Lan tỏa mô hình gắn kết yêu thương trên quê hương xứ Nghệ
Bài 2: Nhân lên mô hình hiệu quả
Hiệu quả từ mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghi Vạn, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo chi hội phụ nữ các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức kết nghĩa với các chi hội phụ nữ ở địa phương vùng giáo. Thông qua các hoạt động kết nghĩa đã góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương giữa lương và giáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Bước chuyển từ nhận thức
Tôi còn nhớ, sau hơn 2 tháng ký kết hoạt động, cuối tháng 6/2017, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghi Vạn giúp địa phương làm đường giao thông nông thôn tại xóm 6, xã Nghi Vạn. Trong buổi lao động đó, không chỉ có cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và bà con Nhân dân địa phương mà chúng tôi còn thấy có cả các chức sắc, chức việc và Linh mục quản xứ Hoàng Trọng Hiếu làm cùng bộ đội.
Thiếu tá QNCN Hoàng Vân Anh, Chủ tịch Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Mặc dù, thời gian đầu triển khai thực hiện mô hình này gặp không ít khó khăn, song chúng tôi xác định, chỉ có cách tiếp cận gần gũi, chân tình, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể “mưa dầm thấm lâu”, mới có thể tuyên truyền hiệu quả được. Do vậy, thông qua các lần thăm, tặng quà, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giúp địa phương tổng dọn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới... để trò chuyện, chia sẻ, vận động người dân. Chính cách tiếp cận gần gũi, chân tình đó đã tác động rất lớn đến cách nghĩ, cách làm của bà con giáo dân cũng như các chức sắc, chức việc. Theo thời gian, bà con và các chức sắc, chức việc ngày càng tin tưởng và cảm phục bộ đội hơn. Và cũng từ sự tin tưởng, cảm phục đó mà bà con đã tiếp thu những góp ý, tuyên truyền, vận động của chúng tôi để tự giác thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân ở địa phương...”.
Những lời tâm sự của chị Vân Anh được chúng tôi kiểm chứng trong buổi giao lưu, tặng quà cho các cháu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi Giáo họ Tân Hương, Giáo xứ Bố Sơn, do Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghi Vạn tổ chức. Hôm ấy, chứng kiến những tình cảm của bà con giáo dân dành cho bộ đội rất đỗi gần gũi, chân tình, Linh mục Hoàng Trọng Hiếu nói với tôi rằng: “Các anh, các chị đúng là “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân. Những việc làm của các anh, các chị đã làm cho bà con chúng tôi hết sức tin tưởng, mến phục...”. Còn ông Phan Văn Công, Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn bộc bạch: “Từ ngày Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kết nghĩa với Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, nghe bộ đội nói, chứng kiến bộ đội làm bà con Nhân dân hết sức tin tưởng bộ đội. Chính vì vậy mà các hoạt động phong trào của địa phương cũng chuyển biến tiến bộ. Đặc biệt, là bà con đã tích cực hơn trong tham gia các hoạt động ở địa phương, như xây dựng nông thôn mới, đóng nộp thuế...”.
Nhân lên mô hình hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiệu quả từ mô hình kết nghĩa giữa Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghi Vạn, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và chỉ đạo chi hội phụ nữ các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức kết nghĩa với các chi hội phụ nữ vùng giáo trên địa bàn. Đến nay đã có thêm 7 chi hội phụ nữ của đơn vị kết nghĩa với chi hội phụ nữ địa phương vùng giáo. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị còn lại khảo sát thực tế của địa phương để tổ chức kết nghĩa trong thời gian tới”.
Có thể nói rằng, sau hơn 3 năm thực hiện mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, chị em phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác”, làm công tác dân vận ngay trong nhà thờ và trong lòng bà con giáo dân. Nói về tính hiệu quả của mô hình này, Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, nhấn mạnh: “Những kết quả mà chúng tôi làm được chưa nhiều, nhưng đã góp một phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của một số bà con giáo dân trước đây nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu đi biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nay bà con đã yên tâm làm ăn, từng bước ổn định tình hình địa bàn. Đặc biệt, những nơi mà chúng tôi tổ chức kết nghĩa thì trong cách rao giảng cho giáo dân, các linh mục đã khen bộ đội rất nhiều. Không chỉ vậy, khi chúng tôi đến làm công tác dân vận, một số linh mục và chức sắc tôn giáo đã ra đường làm với bộ đội. Khi bộ đội về, các linh mục đã tổ chức mời cơm thân mật, hay nhân dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam có linh mục đã đến tận đơn vị chúc mừng bộ đội...”.
Hiệu quả từ mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” của Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, đến nay, nhiều tổ chức Hội phụ nữ trong lực lượng vũ trang Quân khu 4 như Bộ CHQS các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lữ đoàn Thông tin 80... đã tổ chức kết nghĩa với Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, chi hội phụ nữ trên địa bàn đóng quân, trong đó tập trung ở các địa phương vùng giáo... Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết lương - giáo, đoàn kết quân dân, giúp chị em phụ nữ có nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trực tiếp là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
ĐẶNG HUY CƯỜNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận