng như người dân trong tỉnh Quảng Bình và cả nước, đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát tự nhắc nhở nhau “đóng bản” chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Ngay trước trục đường bê tông chính phía gần Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Ba Rền, đập vào mắt chúng tôi là tấm pano hướng dẫn cách thức phòng, chống dịch Covid-19 được dán ở một vị trí mà đồng bào mỗi lần đi qua đều thấy được, biết được và làm theo. Vốn ngày thường, dân bản, trẻ con thường hay tụ tập, vui đùa dọc khắp các tuyến đường trong bản, thế nhưng hiện tại, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng người.

Đồng bào Vân Kiều với phong tục, tập quán sinh sống, lao động quần tụ, gần gũi với thiên nhiên, tính cộng đồng cao. Nếu lỡ may đại dịch Covid-19 “mon men” vào bản, đồng bào khó lòng phòng chống, cầm cự. Trước khi lên bản Khe Ngát, chúng tôi đem cái lo của riêng mình như thế chia sẻ với Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Khe Ngát Hồ Văn Phần, ông trấn an: “… Hơn hai tháng trước, khi dịch Covid-19 chưa tràn lan ra khắp thế giới, bản Khe Ngát đã “đóng bản” phòng, chống dịch rồi!”.

“Cách ly tại nhà” nên đường trong bản Khe Ngát vắng bóng người.

Gặp Bí thư chi bộ Hồ Văn Phần tại nhà, vợ chồng ông tiếp chúng tôi rất nghiêm túc với khẩu trang che kín nửa khuôn mặt: “Đề nghị ngồi cách xa hai mét nhé!” - ông cười vui nhắc nhở. Về chuyện phòng dịch Covid-19, ông kể: “Hàng ngày, trên hệ thống truyền thanh đều phát nội dung tuyên truyền ba lần sáng, trưa, tối theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ban công tác Mặt trận đến tận nhà, gõ tận cửa động viên bà con nếu không có việc gì quan trọng thì nên ở nhà. Mọi việc lao động, sản xuất cũng chuyển dần hoàn toàn vào trong khu vực bản.

Một số người vào rừng hái măng, lấy mây, đót… cũng được vận động không đi xa, chỉ đến những nơi rừng núi an toàn. Những ai ra khỏi bản, tụ tập đông người phải mang khẩu trang. Trong bản đã hạn chế các hoạt động vui chơi, cưới hỏi, cúng giỗ… Thanh niên cấm tụ tập dưới mọi hình thức. Người ra ngoài bản khi về đều phải đến nhà trưởng bản, bí thư chi bộ, y tế thôn bản khai báo lịch trình và kiểm tra sức khỏe”.

Bản Khe Ngát có 97 hộ dân, 390 khẩu, lao động trong độ tuổi chiếm tỷ lệ 20%, hơn 20 lao động trẻ đang làm ăn ở các tỉnh miền Nam, chủ yếu là Sài Gòn, Đà Nẵng, nơi có người nhiễm Covid-19. Đặc biệt, 7 lao động đang ở Trung Quốc, nơi phát sinh đại dịch Covid-19 đầu tiên. Tất cả những đối tượng này đều được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể bản Khe Ngát nắm bắt đầy đủ.

“Nói có sách, mách có chứng”, Hồ Văn Phần lật cuốn sổ công tác, đọc vanh vách tên 7 lao động hiện làm thuê tại Trung Quốc: “Vợ chồng Hồ Văn Dinh, Hồ Thị Tuyết, Hồ Văn Lích, Hồ Thị Chinh, Hồ Thị Lê, Hồ Văn Thăng, Hồ Thị Hinh. Với các trường hợp này và cả những con em làm ăn ở miền Nam, cán bộ bản trực tiếp đến vận động gia đình để họ động viên người thân ở lại không nên về quê, tuân thủ nguyên tắc cách ly tại chỗ, cách ly xã hội như Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo.”

Vợ chồng Bí thư Chi bộ bản Khe Ngát tiếp chuyện phóng viên.

Gia đình Bí thư Chi bộ bản Hồ Văn Phần cũng có con Hồ Văn Lịch đi làm ăn tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Lịch điện thoại xin bố mẹ cho về “trốn dịch”. Hồ Văn Phần kiên quyết: “Ở yên một chỗ trong đó. Nếu lỡ may con mang dịch bệnh về, lây lan ra cho cả bản thì làm sao? Thương con lắm chứ, nhưng sức khỏe, tính mạng đồng bào mình là trên hết.", ông Phần chia sẻ.

“Lo nhất là đám trẻ, hơn hai tháng qua chúng không được đến trường, sợ quên mất cái chữ.”- thầy giáo Hoàng Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Ba Rền đứng chân tại bản Khe Ngát tâm tư -“Toàn trường có 88 học sinh, trong đó 56 em TH và 32 em THCS, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 29 người. Từ ngày đóng trường phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, nhà trường tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của cấp trên.

Để duy trì trường lớp xanh, sạch, đẹp đón học sinh trở lại sau khi đại dịch đi qua, mỗi ngày, nhà trường cắt cử một tổ gồm 4 người luân phiên nhau trực, vệ sinh cảnh quan toàn trường. Kết hợp với cán bộ bản, y tế học đường, y tế bản tuyên truyền cách phòng, chống dịch cho đồng bào, thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho bà con cũng như các em học sinh”.

Trong cái khó… ló cái khôn, Trường PTDTBT TH và THCS Ba Rền triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh trên facebook. Nghĩa là huy động phụ huynh những ai có smartphone sẽ tạo điều kiện giúp giáo viên chủ nhiệm lập tài khoản cho con em mình, chuẩn bị bài giảng, bài tập chuyển vào tài khoản để học sinh học. Giáo viên cắm bản, giáo viên trực trường có trách nhiệm duy trì hệ thống wifi của nhà trường phát cho toàn bộ học sinh trong bản truy cập, sử dụng. “Mặc dù không hoàn hảo như khi các em đến trường, nhưng phần nào đã khắc phục lỗ hổng kiến thức khi học sinh phải nghỉ học dài ngày.”, thầy giáo Hoàng Đức Hòa khẳng định.

Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn. Và chúng tôi tin với cách thức “đóng bản” chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ” đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát đã và đang thực hiện, Khe Ngát sẽ giữ được mình và có những tháng ngày bình yên trở lại.

Nguồn Báo Quảng Bình


Tác giả: báo quảng bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội