A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chút Mút không còn xa

Trở lại Chút Mút lần này trong tôi dâng lên nhiều cảm xúc, bởi lẽ nơi xa ngái tận cùng phía Tây Quảng Bình giờ đã đổi thay nhiều. Chút Mút đã có quốc lộ 9B nối gần bản xa, có sóng 3G và có cả những ý tưởng làm ăn táo bạo tưởng như ở dưới đồng bằng. Cuộc sống của những người con mang họ Bác Hồ ở giữa sâu hút đại ngàn Trường Sơn tuy vẫn còn khó khăn song con đường phía trước đã sáng hơn.

Lớp học ở bản Eo Bù - Chút Mút.

Chuyện tên đất

Với người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), địa danh Chút Mút khi mới nghe qua đã không muốn đến, bởi lẽ đó là một bản nhỏ vùng biên thuộc xã Lâm Thủy, tận cuối con đường 16- tuyến đường huyết mạch trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại nối Đông và Tây Trường Sơn thời chiến tranh. Chút Mút vừa xa ngái vừa cách trở và… cuối cùng. Tên đầy đủ của bản là Eo Bù - Chút Mút vừa tượng thanh vừa tượng hình: đã eo (hẹp) còn mút (cuối cùng). Khoảng năm 2004, từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy đến với bản Eo Bù - Chút Mút phải mất một ngày đường, với nhiều loại phương tiện, kể cả đi bộ. Vì thế, vùng đất biệt lập giữa rừng Trường Sơn này càng xa xôi cách trở hơn.

Lần trở lại này, tôi cẩn thận hơn, gọi điện thoại cho cậu em bộ đội đóng quân ở Làng Ho để biết đường sá mà dự liệu. Từ đầu dây bên kia, cậu em nói như khoe với giọng đầy tự hào: “Đường đẹp lắm rồi anh ạ, lên Chút Mút giờ xe gầm thấp cũng đi ngon”. Nghe vậy nhưng tôi vẫn chưa yên tâm lắm cho nên phải mượn một xe bán tải hai cầu và nhờ một anh bạn lái xe lão luyện để lên biên giới.

Đường lên Eo Bù - Chút Mút trên biên giới Việt Nam và Lào.

 

Miền Tây Lệ Thủy tuy mới cuối mùa Xuân nhưng gió Tây Nam đã lồng lộng thổi. Xe ngược đường 10 - cũng là tuyến đường ngang nối Đông và Tây Trường Sơn, qua những địa danh lịch sử gắn với huyền thoại một tuyến đường như cầu Long Đại, ngã ba Tăng Ký để rẽ vào quốc lộ 9B, vốn là tuyến đường 16 vừa mới được nâng cấp. Quả như lời cậu em bộ đội biên phòng nói, đường lên Chút Mút giờ đã được nhựa và bê-tông hóa phẳng lỳ, rộng thênh thang, nối Quảng Bình với Sa-va-na-khệt của nước bạn Lào. Đoạn từ ngã ba Tăng Ký trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ lên biên giới để vào Eo Bù - Chút Mút dài chừng 20 km vừa mới hoàn thiện, uốn lượn mềm mại theo con suối Rào Reng.

Xe bon bon trên đường, tôi nhớ lại chuyến lên Chút Mút gian nan nhiều năm trước. Theo già làng Hồ Văn Vầng, bản Chút Mút được tách ra từ bản Eo Bù, bởi vậy, đến bây giờ dân bản vẫn thường gọi quê hương với cụm từ Eo Bù - Chút Mút. Gốc gác của bà con ở đây là từ huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do chiến tranh ly tán cho nên họ di cư rồi về vùng đất ven triền suối Rào Reng này dựng nhà lập bản. Ngày trước con đường từ trung tâm xã đến với bản là đường độc đạo dọc theo con suối Rào Reng. Mùa mưa, nước dâng cao, người dân phải đi men theo bờ đá chênh vênh. Ngày nước cạn, đôi chân trần lại lam lũ ngược xuôi giữa lòng suối khô khốc. Con em trong bản phải đi bộ về trung tâm xã để học vì thế cái chữ cứ rơi rụng dần...

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hồ Văn Bình trông già dặn hơn cái tuổi 39 của mình. Hôm ấy, chi bộ bản Eo Bù - Chút Mút tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới ở nhà văn hóa bản. Nhìn cái cách trao quyết định và phát biểu giao nhiệm vụ cho đảng viên mới, tôi tin ở anh, bà con cũng tin người trưởng bản. Sau buổi lễ, anh mời tôi ghé thăm nhà. Nhìn ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang của gia đình được cất dựng trên nền đất cao ráo ngay giữa trung tâm bản cho thấy, người trưởng bản này lanh lợi, biết cách làm ăn. Mời tôi chén nước nấu bằng lá rừng đăng đắng xen lẫn vị ngọt, anh Bình chia sẻ: Các già bản kể lại rằng, thời chiến tranh, Eo Bù - Chút Mút là địa bàn trung chuyển quân lương, vũ khí của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Bà con ở đây đã góp công, góp sức rất lớn để vận chuyển hàng hóa, bảo vệ bộ đội. Sau này, dân bản giúp bộ đội biên phòng tuần tra biên giới, giữ gìn an ninh biên cương. Đến nay, cả bản có 64 hộ dân với 269 nhân khẩu, sống bằng nghề trồng rừng, làm lúa nước, cuộc sống đang ngày càng ổn định hơn.

Nối gần bản xa

Trưởng bản Hồ Văn Bình kể, khi tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được mở, dù chỉ đi được một đoạn ngắn để đến trung tâm xã nhưng dân bản Eo Bù - Chút Mút hồ hởi lắm. Đến ngày quốc lộ 9B được nâng cấp, bà con mừng đến không ngủ. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Phạm Quang Hải cho biết, bằng sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Quảng Bình và hỗ trợ của Bộ GTVT, tuyến tỉnh lộ 16 được nâng cấp lên thành quốc lộ 9B để nối Quảng Bình với Sa-va-na-khệt (Lào) thông qua cửa khẩu Chút Mút - Lã Vơn. Điều đó cũng giúp bản làng xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn có đường để kéo gần khoảng cách địa lý với các địa phương khác, đưa cuộc sống đi lên. Vậy là, cho dù nằm ở điểm cuối của con đường nối Đông Tây Trường Sơn tại nơi eo thắt nhất cả nước là Quảng Bình song bản Eo Bù - Chút Mút đã không còn xa.

Sau đường là điện lưới. Câu chuyện đưa ánh điện lên vùng cao Chút Mút cũng hết sức gian nan. Đại tá Nguyễn Văn Quốc, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - quốc phòng 79 (Binh đoàn Tây Nguyên) nhớ lại, thực hiện dự án khu Kinh tế - Quốc phòng Nam Quảng Bình, năm 2014, đơn vị ưu tiên việc đầu tư đưa điện lưới quốc gia lên vùng biên giới Eo Bù - Chút Mút nhưng do địa hình hiểm trở cho nên thực hiện rất khó khăn. Với sự cố gắng lớn của chủ đầu tư, đơn vị thi công và hỗ trợ của ngành điện, “ánh sáng” đã về với bà con. Trưởng bản Hồ Văn Bình cho biết thêm, niềm vui chưa được kéo dài bao lâu thì tháng 10-2016, trận bão lịch sử gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Bình, đường dây trung thế với chiều dài gần hai cây số đến bản Eo Bù - Chút Mút bị hỏng. Mãi đến đầu năm 2019 việc khôi phục lưới điện mới thực hiện được.

Câu chuyện của tôi với trưởng bản Hồ Văn Bình bị ngắt quãng do anh phải nói chuyện điện thoại với người thu mua mật ong. Lúc sau, anh giải thích, bây giờ dân bản đi rừng kiếm được nấm lim, mật ong, song mây… thì không cần mang ra trung tâm xã hoặc phải vất vả đưa về xuôi bán mà chỉ cần gọi điện là có người lên tận nơi mua. “Giá cả rẻ chút ít nhưng rất thuận lợi”, Bình nói. Không chỉ thu mua mà nhiều người dưới xuôi còn mang hàng hóa thiết yếu lên Eo Bù - Chút Mút để bán. Cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở đây được cải thiện hơn kể từ khi có Dự án 135. Điểm trường mới được xây dựng khang trang, học sinh lớp 1 và lớp 2 được học ngay tại bản, lớn hơn thì ra trung tâm xã học. Nhà cửa bà con cũng được hỗ trợ để xây cất vững chắc hơn. Công trình đập ngăn nước Rào Reng phục vụ cho sản xuất được xây dựng.

Trung tá Phạm Ngọc Hoài, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Chút Mút dẫn chúng tôi lội qua suối Rào Reng để đến thăm cánh đồng lúa hai vụ của bản. Xế trưa, bên dãy núi tím thẫm điệp trùng là cánh đồng lúa vàng hiện ra. Trung tá Phạm Ngọc Hoài chia sẻ, ba héc-ta lúa nước hai vụ này đủ cung cấp lương thực năm tháng cho bà con, bảy tháng còn lại dân bản sống bằng nghề đi lấy lâm sản phụ của rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, làm rẫy… Tuy có ruộng lúa nước nhưng có một số hộ chưa tự giác làm mà phải có sự nhắc nhở của bộ đội biên phòng, của trưởng bản. Nhà siêng chăm sóc thì lúa tốt, không khác gì ruộng ở đồng bằng, nhà ít chăm sóc thì lúa mọc chung với cỏ, bộ đội phải bám đồng ruộng để nhắc nhở.

Trên đường trở về bản, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hoàng Long - một người đồng bằng lên lập gia đình với một phụ nữ Vân Kiều và coi Chút Mút như là quê hương thứ hai gần 30 năm nay. Ông lên làm nghề buôn bán nhu yếu phẩm, rồi mua ô-tô con để chạy dịch vụ. Ông bảo, đường sá tốt, có điện thoại nữa cho nên công việc cũng thuận lợi. “Trên vùng biên giới này, bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế về nhận thức, chưa tự giác lao động để có cuộc sống ổn định, hủ tục và các tệ nạn vẫn còn. Bộ đội biên phòng về đây cắm chốt không chỉ bảo vệ an ninh biên cương mà còn hướng dẫn, chỉ bảo bà con biết cách sống văn minh, xóa đói nghèo. Ở đây, tình quân dân bền chặt lắm, ai ốm đau, hiếu hỷ đều gọi bộ đội biên phòng, có ai lạ mặt xuất hiện trong bản cũng báo bộ đội biết, ông Long tâm sự.

Chia tay bà con ở bản Eo Bù và các chiến sĩ biên phòng Chút Mút, chúng tôi về xuôi mang theo nhiều cảm xúc trong lần trở lại này. Đó là lời tâm sự gửi gắm của già Hồ Văn Vầng rằng, đường đã có, mong Nhà nước sớm thông thương cửa khẩu Chút Mút và Lã Vơn để bản biên cương có cơ hội mở mang và phát triển. Đó là ánh mắt trong veo của cô giáo trẻ ở điểm trường Chút Mút trong hành trình “gieo chữ” nơi vùng biên giới còn lắm gian nan, gập ghềnh. Đó là lời mời trở lại Chút Mút trong mùa rừng thay lá của Trung tá Phạm Ngọc Hoài để có những đêm không ngủ cùng bà con… Vượt lên tất cả, họ vẫn âm thầm, cần mẫn ngày đêm giúp bản xa được gần hơn, sáng hơn trong hành trình đi tới ấm no.

Theo BÁO NHÂN DÂN


Tác giả: báo nhân dân
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội